Phẫn nộ vì thành phố di sản ở Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy

18/07/2016 07:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ họp lần thứ 40 của Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 10-20/7. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động đang lên án khi tổ chức này không hề lên tiếng gì về mức độ hư hại của các di chỉ cổ ở thành phố Diyarbakir khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Cách đây 1 năm, giới chức ở thành phố Diyarbakir hết sức vui mừng khi các di chỉ cổ ở thành phố này đã được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO và họ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để ứng phó với lượng du khách gia tăng. Tuy nhiên, cho đến nay những hy vọng ấy dường như chỉ là chuyện đùa.

“Điên cuồng” tái tạo đô thị

Diyarbakir hiện hạn chế các nhà báo, luật sư và nhà hoạt động quốc tế khi họ muốn tới đây để tác nghiệp ở thành phố vốn được coi là trung tâm của cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ này.

Trong bài phát biểu chào mừng trong ngày khai mạc kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, ông Numan Kurtulmus, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của UNESCO là bảo vệ các giá trị chung và giờ vai trò này thậm chí còn quan trọng hơn, khi chúng ta đang sống trong thời điểm vô cùng khó khăn. Cách phản ứng hữu hiệu nhất trước các vụ tấn công khủng bố không chỉ là các biện pháp chính trị, mà còn là văn hóa và nghệ thuật".

Vậy mà ở Diyarbakir, chính trị đang đe dọa di sản văn hóa cổ của thành phố này.


Nhiều công trình cổ, lịch sử ở Diyarbakir giờ đã thành đống đổ nát

"Diyarbakir đã được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO, song trong vòng 1 năm đã bị phá hủy hoàn toàn và không có cơ hội được tái xây dựng" - Nevin Soyukaya, phụ trách di sản của Diyarbakir, nói và ước tính, hơn 800 tòa nhà ở Sur, khu trung tâm cổ của Diyarbaki, đã bị san bằng và đống đổ nát đã bị đổ xuống sông Tigris gần đó.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đổ trách nhiệm này cho phe li khai và tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không chỉ làm sạch các thành phố của những kẻ khủng bố, mà còn thông qua sự tái tạo đô thị, sẽ loại trừ mọi điều kiện cho phép chúng hoạt động".

Thế nhưng, lời cam kết tái tạo đô thị của ông Erdogan đã khiến các nhà bảo tồn lạnh sống lưng. Họ lo ngại khu vực cổ của thành phố này sẽ là nạn nhân cuối cùng trong dự án mang cái gọi là "sự tăng trưởng kỳ diệu". Giới phê bình nhận thấy, các công trình xây dựng điên cuồng ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ đang làm giàu cho giới doanh nhân lĩnh vực bất động sản và đe dọa các di chỉ di sản.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ước tính, chi phí cho các công trình tái xây dựng và thay thế 6.000 tòa nhà đã bị hư hại là khoảng 1 tỷ lira (345 triệu USD).

“Các tòa nhà bị hư hại trong quá trình hoạt động sẽ được tu bổ trong các dự án phục hồi. Một trong những di sản quan trọng nhất là Sur. Các tòa nhà lịch sử sẽ được tu bổ theo cách phù hợp với kết cấu lịch sử” - một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Song nhiều nhà bảo tồn không yên tâm với những lời cam kết của Chính phủ.

UNESCO “làm thinh” trước sự phá hủy ở Diyarbakir

Mức độ hư hại và tình trạng phá hủy ở Diyarbakir cùng nhiều khu vực khác ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt UNESCO vào một tình thế khó khăn.

Trong bối cảnh phong trào thánh chiến của IS đang lan rộng khắp Trung Đông và nhiều nơi ở châu Phi, UNESCO đang vật lộn với nhiều vấn đề ở các di chỉ di sản bị phá hủy thuộc các khu vực đang xảy ra xung đột, từ Syria tới Mali.

UNESCO ra tuyên bố phá hủy các công trình văn hóa là tội ác chiến tranh. Với động thái mang tính bước ngoặt ấy, hồi đầu năm Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã mở phiên tòa các tội ác chiến tranh đầu tiên, xét xử một nhà lãnh đạo IS với cáo buộc phá hủy các đền đài, ngôi mộ và nhà thờ Hồi giáo cổ ở thành phố Timbuktu (Mali). Thế nhưng, UNESCO lại chẳng đoái hoài gì tới di chỉ ở Diyarbakir.

“Khó khăn là sự hỗ trợ và nguồn quỹ của UNESCO đều đến từ các chính phủ. Áp lực chính trị ấy khiến cho các tổ chức như vậy hoạt động không hiệu quả”- nhà văn, nhà thơ kiêm nhà soạn nhạc Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng Omer Zulfu Livaneli nói.

Hồi đầu năm, Livaneli đã từ chức Đại sứ thiện chí của UNESCO và chỉ trích tổ chức này là đạo đức giả khi không đoái hoài gì tới mức độ hư hại tại các di chỉ di sản đã bị phá hủy ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Diyarbakir là trung tâm thương mại cổ nằm trên sông Tigris, từng là nơi có nhiều nền văn minh và khu vực phụ cận, với nhiều hiện vật và chạm khắc đá thời kỳ đồ đá giữa được tìm thấy. Thành phố này từng bị các đội quân Aramea, La Mã, Byzantine và Ottoman chiếm đóng và giờ lại đang xảy ra nhiều vụ giết người, phá hủy tài sản. Kể từ tháng 7/2015, sau khi tiến trình hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đảng Công nhân Kurd (PKK) sụp đổ, Chính phủ đã tăng cường tấn công quân sự vào nhóm ly khai.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm