Thấy lại bức tranh của chính mình nhờ… SGK!

28/06/2009 19:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong sách giáo khoa Mỹ thuật 4 của Bộ GD&ĐT do NXB Giáo dục ấn hành, có tác phẩm Về nông thôn sản xuất (lụa, 1957) của Ngô Minh Cầu ở trang 28, bài 11 “Xem tranh của họa sĩ”, nhưng họa sĩ tác giả của bức tranh này chẳng biết tác phẩm của mình đã đi vào SGK bằng cách nào và khi nào?
Họa sĩ Ngô Minh Cầu
 
Ghi sai năm sinh tác giả, thiếu kích thước tranh Ngô Minh Cầu sinh ngày 10/5/1927 tại Hà Nội, nhưng trong SGK Mỹ thuật 4 lại ghi sinh năm 1924 - đây là sai sót mà họa sĩ thắc mắc đầu tiên vì không biết thông tin này ở đâu ra? Vì nếu có liên hệ với chính tác giả, hoặc dựa vào tư liệu khả tín thì cũng không đến nổi sai lệch như thế.

Ngô Minh Cầu cho biết mình vẽ bức tranh này vào cuối năm 1957 trên chất liệu lụa, với khổ khoảng 50x70cm, lâu quá rồi không được nhìn thấy lại tác phẩm gốc, nên không nhớ rõ kích thước. Năm 1958 bức tranh này từng tham dự triển lãm họa sĩ trẻ quốc tế ở Vienna (Áo) và nhận được HCB; cùng sự kiện với bức Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch của họa sĩ Trần Đông Lương, nhận Bằng khen. Theo ông Cầu, từ mấy chục năm trước, Về nông thôn sản xuất đã được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông nói rằng, họa sĩ có thể quên hoặc nhầm kích thước tác phẩm của mình, do thời gian và do vẽ nhiều làm nhiều, nhưng biên soạn SGK “thường thức mỹ thuật” thì không nên “quên”, vì học sinh phải cần biết kích thước thực để hình dung.
Tác phẩm in trong SGK
 
Người “hàng xóm” của Ngô Minh Cầu trong cuốn sách này là danh họa Trần Văn Cẩn (1910-1994) cũng bị “quên” như vậy, chỉ đề tên tác phẩm Gội đầu, tranh khắc gỗ, mà không ghi kích thước (trang 29). Hai họa sĩ còn lại ở các trang khác là Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái cũng chịu chung số phận. Những người làm sách quên một điều rằng, kích thước gắn liền với tư duy sáng tạo của họa sĩ, vẽ trên vỏ bao thuốc lá rất khác với vẽ khổ lớn. Đó là chưa nói những chất liệu đặc thù như khắc gỗ, sơn mài, lụa... kích thước lớn là cả một vấn đề về mặt kỹ thuật thể hiện.

Sáng tạo thêm một lần nữa
 
Trước khi thành sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam, khóa kháng chiến tại Việt Bắc (1949-1954), thì năm 1948 ông đã làm bức sơn mài đầu tiên, học kỹ thuật từ nghệ nhân - họa sĩ Phạm Đức Cường. Đến tác phẩm như Về nông thôn sản xuất thì ông vẽ lụa, và thực tế thì ông đã vẽ lụa nhiều từ sau cải cách ruộng đất. Ông và họa sĩ Trọng Kiệm cũng có khoảng 5 năm đi theo danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954) vẽ tranh. Ông Cầu nói mình đã chứng kiến và vẽ chung mẫu nhiều ký họa tác phẩm đặt dấu ấn trong đời Tô Ngọc Vân, ông kể có bức “thầy trò” cùng chui xuống gầm một nhà sàn để vẽ, vì chiến tranh ác liệt, khoảng năm 1953, một năm trước khi ông Vân qua đời ở Đa Khê, gần Điện Biên Phủ.
 
Sau cải cách ruộng đất, hòa vào cái không khí “hồ hởi phấn khởi” trong nhân dân, nhiều văn nghệ sĩ đã về nông thôn tham gia sản xuất, và sáng tác nghệ thuật theo quan điểm hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông vẫn nhớ và vẫn xem Về nông thôn sản xuất như là một cột mốc trong cuộc đời sáng tác, một thành công cả về mặt kỹ thuật vẽ lụa và nghệ thuật thể hiện. Nhưng từ năm 1959 đến 2009, ông không có dịp để xem lại tranh gốc, vì nó nằm trong bảo tàng, sách báo cũng ít nhắc đến, nên không thấy cả hình chụp.
Mãi tới cuối năm 2008, khi đứa cháu nhỏ đem cuốn Mỹ thuật 4 đến cho, thì ông mới nhìn thấy lại hình ảnh của “đứa con” này, sau gần 50 năm xa cách. Lúc đó, ông đã nghĩ NXB Giáo dục có lượng phát hành khổng lồ, tái bản hàng năm, lại được nhà nước trợ giá... thì chắc chắn siêu lợi nhuận rồi, mình phải đến đòi bản quyền và nhuận bút. Đó là chưa kể phần thông tin và viết giới thiệu, ông nói vừa sai lạc, vừa nặng tính tuyên truyền, khó mà gọi là “thường thức mỹ thuật” cho được.
 
Nhưng rồi ông nghĩ thương đứa cháu nhỏ và nhiều độc giả trẻ tuổi khác, nếu kiện tụng rình rang thì sẽ làm mất đi hình ảnh “thanh sạch” của SGK, nên ông chưa lên tiếng.
 
 
Về nông thôn sản xuất, 2009
 
Để kỷ niệm ngày gặp lại “đứa con thơ”, ông đã dựa vào hình ảnh trên SGK, vì không còn hình chụp tranh gốc, và ký ức của mình để chuyển thể sang tác phẩm sơn mài, với khổ lớn hơn, 80x91cm. Hình Về nông  thôn sản xuất trong bài viết này được chụp từ tranh sơn mài (vẽ năm 2009), nhưng vẫn giữ được chất mượt mà, trong trẻo và tinh thần của bức tranh lụa ngày xưa. Ông Cầu nói rằng được “ngồi” chung SGK với những tên tuổi như Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung... là một niềm vui tuổi già, khi suốt đời theo nghệ thuật, nhưng “cách làm” SGK ở mình thì phải cần chỉnh đốn lại nhiều thứ.
 
Trong giới mỹ thuật hiện nay, nói về kỹ thuật vẽ lụa và sơn dầu, họa sĩ Ngô Minh Cầu có am hiểu đặc biệt. Từ 1956, ông đã là giảng viên của vài trường cao đẳng và đại học về mỹ thuật, là thầy dạy hình họa của nhiều thế hệ họa sĩ thành danh.
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm