'The Passenger' - cuốn tiểu thuyết tái sinh sau 8 thập kỷ

01/06/2021 18:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - The Passenger không được quan tâm khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1939. Thế nhưng 82 năm sau đó, câu chuyện về một người đàn ông chạy trốn Đức Quốc xã vừa lọt Top 10 cuốn sách best seller của Sunday Times ở Vương quốc Anh và được giới phê bình đánh giá cao.

Jeffrey Archer, nhà văn best seller trở lại

Jeffrey Archer, nhà văn best seller trở lại

Archer vừa trở lại với cuốn sách mới nhất Best Kept Secret kèm theo tuyên bố: Rowling còn được, chứ E.L. James là cái gì?

The Passenger, cuốn tiểu thuyết được Ulrich Alexander Boschwitz viết năm 1938, kể về doanh nhân Otto Silbermann, người bỏ trốn khỏi Berlin ngay sau đợt khủng bố Do Thái có tên Kristallnacht.

Cuộc chạy trốn khỏi chế độ phát xít

Khi ấy, nhiều người bạn Do Thái của Silbermann đã bị Đức Quốc xã bắt giữ. Vào tháng 11/1938, Silbermann nghe thấy tiếng gõ cửa của một nhóm lính Đức Quốc xã. Anh chạy ra cửa sau và cùng vợ bắt đầu một cuộc hành trình xuyên Đức để trốn thoát khỏi chế độ phát xít.

Với tất cả số tiền có thể gom góp được nhét vào vali, Silbermann bắt hết chuyến tàu này đến chuyến tàu khác xuyên nước Đức, liều lĩnh tìm cách vượt biên. Cứ mỗi giây phút kinh hãi lại có một hành khách phát hiện ra thân phận Do Thái của anh. Như nhiều nhà phê bình đánh giá, The Passenger là tác phẩm tái hiện xuất sắc bầu không khí kinh hoàng bao phủ nước Đức trong giai đoạn này.

Chú thích ảnh
Chân dung Ulrich Alexander Boschwitz, tác giả cuốn “The Passenger”

Tác giả Boschwitz có cha là người Do Thái và mẹ theo đạo Tin lành và thực sự đã chạy trốn khỏi chế độ Đức Quốc xã vào năm 1935, ngay sau khi Luật Nuremberg nặng tính phân biệt chủng tộc được ban hành. Đầu tiên ông đến Thụy Điển, sau đó là Na Uy và Anh.

Boschwitz viết cuốn tiểu thuyết này khi sống lưu vong. Nó được xuất bản lần đầu tiên ở Anh vào năm 1939 với tựa đề The Man Who Took Trains (tạm dịch: Người đàn ông đi tàu hỏa) nhưng cuốn truyện này không gây được tiếng vang.

Nhưng khi phiên bản tiếng Đức đầu tiên ra mắt vào năm 2018, cuốn sách đã được ca ngợi là một kiệt tắc văn học. Dựa trên bản thảo gốc tiếng Đức và những ghi chú của chính tác giả, một bản dịch mới đã được xuất bản bằng tiếng Anh, tiếp theo đó là khoảng 20 ngôn ngữ khác. Cuốn sách đã lọt vào danh sách bán chạy nhất của Sunday Times tại Vương quốc Anh.

The Passenger cũng nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của giới phê bình. Hội đồng Sách Do Thái trên thế giới đã đánh giá rằng The Passenger tái hiện chân thực cuộc sống của người Do Thái trong thời Đức Quốc xã.

"Đó là bầu không khí ngột ngạt gắn với một cơn ác mộng thực sự, khi một người đàn ông lặp đi lặp lại hành trình của mình nhưng không bao giờ tìm được lối thoát” - Jonathan Freedland của The Guardian viết. “The Passenger đưa người đọc vào sự u ám của Đức Quốc xã, khi bóng tối đang phủ xuống số phận những người Do Thái. Nó hoàn toàn xứng đáng được đọc trong thời gian này”.

Viết trên tờ Sunday Times, cây bút David Mills tuyên bố: “Đã có một số tiểu thuyết tuyệt vời về Thế chiến II được nhắc tới trong thời gian gần đây. Tôi chắc rằng The Passenger là tác phẩm xuất sắc nhất trong số đó”.

Chú thích ảnh
Bìa phiên bản “The Passenger” được phát hành ở Anh

Sự hồi sinh của những cuốn tiểu thuyết bị lãng quên

Chuyên gia xuất bản người Đức, Peter Graf, đóng một vai trò quan trọng trong việc tái phát hiện The Passenger. Trong những năm gần đây, Graf chuyên tổ chức xuất bản các ấn bản mới của những cuốn sách từng bị lãng quên và bỏ qua trong quá khứ. Ông thiết kế sách cho khách hàng, là biên tập viên của các tiểu thuyết được xuất bản với sự hợp tác của các nhà xuất bản khác và là giám đốc điều hành của một nhà xuất bản nhỏ ở Berlin.

Một trong những thành công lớn nhất của ông là Blood Brothers của Ernst Haffner. Cuốn tiểu thuyết, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1932, kể về một nhóm thanh niên vô gia cư trong thời kỳ Cộng hòa Weimar (1918 - 1933) và những người ăn trộm, buôn bán đồ ăn cắp và mại dâm ở Berlin. Cuốn sách mang tính phóng sự xã hội đáng chú ý này được tái bản vào năm 2013 và được nhiều người hoan nghênh.

Chú thích ảnh
Bà Reuella Sachaf bên chân dung chú mình, tác giả Boschwitz của “The Passenger”

Sự nổi tiếng của nó đã giúp The Passenger có được số phận mới. Sau khi Blood Brothers được xuất bản bằng tiếng Do Thái, Reuella Sachaf - cháu gái của Boschwitz - sống ở Israel, đã đọc cuộc phỏng vấn với Graf trên một tờ báo hàng ngày và liên lạc với ông. Cô kể cho Graf nghe về cuốn tiểu thuyết của chú cô và giải thích rằng bản thảo được lưu giữ trong kho lưu trữ tác phẩm của những người Đức lưu vong tại Thư viện Quốc gia ở Frankfurt.

Graf cho biết, ông đã dành 2 ngày tại Thư viện Quốc gia để đọc The Passenger và nhanh chóng nhận ra rằng cuốn tiểu thuyết có tiềm năng lớn nhưng nó quá tầm đối với nhà xuất bản của riêng mình. Đó là lý do tại sao ấn phẩm được nhà xuất bản Klett-Cotta ở Stuttgart quản lý.

“Ngoài kiến ​​thức lịch sử về những gì đã xảy ra trong thời kỳ Đức Quốc xã, cuốn tiểu thuyết còn mô tả sống động về thời gian này và giúp người đọc hình dung nó khá dễ dàng” - Graf nhận xét. “Những hành động tàn bạo liên quan đến hàng triệu nạn nhân thường quá trừu tượng. Nhưng, dù là hư cấu, câu chuyện mang tính cá nhân của Silbermann lại cho phép chúng ta tìm thấy sự đồng cảm mạnh mẽ với các nạn nhân của Đức Quốc xã”.

Nhưng tại sao cuốn sách bị lãng quên ngay khi xuất bản? Graf giải thích: Vào giai đoạn này, thị trường sách tràn ngập các ấn phẩm mới, và sự hỗn tạp này khiến rất ít cuốn sách có thể thành công. Do vậy, The Passenger không thu hút được nhiều sự quan tâm khi nó được xuất bản lần đầu tiên ở Anh vào cuối những năm 1930 nhưng giá trị của cuốn tiểu thuyết đã phát triển theo thời gian.

Theo Graf, điều quan trọng là phải xuất bản cuốn sách “vào đúng thời điểm”. Và, những cuốn sách thành công đều ít nhiều có sự kết nối với bối cảnh hiện tại. Cụ thể, The Passenger có nội dung tương đồng với vấn đề di cư của thế giới hiện đại. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến những câu hỏi về sự tồn tại của con người. “Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn và phải rời khỏi vùng an toàn của mình” - Graf nói. “Tôi không nghĩ văn học làm thay đổi thế giới nhưng nó có thể gây xúc cảm cho độc giả trong những thời khắc nhất định”.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm