Phiên bản 'Cô gái mở đường' của Han Sara: Không được phép quá trớn!

16/11/2021 06:53 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Người làm rúng động nhạc Việt đại chúng những ngày này chắc chắn là cô gái Hàn Quốc Han Sara.

Gây 'thảm họa' khi làm mới 'Cô gái mở đường', Han Sara và ê-kíp 'The Heroes' lên tiếng xin lỗi

Gây 'thảm họa' khi làm mới 'Cô gái mở đường', Han Sara và ê-kíp 'The Heroes' lên tiếng xin lỗi

Khán giả tranh luận và cho rằng Han Sara đã "phá nát" nhạc phẩm bất hủ Cô gái mở đường. Nữ ca sĩ và ê-kíp sản xuất đã lên tiếng xin lỗi.

Thuộc thế hệ Gen Z, xuất hiện trong chương trình The Heroes - Thần tượng đối thần tượng của VTV3 với phiên bản Cô gái mở đường, cô lập tức nhận được phản ứng dữ dội từ dư luận cũng như báo chí, truyền thông.

Bây giờ, Cô gái mở đường phiên bản Han Sara đã không còn tìm được trên kênh YouTube chính thức của chương trình cũng như các trang nhạc mạng chính thức. Đó là một động thái tiếp thu ý kiến công chúng của Han Sara cũng như của chính những người thực hiện chương trình. 

Cô gái mở đường phiên bản Han Sara có gì vậy? Bài viết này tôi muốn “bóc” từng phần trước khi nói đến tổng thể của Cô gái mở đường phiên bản Han Sara.

Cô gái mở đường, San Hara, Ca sĩ San Hara là ai, The Heroes, Ca sĩ San Hara, The Heroes Thần tượng đối thần tượng, VTV3, Gen Z, Gen Z là gì, thế hệ Gen Z
Han Sara

Nếu không nghe ca từ, chỉ tập trung vào âm nhạc…

Nếu làm vậy, phải thú thực đây sẽ là một bản nhạc khá hay và có sức quyến rũ giới trẻ. Đây không phải một ca khúc thông thường mà là một bài rap với bố cục cũng khá logic: melody - rap 1 - melody - rap 2 - kết tái hiện rap 1.

Đây không phải một bản rap thiên về suy tư, giàu chất tự sự với giai điệu cũng như lời rap gần gũi kiểu như những bài rap của Đen Vâu; cũng không giống nhiều bài rap khá phổ biến khác trong đời sống nhạc Việt hiện nay. Nó được triển khai với thể loại trap với đặc tính nổi trội ở hihat (một loại nhạc cụ gõ) cùng nhịp kick (một âm hưởng trống rất nặng khai thác từ âm thanh điện tử) và snare tạo nên nhịp điệu lôi cuốn, hối thúc người nghe không thể ngồi yên khi âm nhạc vang lên. 

Nói một cách nôm na cho dễ hiểu hơn, bài này thuộc loại rap “nặng” và người làm hòa âm có sự tìm tòi, có hiểu nhạc này cũng như “gu” nghe thời thượng của giới trẻ ở Việt hiện nay. 

Nếu rời khỏi bản gốc và đổi ca từ…

Vẫn giữ giả thiết bóc tách ra khỏi bản gốc Cô gái mở đường (của nhạc sĩ Xuân Giao) và chỉ nhìn vào ý tưởng, tôi tin rằng người sáng tác ra bài này xuất phát từ một mong muốn tốt đẹp là đề cao người phụ nữ Việt. Đây là một ý tưởng ổn. Nhưng theo tôi, nó chỉ thực sự trở thành một bài rap hay khi cắt bỏ đi phần lớn phần lời rap và thay thế bằng những lời khác.  

Toàn bộ phần lời của bài này chỉ nên giữ lại đoạn rap 1 khá hay “Nữ nhân hào khí ngút trời/Mẫu Âu Cơ vạn tuế/ Hai Bà Trưng xưng vương một thời/ Hồ Xuân Hương lưu danh hậu thế”. Và nếu giữ thì tiếp tục phát triển theo mạch nội dung này. Ngoài ra, nếu tách riêng ra khỏi bài hát thì câu rap: “Thế giới không có phụ nữ khác gì bầu trời thiếu vắng mặt trăng/ Y như rừng sâu không còn muông thú, như là biển cả vắng bóng hải đăng” cũng khá ổn cả về câu từ và hình tượng.

Vẫn giữ bản gốc “Cô gái mở đường”

Nếu như vậy, thì đây là một sự xâm phạm tác phẩm. Bởi lẽ bản gốc Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao được sử dụng không toàn vẹn mà theo kiểu một câu, một đoạn được cắt ra và sử dụng.

Cụ thể, mở đầu bài hát của Han Sara chỉ sử dụng câu mở đầu phần điệp khúc bài gốc của nhạc sĩ Xuân Giao là: “Em đi lên rừng cây xanh mở lối/ Em đi lên núi núi ngả cúi đầu”, sau đó là vào ngay đoạn rap 1. Tiếp theo lại xuất hiện đoạn melody bài gốc của nhạc sĩ Xuân Giao đã được biến tấu: “Ơi những cô con gái đang ngày đêm đêm đêm/ Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường” và liên tiếp: “Em đi lên rừng cây xanh mở lối ê ì ê í ê ì ê/ Em đi lên núi núi ngả cúi đầu ê ì ê í ề i ề”  (nhắc lại 2 lần câu này). Sau đoạn này vào rap 2.

Trong phần giới thiệu hiện lên trên màn hình vẫn ghi rõ: Tên bài hát Cô gái mở đường và tác giả là Xuân Giao. Ghi như vậy không đúng, vì nhạc sĩ Xuân Giao không viết phần lớn ca từ cũng như giai điệu trong tiết mục Han Sara biểu diễn. Cô gái mở đường của ông là một ca khúc thông thường chứ không phải một bài rap. Vì thế, có thể coi đây là một trường hợp xâm phạm bản quyền tác giả, tự ý thay đổi tác phẩm khi không được sự cho phép của tác giả. 

Cô gái mở đường, San Hara, Ca sĩ San Hara là ai, The Heroes, Ca sĩ San Hara, The Heroes Thần tượng đối thần tượng, VTV3, Gen Z, Gen Z là gì, thế hệ Gen Z

Vẫn giữ y nguyên phiên bản đã trình diễn

Trường hợp này thì thực sự không ổn một chút nào, nhóm thực hiện phiên bản Cô gái mở đường của Han Sara phạm quá nhiều lỗi. Không nhắc tới việc xâm phạm tác quyền, việc đưa vào Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao với những nội dung ca từ còn là một sự khập khiễng.

Cô gái ở trong Cô gái mở đường không phải một người con gái cụ thể mà đó là một nhớm người, đại diện một thế hệ. Trong khi những người phụ nữ được nhắc tới trong đoạn rap 1 là những con người cụ thể, những bậc thánh nhân, những người phụ nữ gánh vác sứ mệnh làm thay đổi vận mệnh dân tộc hoặc chí ít thay đổi một quan niệm sống ở một giai đoạn trong lịch sử dân tộc. 

Lỗi lớn là ê-kíp đã dám đưa những bậc thánh nhân, những biểu tượng và những vị anh hùng của dân tộc như Mẫu Âu Cơ, Hai Bà Trưng hay nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng những cô gái anh hùng từng là thanh niên xung phong đi mở đường trong cuộc chiến đấu trường kỳ vì sự thống nhất đất nước ở một thời đại anh hùng để đặt cạnh những nội dung chỉ ở mức “buôn dưa lê” mà ê-kíp muốn nói: “Đàn ông dù có là ai thì cũng được sinh ra từ một người phụ nữ/ Chị em chúng tôi là một cuốn từ điển còn các anh thì luôn phải tìm từng chữ”. Đây là một sự xúc phạm các vị thánh nhân, những bậc tiền nhân. 

Lỗi lớn nhất là lộng ngôn. Sau khi mượn hình ảnh những cô gái mở đường, những bậc thánh nhân, những người phụ nữ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử dân tộc thì ở đoạn rap 2 rất hồn nhiên xuất hiện những cái tên: “...cho Trang cho Nhung cho Huyền cho Trân cho chị Orange...” rồi có cả thí sinh Mỹ Anh - cô con gái của ca sĩ Mỹ Linh - cũng được nhắc tới trong phần lời này.

Tuy không nhìn rõ vì phần rap nàyđược hát và được chạy chữ trên màn hình đều rất nhanh và giờ đây file chuẩn từ nhà sản xuất và ca sĩ thể hiện đã không còn tồn tại nhưng tôi tin rằng những cái tên được nhắc đến ở đoạn rap 2 này rất có thể là những cô gái cùng góp mặt trong chương trình The Heroes - Thần tượng đối thần tượng với Han Sara. Và như thế đương nhiên sẽ hướng người nghe hiểu là xưa kia phụ nữ Việt có các bậc thánh nhân, những cô gái thanh niên xung phong còn ngày nay thì có... Thực lòng tôi không dám nói tiếp, chỉ thành kính xin các bậc thánh nhân xá tội. 

Ngoài ra, vẫn còn lỗi được cộng hưởng bởi phục trang và cách thể hiện của ca sĩ cùng vũ đoàn khi trình diễn ca khúc này có thể coi là phản cảm.

Bài học lớn

Bấy lâu nay chúng ta vẫn quen với cụm từ “thuần phong mỹ tục” nhưng không ai chỉ rõ nó cụ thể là những gì. Nhiều khi phê phán một điều gì đó người phê phán sẽ sử dụng cụm từ “không phù hợp thuần phong mỹ tục”. Nhưng Cô gái mở đường phiên bản Han Sara chính là trường hợp cụ thể về việc không phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt. 

Để xảy ra trường hợp này không thể đổ hết lên mình cô ca sĩ trẻ Han Sara, nhất là khi nữ ca sĩ thuộc thế hệ Gen Z này lại là người nước ngoài, nhiều nhiệt huyết, rất nhiệt tình, có khả năng và muốn cống hiến cho đời sống âm nhạc đại chúng Việt Nam.

Đáng trách nhất ở đây là những nhà sản xuất âm nhạc trực tiếp phụ trách team Han Sara, giám đốc âm nhạc, những người phụ trách chương trình để xảy ra trường hợp này thay vì kịp thời phát hiện, ngăn chặn. 

Cũng thông qua đây, câu chuyện này như một hồi chuông giúp những người sáng tạo âm nhạc, nhất là âm nhạc của thế hệ Gen Z đang có rất nhiều sự phá cách, biết được đâu là điều có thể thoải mái sáng tạo, đâu là điểm dừng. Và đặc biệt, câu chuyện này cũng cho những người đang hoạt động sáng tạo nghệ thuật biết được những điều thuộc về giá trị biểu tượng của dân tộc, về tính thiêng của dân tộc, những giá trị có vị trí đặc biệt thiêng liêng trong tâm thức của người Việt hoàn toàn có thể sáng tạo. Nhưng là sáng tạo một cách nghiêm túc, cẩn trọng và phù hợp, chứ không thể khai thác một cách tùy tiện, bừa bãi. 

Người viết cho rằng toàn bộ ê- kíp không ai có ý xấu mà ngược lại, nó xuất phát từ ý tưởng tốt đẹp, thậm chí ngay từ khi quyết định triển khai, rất có thể họ còn kỳ vọng tiết mục sẽ bùng nổ. Cho nên, đây có thể coi là một tai nạn nghề nghiệp. Nhưng nó sẽ và phải là một tai nạn nghề nghiệp mà đối với toàn bộ ê- kíp, nhà sản xuất, công ty thực hiện và cả nhà đài cần khắc cốt ghi tâm đến suốt cuộc đời. 

Các cụ ta vẫn có câu “yêu cho roi cho vọt”, việc khán giả cũng như dư luận phản ứng dữ dội đối với Cô gái mở đường phiên bản của Han Sara là điều bình thường. Việc Han Sara và ê- kíp tiếp thu ý kiến góp ý là điều đáng ghi nhận. Những phê phán về tác phẩm trong những ngày qua không có nghĩa là khép lại cánh cửa hoạt động nghệ thuật.

Ngược lại, nó như một sự góp ý thẳng thắn để ê- kíp kịp thời nhìn nhận những thiếu sót và tránh lặp lại, đồng thời tiếp tục hoàn thiện bản thân hơn trên con đường hoạt động nghệ thuật, âm nhạc còn dài ở phía trước. 

Mong rằng sẽ không gặp những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai. 

Gây 'thảm họa' khi làm mới 'Cô gái mở đường', Han Sara và ê-kíp 'The Heroes' lên tiếng xin lỗi

Khán giả tranh luận và cho rằng Han Sara đã "phá nát" nhạc phẩm bất hủ Cô gái mở đường. Nữ ca sĩ và ê-kíp sản xuất đã lên tiếng xin lỗi.

Xem thêm TẠI ĐÂY

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm