PGS - TS Lương Hồng Quang: Con người sẽ là trọng tâm của đầu tư văn hóa

01/07/2014 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: “Phim, nhạc Hàn đi trước, hàng hóa Hàn theo sau”- hình ảnh ví von này là một thực tế thấy rõ, tới mức ngay cả một cuộc thi trên truyền hình mang tên Ngôi sao Việt nhưng từ định dạng cuộc thi tới giám khảo, phong cách thí sinh và cả âm nhạc đều “made in Korea”. Trước khi bàn tới sự “biến đổi gen văn hóa” từ những hiện tượng tương tự, thì câu chuyện đầu tư văn hóa là một chủ đề thời sự ở nhiều quốc gia phát triển. Tiêu điểm tuần này xin giới thiệu với bạn đọc hai góc nhìn về vấn đề này, một của người nghiên cứu văn hóa, nhìn từ tầm vĩ mô, và một nhìn từ phía người nghệ sĩ trong cuộc tự đầu tư cho sáng tạo của mình.

Trong quan điểm xây dựng hệ thống thống kê của nhiều nước phát triển, lĩnh vực văn hóa được xếp vào khu vực “phi sản xuất”. Khái niệm phi sản xuất ở đây được hiểu là các ngành dịch vụ và ngành không sản xuất ra của cải vật chất. Nên mỗi khi nền kinh tế có khủng hoảng, văn hóa là lĩnh vực dễ bị cắt đầu tư đầu tiên. Điều này cho thấy cần phải thay đổi tư duy về vai trò và vị trí của văn hóa - không chỉ là “soi đường cho quốc dân đi”, định hướng giá trị, nhận thức và tư duy cho cả một xã hội - mà còn là một bộ phận của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức. PGS - TS Lương Hồng Quang (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) chia sẻ cùng TT&VH Cuối tuần về đầu tư văn hóa và công nghiệp văn hóa, những khái niệm ra đời đã lâu nhưng còn khá mới tại nước ta.

PGS - TS Lương Hồng Quang cắt nghĩa: “Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) là nội dung, là giải pháp biến tiềm năng văn hóa thành tiềm lực. Theo UNESCO, đây là “ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng sản phẩm hay dịch vụ”. Các nước Anh, Úc, New Zealand, Singapore… sử dụng thuật ngữ “các ngành công nghiệp sáng tạo”. Mỹ sử dụng khái niệm “ngành công nghiệp giải trí”. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Hong Kong gọi là “ngành công nghiệp bản quyền”. Nhật, Hàn Quốc, Canada gọi là “các ngành công nghiệp có nội dung”. Nhiều nước Bắc Âu gọi là “các ngành công nghiệp trải nghiệm”.

* Vì không thấy được các lợi ích kinh tế trước mắt mà đầu tư cho văn hóa nghệ thuật luôn gặp những khó khăn. Nên nhìn việc đầu tư này như thế nào, thưa anh?

- Vấn đề này đòi hỏi phải có một quan điểm mới. Nhìn một cách tổng thể, không thể lấy cách tiếp cận phân tích chi phí giá thành làm căn cứ duy nhất để quyết định đầu tư; hoặc không đầu tư.

Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho đời sống tinh thần của một xã hội, mà theo quan điểm của các nước Bắc Âu, là đầu tư cho phúc lợi tinh thần, trong đó con người sẽ là trọng tâm của đầu tư văn hóa. Với cách tiếp cận này, đầu tư cho văn hóa là đầu tư hướng tới tương lai, cần có tầm nhìn, đôi lúc phải vượt qua những nền tảng kinh tế - xã hội hiện tại, vượt qua những thiển cận để có những tác phẩm và công trình mang dấu ấn thời đại. Chính vì vậy, nguồn lực tài chính chỉ là một phần trong đầu tư cho văn hóa, còn những đầu tư khác quan trọng hơn, đó là nguồn lực con người. Đầu tư này mang tính lâu dài, có sự kế thừa, vừa tạo nền tảng song lại phải chú ý đến các cá nhân đỉnh cao.

Tuy nhiên, cũng phải thấy việc đầu tư cho văn hóa cũng có nhiều rủi ro, đôi lúc không đo lường hết được các yếu tố tác động, cần cân đối các yếu tố trước mắt và lâu dài. Các đầu tư cho văn hóa cần một ý chí và quyết tâm đặc biệt của nhà đầu tư. 

Trong văn hóa, nhất là nghệ thuật, có tiền chỉ là điều kiện cần, vì nếu thiếu đam mê, thiếu sức sáng tạo, sự thôi thúc của tâm hồn, không thể có được những tác phẩm đỉnh cao. Tạo môi trường tự do sáng tạo là điều kiện tối quan trọng khuyến khích con người thăng hoa và sáng tạo ra những tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Do đó, khái niệm đầu tư ở đây phải được mở rộng hơn, chú ý đến những đặc thù của sáng tạo. Ví dụ, đầu tư về cải cách thể chế để thu hút mọi nguồn lực xã hội, của các tổ chức và cá nhân muốn đầu tư cho văn hóa nghệ thuật - trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các bên. Đây là sự đầu tư tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo, cho sản xuất văn hóa, là một đầu tư mang tính mở đường, bên cạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, dạy kiến thức và kỹ năng văn hóa nghệ thuật.

* Lý thuyết là vậy, nhưng với cách nhìn của nhiều cơ quan và nhiều cá nhân, đầu tư là phải chi tiền, vậy đầu tư trong văn hóa khác ở những khía cạnh nào, ví dụ so với đầu tư cho kinh tế?

- Đầu tư trong văn hóa khó khăn hơn, dường như khó thành công do những đặc thù, như: Khi các sản phẩm sáng tạo được sản xuất và tiêu thụ, luôn có yếu tố không chắc chắn/ Các nhà sáng tạo yêu quý sản phẩm của mình một cách chủ quan, tùy theo quan điểm thẩm mỹ riêng, họ không tuân theo mệnh lệnh của thị trường; / Quá trình sáng tạo và sản xuất bao gồm nhiều khâu, nhiều ngành đặc thù, mang đậm dấu ấn cá nhân, vì thế hạn chế khả năng phối hợp và thương lượng. Xung đột là yếu tố không thể tách rời của công nghiệp văn hóa/ Không có hàng thay thế, do đó yêu cầu phải có một hệ thống giáo dục chất lượng cao để có một đội ngũ hoạt động sáng tạo/ Độ bền của các sản phẩm sáng tạo có thể rất cao. Đây sẽ là một thứ hàng hóa khó mang lại nguồn thu/ Đa số sản phẩm đòi hỏi nhiều thời gian, và khó lường trước được những chậm trễ thường xảy ra trong quá trình sản xuất. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ và hiệu quả kinh tế.

Với các đặc điểm này, khó có thể thành công nếu chỉ nhăm nhăm vào tính kinh tế của sự đầu tư, phải tính đến các yếu tố con người, đầu tư vào hệ thống quản trị, xây dựng chiến lược… 

* Tiềm năng và tiềm lực về mặt kinh tế của văn hóa nghệ thuật Việt Nam là như thế nào, nếu xét ở khía cạnh đầu tư?

- Để trả lời chính xác, cần có những đánh giá tổng thể về tiềm năng và tiềm lực kinh tế của văn hóa Việt Nam theo “phương pháp cultural mapping” (lập bản đồ văn hóa). Hiện chưa có những đánh giá như thế này.

CNVH gồm 4 khu vực, ngoài nghệ thuật, còn có các khu vực: Công nghệ (các phần mềm, trò chơi tương tác), Thương mại (ẩm thực, quảng cáo, thời trang, thiết kế), Hỗn hợp (truyền hình và truyền thông).

Tiềm năng thì có nhiều nhưng để trở thành tiềm lực, lại cần sự đầu tư để phát triển một cách sản xuất mới - dựa trên trí tuệ, chất xám, công nghệ tổ chức và sản xuất sản phẩm, cùng kỹ năng quản lý trong nền kinh tế thị trường. Tiềm năng chỉ là một nguồn đầu vào để tạo ra các sản phẩm văn hóa mà thôi.

* Anh có nghĩ CNVH sẽ là cây đũa thần kỳ để văn hóa nghệ thuật phát triển?

“Tạo môi trường tự do sáng tạo là điều kiện tối quan trọng khuyến khích con người thăng hoa và sáng tạo ra những tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Đó là một đầu tư hữu hiệu cho văn hóa nghệ thuật”, PGS-TS Lương Hồng Quang
- CNVH là một mũi nhọn, một phương thức sản xuất và phân phối văn hóa mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Thần kỳ hay không phụ thuộc chúng ta có một nhận thức như thế nào về vai trò và tầm quan trọng của CNVH đối với xã hội. Chúng ta đã nhận thấy vai trò của nó trong tái cấu trúc nền kinh tế của nhiều thành phố và quốc gia, tạo công ăn việc làm, gia tăng số lượng doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, quan trọng hơn là tạo tính năng động xã hội và tính sáng tạo trong xã hội, khuyến khích tiềm năng sáng tạo của các tổ chức và cá nhân; góp phần giảm việc sử dụng các nguồn tài nguyên truyền thống bằng việc sử dụng các tài nguyên số, chất xám và tiềm năng con người. Việc còn lại là vạch ra những phương cách hành động phù hợp.

* Anh nghĩ gì về “triển vọng tự sống” của các tiềm năng văn hóa, của CNVH tại Việt Nam?

- Ở những bước đi ban đầu, triển vọng “tự sống” theo cách nói của bạn là không nhiều, bởi đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài. Song có một số loại hình có thể lựa chọn để làm trước, bởi chúng có tiềm năng thương mại hơn, có đội ngũ, có thị trường để phát triển trước, không nên đầu tư đại trà, dàn trải. Các lĩnh vực như ẩm thực, thiết kế, phần mềm, mỹ thuật có thể đầu tư trước, chi phí thấp hơn, có thị trường. Các lĩnh vực khó hơn, ví dụ như điện ảnh, trước hết cần đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực.

Văn Bảy (thực hiện); Ảnh: Hoàng Lâm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm