Những 'nhát chém' vào ngành du lịch

03/05/2014 08:16 GMT+7

Chỉ còn một ngày nữa là kết thúc đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5, một đợt nghỉ dài khá thuận lợi cho hoạt động du lịch. Thế nhưng, có một câu chuyện cũng đã từng được "nói dài dài" nhưng vẫn chưa thể kết thúc, đó là vấn nạn "chặt chém", bắt chẹt du khách.

Mấy ngày qua, trong khi các bến xe ở Hà Nội chật cứng người thì cũng là dịp để các nhà xe tự cho mình quyền được "chém". Giá vé xe đi Quảng Ninh tăng gần như gấp đôi, khách thắc mắc, lập tức nhà xe phán chắc nịch "đắt thì xuống xe" và cũng không quên nhắc khách rằng "giá cước tăng đồng loạt 30%". Nhưng thực chất là họ đã tăng gần như 100%. Có rất nhiều du khách bắt đầu hành trình đến với Carnaval Hạ Long bằng một "nhát chém" như thế. Đặt chân đến vùng du lịch di sản, họ lại đón nhận "nhát chém" thứ hai khi bước vào quầy lễ tân của khách sạn, mức giá của nhiều nhà nghỉ, khách sạn tư nhân cao gấp đôi giá niêm yết. Và những "nhát chém" như thế còn có ở nhiều dịch vụ khác và ở nhiều nơi khác nữa…

Đó là những "nhát chém" làm phương hại đến hình ảnh của ngành du lịch, rộng hơn, nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh quốc gia.

Được biết, để chống nạn "chặt chém" khách du lịch dịp nghỉ lễ này, Tổng cục Du lịch đã có công văn gửi sở VHTT&DL các địa phương yêu cầu có biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá cả. Nhưng trên thực tế, nạn "chặt chém" du khách vẫn không giảm, nó vẫn là nỗi ám ảnh thường trực với nhiều người mỗi khi xách ba lô lên đường du lịch. Thậm chí, nhiều người đành chấp nhận ở nhà vào các dịp lễ vì bị ám ảnh bởi kiểu "du lịch cắt cổ". Người ta hoàn toàn dễ dàng "điểm mặt chỉ tên" những địa chỉ về nạn "chặt chém", nhất là với các khu nghỉ mát như Hạ Long, Đồ Sơn, Cửa Lò… vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại khi bước vào mùa du lịch.

Còn nhớ, trả lời chất vấn tại Quốc hội hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh thừa nhận nạn "chặt chém" khách du lịch ngày càng lộ rõ và tác động tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa tốt; việc kiểm tra, giám sát những điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, "chặt chém" du khách làm chưa tốt; các văn bản liên quan để xử lý vi phạm, các mức độ xử phạt chưa đầy đủ.

Tất cả đều là những lý do chủ quan, thể hiện sự thiếu năng lực trong quản lý du lịch. Thế nhưng điều đáng nói là qua nhiều năm những khiếm khuyết quản lý ấy vẫn chưa được xử lý. Đó có thể là lý do khiến cho tỷ lệ du khách nước ngoài trở lại Việt Nam lần thứ hai chỉ dưới 20%.

Có thể khắng định, nạn bắt chẹt du khách đang làm ảnh hưởng ngày càng xấu tới ngành du lịch. Nỗi lo khách du lịch "một đi không trở lại" đang là đe dọa sự phát triển của ngành công nghiệp không khói và đòi hỏi phải có những biện pháp rốt ráo. Cơ quan quản lý cần sẵn sàng rút giấy phép của những đơn vị làm ăn chụp giật, xử lý thật nghiêm những địa phương để xảy ra tình trạng "chém đẹp" du khách.

Thực tế, người ta có thể đưa ra nhiều lý do biện minh vì sao nạn "chặt chém" vẫn còn ngoài tầm kiểm soát. Thế nhưng với du khách thì có lẽ họ không quan tâm đến các lý do, mà họ chỉ quan tâm đến thực chất của sản phẩm du lịch. Chỉ khi chất lượng dịch vụ làm cho du khách thấy thoải mái thì họ mới muốn trở lại, mới sẵn sàng móc hầu bao chi tiền cho du lịch.

Theo Tuấn Kiệt - Hà Nội mới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm