Phim giành giải Gấu vàng: 'Nhân chứng của bi kịch thế giới'

22/02/2016 20:46 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LHP Quốc tế Berlin lần thứ 66 năm 2016 đã khép lại vào đêm 20/2. Giải Gấu Vàng Phim hay nhất được trao cho bộ phim tài liệu mang đề tài về người tị nạn, Fire At Sea, của nhà làm phim Italy Gianfranco Rosi.

Hoàn cảnh của người nhập cư và người tị nạn là một trong những chủ đề chính tại LHP Quốc tế Berlin năm nay. Bên cạnh đó, các nhà tổ chức LHP còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người tị nạn ở Berlin, chiếu phim miễn phí cho người đang xin tị nạn và quyên góp được 25.000 euro (27.800 USD) cho người tị nạn ở Đức.

Phim tài liệu đầu tiên đoạt giải Gấu Vàng

Fire At Sea (Fuocoammare) là bộ phim tài liệu về tình trạng khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, mô tả những hành trình đầy gian khổ của người nhập cư châu Phi và Trung Đông khi họ liều mạng sống của mình để tới hòn đảo Lampedusa, với hy vọng tới được châu Âu.


Nhà làm phim Italy Gianfranco Rosi với giải Gấu Vàng Phim hay nhất

Là hòn đảo nằm giữa Tunisia và Sicily, Lampedusa thường là cảng châu Âu đầu tiên mà hàng ngàn người xin tị nạn từ châu Phi và Trung Đông đặt chân tới.

Với kết quả giải thưởng này, rõ ràng ban giám khảo LHP Berlin (Chủ tịch là nữ minh tinh Hollywood Meryl Streep) năm nay đã gửi đi một tín hiệu chính trị rõ ràng. Đây là lần đầu tiên một bộ phim tài liệu nhựa được trao giải Gấu Vàng.

“Suy nghĩ sâu sắc nhất của tôi hướng về những người trong hành trình tìm kiếm hy vọng song họ đã không thực hiện được. Tôi hy vọng bộ phim này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về khủng hoảng tị nạn ở châu Âu” – Rosi nói khi lên nhận giải.

Ông cho biết, sẽ dành tặng giải thưởng này cho người dân Lampedusa, họ đã thể hiện tấm lòng nhân văn lớn với những người tị nạn đến hòn đảo của mình.

Để có được những hình ảnh “đắt giá” trong bộ phim tài liệu Fire At Sea, nhà làm phim Rosi đã dành nhiều tháng sống trên hòn đảo Lampedusa, nắm bắt cuộc sống thường nhật trên hòn đảo với hàng trăm người nhập cư mỗi tuần. Phim khảo sát hoàn cảnh của người nhập cư qua con mắt của các cư dân trên đảo.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở LHP Berlin, Rosi nói rằng bộ phim của ông có thể mang tính chính trị, song đây không phải là một tuyên bố chính trị, mà đây là “nhân chứng của một bi kịch đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với bi kịch này. Có lẽ sau nạn tàn sát người Do Thái của phát xít Đức, đây là một trong những bi kịch lớn nhất thế giới”.  

Rosi cho biết, ý tưởng ban đầu của ông là làm một bộ phim ngắn về khủng hoảng người nhập cư trên đảo Lampedusa, nhưng sau khi tới hòn đảo này, ông nhận thấy làm phim ngắn không thể truyền đạt được hết thực tế phức tạp như vậy.


Cảnh trong “Fuocoammare”, phim đoạt giải Gấu Vàng

Phần độc thoại đầy xúc cảm của bác sĩ duy nhất trên đảo

Ngoài những người dân nhập cư không tên, trong phim tài liệu này còn có 2 nhân vật chính, gồm: Pietro Bartolo, bác sĩ duy nhất trên đảo Lampedusa chăm sóc sức khỏe cho 4.000 cư dân, đồng thời phải khám nghiệm tử thi cho những di dân đã chết khi tới đảo; và Samuele Puccilo, cậu bé 12 tuổi con trai của một người đánh cá.

Phim có một loạt cảnh rất đời thường: các nhân viên cứu trợ giúp những người di cư ra khỏi thuyền để chăm sóc y tế; bác sĩ Bartolo siêu âm bụng một người phụ nữ châu Phi mang thai đôi hay cậu bé Puccilo đang tỉ mẩn làm súng cao su để bắn chim…

Song trọng tâm trong phim là phần độc thoại của bác sĩ Bartolo, đoạn phim được quay 3 tuần trước khi đến với LHP Berlin. Trong đoạn hồi tưởng đầy cảm xúc và khủng khiếp ấy, Bartolo kể lại trải nghiệm riêng của mình khi là một cư dân trên đảo Lampedusa trong suốt 25 năm qua:

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều chuyện kể từ khi những con thuyền đầu tiên cập bến tới hòn đảo này từ năm 1991. Tôi đã thấy có những thứ thật tuyệt, song  phần lớn là những chuyện thực sự đáng sợ, rất nhiều trẻ em đã chết, nhiều phụ nữ bị cưỡng bức. Đây là những cơn ác mộng luôn ám ảnh tôi.

Hầu hết các kênh truyền hình khắp thế giới đã phỏng vấn tôi. Tôi thấy khó khăn khi nói với các nhà báo tới đảo về những gì mình đã chứng kiến. Mỗi lần phải kể về những chuyện này, tôi cảm thấy thật đáng sợ.

Thực tế, tôi không muốn nói về những chuyện đó, song tôi nghĩ rằng các bài báo viết về những câu chuyện mà tôi kể sẽ góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và của những người có thể làm được nhiều việc hơn chúng ta.

Nhiều nước ở châu Âu đang xây các bức tường và đưa người nhập cư vào các trại, xung quanh có rào chắn. Bạn không thể đối xử như vậy, kể cả với động vật. Tôi nghĩ một bức tường hay hàng rào thép gai cũng không thể ngăn được người nhập cư thực hiện hành trình tìm kiếm hy vọng của họ.

Nếu muốn ngăn họ, chúng ta phải hành xử theo cách khác hẳn. Chúng ta cần phải tạo nên những hoàn cảnh tích cực ở đất nước họ. Không có bất cứ ai trên thế giới này muốn rời quê hương mình trừ khi họ buộc phải làm vậy”.

Danh sách các giải thưởng:

- Giải Gấu Vàng Phim hay nhất: Fuocoammare (Gianfranco Rosi; Italy/Pháp)

- Giải Gấu Bạc Phần thưởng lớn của Ban giám khảo: Death In Sarajevo (Danis Tanovic; Bosnia/Pháp)

- Giải Gấu Bạc Alfred Bauer: A Lullaby To The Srrowful Mystery (Lav Diaz; Philippines/Singapore)

- Giài Gấu Bạc Đạo diễn xuất sắc nhất: Mia Hansen-Love (Things To Come; Pháp/Đức)

- Giải Gấu Bạc Nữ diễn viên xuất sắc nhất: Trine Dyrholm (phim The Commune; Đan Mạch/Thụy Điển/Hà Lan)

- Giải Gấu Bạc Nam diễn viên xuất sắc nhất: Majd Mastoura (phim Inhebbek Hedi; Tunisia/Bỉ/Pháp)

- Giải Gấu Bạc Kịch bản hay nhất: United States Of Love (Tomasz Wasilewski; Ba Lan/Thụy Điển)

- Giải Gấu Bạc Quay phim đẹp nhất: Mark Lee Ping Bing, (Crosscurrent; Trung Quốc)

- Phim truyện nhựa đầu tay hay nhất: Inhebbek Hedi (Mohamed Ben Attia, Tunisia/Bỉ/Pháp)

- Giải Gấu Vàng Phim ngắn hay nhất: Batrachian's Ballad (Leonor Teles; Bồ Đào Nha)

- Giải Teddy Phim mang đề tài đồng tính hay nhất: Tomcat (Handl Klaus; Áo)

- Giải Teddy Phim tài liệu đầu tay hay nhất mang đề tài đồng tính: Kiki (Sara Jordeno; Thụy Điển/Mỹ)

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm