Sinh thực khí trong lời ăn tiếng nói: Từ văn hóa đến tục tĩu

06/09/2015 18:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo các nhà nghiên cứu, có một từ tục tĩu đã xuất hiện áp đảo 114 lần trong 158 câu thành ngữ, tục ngữ cổ và không kém phần phổ biến trong đời sống hiện nay, thậm chí là từ cửa miệng của vô số người. Từ chỗ là văn hóa, từ này đã hóa thành tục tĩu như một tất yếu trong quá trình phát triển ngôn ngữ.

Con số thống kê được cung cấp trong tọa đàm “Tìm hiểu sự hoạt động của các yếu tố chỉ sinh thực khí trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao và dân ca của người Việt” của nhà nghiên cứu Đỗ Anh Vũ (được gọi là “nhà tục học”) diễn ra tại Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy ở Hà Nội chiều 5/9.

Giới thiệu chủ đề đặc biệt này, nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương nói: “Tại sao ít có nghiên cứu xã hội về sinh thực khí, trong khi bác sĩ phụ khoa vẫn hoạt động ầm ầm. Vì sao phân biệt đối xử giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong vấn đề này?”.

Một từ “thống trị” cả cổ lẫn kim

Theo nghiên cứu của Đỗ Anh Vũ, sinh thực khí (sinh là đẻ, thực là nảy nở, khí là công cụ, nghĩa là “công cụ sinh đẻ”) xuất hiện khá phổ biến trong văn hóa dân gian. Thống kê trong nhiều tuyển tập thành ngữ tục ngữ và ca dao của người Việt tạm lọc ra 158 câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao và câu đố có từ chỉ sinh thực khí.

Có cả những từ rất cổ và rất mới: âm hộ, đồ, nõ nường, ghe… Hầu hết các từ thuần Việt, chỉ có “âm hộ” là từ Hán Việt, lại rất ít khi dùng.


Lễ hội “Linh tinh tình phộc” là biểu hiện tiêu biểu của yếu tố sinh thực khí trong đời sống văn hóa dân gian.

Trong đó, có từ “vô địch” với 114 lần xuất hiện trong 158 câu ca dao, tục ngữ. Hầu hết được dùng theo nghĩa tích cực và hướng ngoại, thậm chí ca ngợi và biến thành biểu tượng và được… phong thần, chỉ một phần nhỏ có ý phê phán. Không ngạc nhiên khi đến ngày này từ đó vẫn là từ chỉ sinh thực khí phổ biến nhất trong đời sống.

Bên phía nam, đàn ông sinh thực khí xuất hiện nhiều nhất là 25 lần. Hầu hết trường hợp dùng sinh thực khí đàn ông đều có ý tiêu cực, chê bai, giễu nhại, phê phán… Hiếm hoi có mỗi một câu có ý tích cực: “To đầu mà dại, nhỏ … mà khôn”.

Sự đổi ngôi trong lịch sử từ nữ quyền sang nam quyền đã khiến từ chỉ sinh thực khí nữ từ được tôn kín bị xếp xuống hạng thấp hơn, thể hiện quan niệm trọng nam khinh nữ, được dùng phổ biến trong các câu chửi, nói tục, thể hiện sự khó chịu, bất bình, ví von tiêu cực đến tận ngày nay.

Không “oan” khi bị coi là tục

Nhưng điều đáng lưu ý là “cha ông ta không hề cho rằng mình đang nói những lời lẽ thô tục, kém lịch sử mà chỉ để giải trí, sáng khoải trong tư duy”, theo nhà nghiên cứu Đỗ Anh Vũ.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đặt câu hỏi về tính 2 mặt, vừa tục vừa thiêng của các danh từ này, nhất là quá trình các từ thuần Việt bị biến thành từ tục tĩu trong lời ăn tiếng nói hàng ngày như hiện nay.

Về vấn đề này, TS Trần Đại Nghĩa (Viện Ngôn ngữ học) nói quyết liệt: “Từ khi du nhập tiếng Hán và coi trọng nhà Nho, người Việt bắt đầu có câu “Nôm na là cha mách qué”. Những từ nôm thành ra bị coi là tục. Trước đó không hề có tư tưởng như vậy. Bị nói, tự dưng người ta cũng mặc cảm hèn kém thật. Đó là một cái tội khi văn minh hóa rồi quay lại nhìn nhận dân tộc mình là hèn kém”.

Thời xưa là vậy, còn ngày nay? Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, nhà nghiên cứu Đỗ Anh Vũ cho rằng sự xuất hiện của sinh thực khí từ chỗ là biểu hiện văn hóa cho đến nay bi coi là “nói tục, chửi bậy” là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, không thể nói là đáng buồn hay bất công. Bởi vậy, thành phố Hà Nội cũng có lý khi đề xuất “tuyên chiến” với nói tục, chửi bậy trong đời sống.

“Người ta khó cấm nói tục, chửi bậy trong toàn bộ không gian địa lý của Hà Nội, nhưng vẫn nên cấm ở những không gian công cộng, trong các phát ngôn trang trọng, chính thức… Còn lại, trong đời sống, khó thể cấm người ta nói ở chỗ riêng tư hay những hoàn cảnh riêng biệt..."  

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm