Sách ký họa khu cách ly Covid-19: thấm thía một lẽ sống

11/05/2020 21:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách song ngữ Việt - Anh Con đã về nhà kết tập ký họa và lời bình của Tăng Quang vẽ lại 14 ngày cách ly Covid-19 ở Trường Quân sự Quân khu 7 (TP.HCM) sắp phát hành. Đây là kết quả trải nghiệm của chính kiến trúc sư trẻ Nguyễn Tăng Quang khi du học từ Anh về. Ban đầu, một phần bộ ký họa này được in lên Facebook cá nhân, nhận về hơn 40.000 lượt thích và chia sẻ, gây tiếng vang lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới.

Ra mắt cuốn sách 'Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19'

Ra mắt cuốn sách 'Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19'

Cuốn sách "Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID- 19" do Nhà xuất bản Lao động xã hội biên soạn và in ấn sẽ được phát hành vào ngày 30/4/2020, đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020). Đây là thông tin do ông Phùng Huy Cường, quyền Tổng Giám đốc, quyền Tổng Biên tập Nhà xuất bản Lao động xã hội cho biết tại cuộc gặp mặt báo chí giới thiệu cuốn sách diễn ra sáng 29/4, tại Hà Nội.

Cuốn sách không chỉ ghi lại một góc hiện thực sinh động và không thể nào quên của cả thế giới, mà NXB Phụ nữ Việt Nam còn muốn biến thành lời tri ân tới các y bác sĩ và chiến sĩ nơi tuyến đầu, trong khu cách ly... Đồng thời sẽ phối hợp cùng Quỹ Tình thương (TYM) bán sách gây quỹ ủng hộ những phụ nữ yếu thế vì bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Từ một cách giải khuây

Trên Facebook của mình, Tăng Quang viết: “Đầu tiên em xin cảm ơn sự quan tâm và tình cảm của mọi người cho bộ tranh ký họa em vẽ ở Trường Quân sự Quân khu 7. Thật ra em không có ý định vẽ tiếp phần này của câu chuyện, vì khi em chia sẻ phần đầu lên mạng xã hội, chỉ còn khoảng gần 4 ngày nữa là em sẽ hoàn thành thời gian cách ly. Nhưng bộ tranh đã tạo được những niềm vui nho nhỏ cho mọi người ở trung tâm, các anh chị y bác sĩ cũng ngỏ lời với em vẽ tặng thêm một vài bức nữa”.

Do vẽ với tâm thế giải khuây, in Facebook, nên ban đầu Tăng Quang khá tự do và thoải mái khi tiếp cận đề tài. Đó là những khoảnh khắc giải trí, hài hước ở trung tâm; là tâm trạng háo hức của những người cách ly khi chuẩn bị về nhà. “Nó đều là những khung cảnh và cảm xúc rất thực. Tôi có đan cài yếu tố giải trí, hài hước vào tập tranh, vì nó là một phần tính cách của bản thân, nhưng các chi tiết trong tranh đều được xây dựng theo sự thật, dù có một vài chỗ tô vẽ hơi quá một chút, nhưng cũng để vui là chính. Toàn bộ tranh vẽ trước đây, tôi đã tặng lại cho trường và các nhân vật trong tranh” - Tăng Quang cho biết.

Chú thích ảnh
Kiến trúc sư Tăng Quang

Sau khi nhận lời làm sách với NXB Phụ nữ Việt Nam, Tăng Quang đã phải vẽ ngày vẽ đêm, phải thay đổi cách quan sát, chắt lọc nội dung, chọn góc vẽ, liên kết lại mạch chuyện… Một vài tranh phải vẽ theo trí nhớ hoặc tưởng tượng, vì hiện thực đã trôi qua, nên không còn đậm nét ký họa các bức đã in trên Facebook. Nhưng khi liên kết 2 giai đoạn và 2 tâm lý sáng tạo này lại, Con đã về nhà mới có đủ độ lùi để tái hiện sự việc.

Chú thích ảnh
Cuốn sách "Con đã về nhà"

Tăng Quang nói: “Vậy là lần về Việt Nam này, ngoài cục nợ to tổ chảng từ tiền vé máy bay, tiền thuê nhà bên Anh, tôi may mắn có được một món quà tinh thần. Cuốn sách là nỗ lực ngày đêm của rất nhiều cá nhân, từ các anh chị biên tập đến trình bày, đến cộng đồng các bạn du học sinh đã cùng nhau xây dựng nội dung, dịch cuốn sách song ngữ, các họa sĩ hỗ trợ minh họa”.

Chú thích ảnh
Một ký họa trong sách

Một cách sống đáng trân quý

Đọc bản thảo cuốn sách, TS Bùi Trân Phượng viết: “Xúc động trước hết vì nét tài hoa và sự chân thật của bộ tranh, cũng như tính cách rất thú vị của tác giả bộc lộ qua tranh và lời bình. Cảm phục vì tôi thấy rõ một tài năng và một nhân cách đẹp, dí dỏm, hài hước, mà nhạy cảm, sâu sắc, trách nhiệm. Chia sẻ lại những bức ký họa của Quang trên Facebook, sau lời cám ơn tác giả, tôi chân thành cám ơn trường đại học đã giúp Quang trau dồi chuyên môn và gia đình đã gieo mầm nhân cách”.

Chú thích ảnh

TS Bùi Trân Phượng cũng vừa trải qua 14 ngày cách ly Covid-19 trong một trại của quân đội, nên bà nói rằng những trải nghiệm và cách thể hiện của Tăng Quang là hoàn toàn xác thực, gần gũi. Bà nói: “Đã lâu lắm rồi, dễ gần nửa thế kỷ, tôi mới lại được thấy thái độ phục vụ như vậy từ “người nhà nước”. Và như một lẽ tự nhiên, quân với dân trở thành như cá với nước, người mới quen bỗng cảm nhận nồng nàn tình ruột thịt đồng bào. Ước gì cuộc sống “bình thường mới” sẽ giữ được sự đồng lòng ấy như một lẽ sống, như người Việt từng trải nghiệm mỗi lần đất nước đứng trước họa sống còn”.

Chú thích ảnh

Thuộc thế hệ 9X, Tăng Quang hiện đang theo học thạc sĩ quản lý thiết kế tại Đại học Nghệ thuật London (Anh quốc). Quang từng tham gia thiết kế nhiều dự án văn hóa, giáo dục, nghỉ dưỡng ở Việt Nam, Singapore, Trung Quốc, Australia, New Zealand… Tăng Quang còn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn nghệ thuật cộng đồng, phát triển kỹ năng sáng tạo, tổ chức các sự kiện nghệ thuật...

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm