Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Bình: 'Chụp ảnh trẻ em dễ mà khó'

22/10/2014 14:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cầm máy 14 năm, nổi tiếng trên các diễn đàn ảnh Việt Nam và quốc tế nhưng Dương Quốc Bình (James Dương) chưa một lần mang ảnh đi dự thi. Huy chương Đồng giải thưởng cuộc thi ảnh trẻ em quốc tế The International Children Of The World 2014 vừa qua đến với anh như một sự tình cờ.

Thể thao & Văn hóa có cuộc trao đổi với Dương Quốc Bình xoay quanh câu chuyện ảnh trẻ em nói riêng cũng như nhiếp ảnh nghệ thuật nói chung nhân dịp anh vừa nhận được giải thưởng quốc tế.

* Cơ duyên nào đưa anh đến giải thưởng The International Children Of The World 2014,? Và tại sao anh lựa chọn cuộc thi về  ảnh trẻ em, chủ đề vốn không phải thế mạnh của anh?

- Với tôi, điều quan trọng là ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống để chia sẻ chứ không phải dự thi. Nhưng nguyên nhân chính lần này tôi gửi ảnh dự thi là do... vợ thúc giục (cười).

Tôi cũng nghĩ sau bao năm chụp ảnh, cũng nên gửi một bức ảnh dự thi để tự đánh giá bản thân. Và cuộc thi nói trên diễn ra đúng thời điểm đó. Nên tôi gửi một bức ảnh chụp trẻ em Việt Nam tới dự thi.

Bức ảnh này tôi chụp ở Hà Giang. Lúc đó, từ trên xe ô tô, tôi nhìn thấy mấy em bé chăn trâu nép vào vách núi. Tôi giơ máy lên bấm và đó là khoảnh khắc giúp tôi đoạt giải.


Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Bình

* Nếu như trước, trào lưu chụp ảnh thiên nhiên, mẫu nữ, nude... nở rộ thì gần đây, giới nhiếp ảnh Việt đặc biệt quan tâm tới đề tài ảnh đường phố, ảnh lao động, nhất là ảnh trẻ em... Anh nghĩ sao về sự chuyển dịch này?

- Có nhiều mục đích cho nhiếp ảnh, tuỳ từng đối tượng và từng thời điểm. Có cả mục đích mang nặng tính hình thức, tô hồng. Thiên nhiên, mẫu nữ, nude... dễ tạo những bức hình lung linh như vậy. Sự chuyển dịch gần đây về tần suất xuất hiện của chủ đề ảnh đời sống của nhiếp ảnh Việt Nam mang tính tích cực. Bởi nhiếp ảnh là sự thật ở đời, là tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ chứ không phải chỉ là những khuôn hình đẹp mà vô hồn.

Còn chuyện ảnh trẻ em, phải thẳng thắn nhận định ở mức độ ban đầu ,là dễ chụp hơn. Nên cùng với việc nở rộ tay máy là nở rộ ảnh trẻ em. Xét về mặt hình thức, ảnh trẻ em chụp dễ bởi những đứa trẻ không chú tâm tới máy ảnh mà vô tư chơi đùa theo bản năng. Điều này khó có được khi chĩa máy vào nhân vật là người trưởng thành. Bức ảnh rất sống động mà không quá tốn công phu căn ke như chụp người lớn.

Tuy nhiên, ảnh trẻ em dễ về mặt hình thức nhưng rất khó về mặt nội dung. Việc trẻ em cười, nô đùa, nhảy sông... rất dễ xem song đôi khi rỗng tuếch. Còn nếu chú tâm nội dung, phải đặt những câu hỏi liên tiếp, bạn muốn khai thác gì ở nụ cười đứa trẻ? Đứa trẻ đang làm gì? Tại sao nó làm như thế?... Nó giống như câu hỏi 5W + 1H trong báo chí. Nếu giải đáp được ngần ấy câu hỏi trong bức ảnh thì bức ảnh có chiều sâu hơn.


Tác phẩm đoạt giải The International Children Of The World 2014 của Dương Quốc Bình

* Anh nghĩ gì về phong trào “chạy đua công nghệ” trong nhiếp ảnh hiện nay?

- Phải phân biệt rõ những người làm ảnh và chơi ảnh. Làm ảnh là nhóm chuyên nghiệp, kiếm sống bằng ảnh. Còn về chơi ảnh lại có 2 dạng: chơi ảnh và chơi máy.

Ở dạng chơi, tôi nghĩ phải phân định rõ ràng rằng bạn tập trung vào cái gì. Chơi là quyền của từng người, lối chơi nào cũng được như đừng có nhầm lẫn hay đánh đồng với nhau. Chơi máy thì đừng ảo tưởng là nghệ sĩ chuyên nghiệp hay phóng viên ảnh báo chí vì chơi máy là cuộc chơi công nghệ chứ không phải là nhiếp ảnh. Còn người theo nhiếp ảnh thì đừng bị cuốn theo cuộc đua công nghệ để rồi quên đi mục đích chính của mình là ảnh.

* Còn selfie, liệu nó có trở thành một chủ thể của ảnh nghệ thuật?

- Chúng ta cần nói lại cho rõ về vấn đề nghệ thuật. Ở Việt Nam, từ nghệ thuật đang bị bóp méo. Bất cứ thứ gì hay, lạ đều gắn với cụm từ nghệ thuật. Trên thực tế, nhiếp ảnh nghệ thuật là truyền tải ý tưởng, thông điệp, tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ, chứ không phải chỉ chăm chăm chau chuốt khuôn hình đẹp nhưng không có giá trị nội dung.

Còn selfie là một dạng chân dung và tất nhiên là một chủ thể trong nhiếp ảnh. Và nếu ảnh selfie truyền tải thông điệp, tâm tư tình cảm của người chụp thì đương nhiên nó là một chủ thể nghệ thuật.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm