Phản hồi về cảnh nóng trên VTV3

09/03/2012 18:51 GMT+7 | Văn hoá

Các bậc phụ huynh không thích con chơi các trò chơi trực tuyến và sợ hãi khi trẻ tải phim trên mạng về xem. Bất cứ phim gì có nhãn VTV ở góc là yên trí lớn. Song, mới đây có cảnh phim trên VTV3 đã gây "sốc" nặng cho khán giả vì có cảnh mang rõ màu gợi dục và dường như còn "vẽ đường cho hươu chạy."

Từ phim có mục đích đẹp

Một cảnh trong phim. (Ảnh chụp qua màn hình tivi)

Chủ đề về những người trẻ vật lộn, tự đấu tranh để trưởng thành được phản ánh chân thực trong 36 tập phim “Hoa Nắng” của đạo diễn Đặng Minh Quang. Bộ phim đã bắt đầu lên sóng từ ngày 5/3, vào lúc 21 giờ các ngày thứ Hai, Ba, Tư trên kênh VTV3.

Với thể loại tình cảm, tâm lý xã hội, bộ phim dài 36 tập có sự tham gia của các diễn viên đã có tên tuổi và cả các bạn trẻ nhiều triển vọng. Đó là Nhã Phương, Anh Đào, Lê Bê La, Tấn Phát, Hà Trí Quang, Trịnh Kim Chi, Tuyết Thu, nghệ sỹ Ưu tú Thanh Điền...

Trịnh Kim Chi hóa thân vào vai bà Ngọc, lợi dụng chức quyền trục lợi cá nhân và bà đã trả giá cho việc làm sai trái của mình. Nhã Phương trưởng thành hơn với vai Quỳnh.

Bộ phim xoay quanh ba cô gái trẻ: Quỳnh, Thư, Uyên-cùng lứa tuổi, nhưng họ đã gặp phải những “cơn lốc xoáy” lớn đầu đời. Họ đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào với cuộc sống của đỉnh cao công nghệ thông tin.

Không nghi ngờ rằng những lời giới thiệu phim tốt đẹp là sai. Và hẳn mục đích làm phim hướng về những người trẻ là rất đáng trân trọng, rất đẹp.

Nhưng khán giả mới xem ba tập thì phim đã có sạn khiến người xem bất ngờ và thấy phản cảm đồng thời có phản ứng khá dữ dội với "nhà đài."

... Đến "hạt sạn to" phản tác dụng

Hạt sạn to đùng nằm ngay ở những tập đầu của bộ phim "Hoa nắng." Cảnh phim bắt đầu khi các diễn viên trẻ vào vai ba cặp đôi tuổi vào đời trong một cuộc uống rượu ở nhà hàng. Cặp đến sau gặp hai cặp trước đang ôm ấp, lửng lơ áo xống. Và cặp thứ ba này đã tỏ ra "tay chơi " hơn,  sành điệu và bạo dạn hơn nhiều.

Cô gái trẻ sơ ý làm rớt rượu vang xuống ngực, mà cô ta lại mặc chiếc áo đầm lộ trần nửa ngực. Khi cô tỏ ý gọi xin khăn giấy để thấm thì chàng người yêu có sáng kiến lau bằng cách dùng lưỡi để giúp. Cô bạn nhắm nghiền mắt, rồi sau đó hưởng ứng bằng cách tự đổ tiếp ly rượu vang đỏ vào ngực để bạn trai cúi xuống tiếp tục giúp.

Đã vậy, lại còn "chiêu" cậu bạn lấy điện thoại ghi hình. Ý tưởng bắn lên mạng được nêu ra rất vui vẻ. Người xem đã giật mình trước tập phim. Chưa hết bàng hoàng vì tập chiếu hôm trước thì đến hôm sau cảnh đó lại lặp lại, khán giả xem lại khi cậu chàng kia tung lên mạng...

Cô gái chịu chơi đã điện thoại trách người yêu rồi báo chậm hai tuần... Họ hẹn nhau lần này sẽ xử lý ở chỗ kín đáo hơn....

Chị Hương, một phụ huynh ở Hà Nội có con là sinh viên năm thứ hai nói: "Vẫn biết chuyện đời có không ít những trẻ hư, học sinh sinh viên sa ngã, đổ đốn nhưng việc đưa công khai lên kênh truyền hình cũng thật không hiểu nổi."

Phóng viên Vietnam+, đặt vấn đề đưa những việc ở ngoài đời sống lên phim ảnh để hỏi ông Trần Luân Kim-, nguyên Chủ tịch hội Điện ảnh nói: "Không phải cứ cái gì có ở ngoài đời cũng đưa lên phim, đặc biệt là đưa lên phim truyền hình."

Cô giáo Lan Anh, giáo viên trường trung học phổ thông ở Hà Nội bày tỏ quan điểm: "Đúng là với những trẻ đã hư hỏng thì những cảnh như thế có vẻ 'chưa là gì' nhưng với đa số học sinh khác, nhất là ở các tỉnh lẻ, các vùng khó khăn thì khác nào 'hướng dẫn.' Mà hướng dẫn từ cách sa ngã, gợi ý cả việc tung lên mạng, rồi 'trọn gói" đến cả cách 'giải quyết hậu quả' nữa. Thật không nên một chút nào!"

Một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội, được hỏi thì ngỡ ngàng nói: "Có chuyện thế ạ? Cháu đi học ngoại ngữ buổi tối thứ Ba và tối thứ Tư ngày 6 và 7/3 nên không xem phim trên VTV3. Nếu cả nhà cùng ngồi xem thì thế nào bố mẹ cháu cũng tắt tivi, còn nếu xem cùng bạn thì chắc cũng thấy ngượng lắm."

Trao đổi phóng viên Vietnam+, một đạo diễn phim nhận định: Thách thức lớn của việc làm phim là làm sao phim vừa gắn với đời sống thực tế lại không sa vào những chi tiết gây phản cảm, thậm chí phản giáo dục, nhất là với phim truyền hình. Dù đó là thực trạng, nhưng cần làm nổi bật được những giá trị cơ bản của cuộc sống cộng đồng.

Những người xem nghiêm túc luôn mong giữa cân nhắc về sự hấp dẫn theo thị hiếu thấp và tôn vinh giá trị tốt đẹp của cuộc sống thì các nhà làm phim truyền hình nên lấy xây để chống, cần đứng về phía chuẩn mực, phía tích cực hơn!

Đem ý kiến này hỏi đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, chúng tôi được ông trả lời: ông không tham gia duyệt phim này và cũng chưa xem để kịp có ý kiến gì về chuyện đang gây dư luận và hứa sẽ có nhận định sau khi đã xem phim.

Tuy nhiên, dù thế nào thì với nhiệm vụ của những người làm phim truyền hình là vì công chúng, "nhà đài" cần có những can thiệp sớm để những tập tiếp theo của “Hoa nắng” được đón nhận ở mọi gia đình cũng như ''dẫn lối" khéo và tốt hơn cho những người trẻ - mục đích chính của những người làm phim.

Âu cũng là bài học kinh nghiệm để đừng: bê nguyên thực tế lên phim dẫn đến cảnh: "lỡ một ly, đi cả dặm...".

Theo Vietnam+


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm