Nhật ký của Huyền Chip và % 'hư cấu'

04/10/2013 09:54 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Có sự mâu thuẫn rõ ràng giữa vài nội dung chính trong 2 tập Xách ba lô lên và đi với những tuyên bố, biện giải của Huyền Chip sau đó. Có trường hợp thật - giả dường như đã rõ, chỉ thiếu một lời thừa nhận.

Dù có rất nhiều cơ hội phát biểu trước báo chí, Huyền Chip chưa hề có ý cải chính là sách Xách ba lô lên và đi (cả 2 tập) có hư cấu, không phải là sự thật 100%. Vì thế những người phản đối có thể vin vào lập luận "có thật hay không?" để phản biện cô.

Về mấu chốt của vấn đề: 700 USD

Kể cả một chi tiết (mà về sau Huyền phủ nhận một cách muộn màng) là "đi vòng quanh thế giới với 700 USD", không phải là một câu nói bâng quơ bị báo chí tô đậm để câu view, mà thực ra đã được dùng để lăng-xê cô trong vòng hơn 1 năm qua. Rất nhiều bài báo và chương trình truyền hình đã nhắc đi nhắc lại chi tiết này (700 USD), nếu thấy không ổn thì hẳn Huyền đã phải lên tiếng cải chính, nhưng cô chưa từng làm.

Tập 1 Châu Á là nhà, đừng khóc có đoạn: "Nhưng Huyền đã đi mà chỉ có 700 USD thôi. Chính những thiếu thốn đó đã thôi thúc Huyền lên đường, cô bé không "đợi đủ đầy để đi". Đó dường như là điều đặc biệt nhất ở cô bạn 9x Huyền Chip". Đây chính là một trong những thông điệp vừa không cụ thể vừa “tô hồng” thực tế. "Đợi đủ đầy để đi" nghĩa là gì?

Hình ảnh trong sách Đừng chết ở châu Phi của Huyền Chip.

Chỉ đến gần đây có phản bác về chi phí thì tác giả mới cải chính, đại ý: "700 USD chỉ là con số ban đầu, về sau còn nhiều chi phí phát sinh, không thể tính hết được". Trong buổi họp báo ở TP. HCM, tác giả cũng khẳng định mình có nhận tài trợ cho chuyến đi với nhiều hình thức. Thêm nữa, theo một số nguồn tin, chi phí dự tính thực sự của Huyền là 25.000 USD.

Sự tương phản ấn tượng giữa"700 USD" (ít tiền) và 25 nước (nhiều nước) đã khiến Huyền Chip nổi bật đến mức được truyền thông dựng nên như một thần tượng dám nghĩ dám làm, dám đi xa.

Nếu những chi tiết đó hóa ra lại chỉ là một phần sự thật thì có lý do gì để Huyền Chip được dựng thành thần tượng?

Về chuyện ngôn ngữ và vượt biên

Về việc giải quyết đơn kiến nghị của anh Trần Ngọc Thịnh, Huyền Chip đã làm văn bản giải trình 30 trang, cùng công ty Quảng Văn và NXB Văn học nộp lên Cục Xuất bản. Hiện, Cục chưa đưa ra kết luận.

Trong Đừng chết ở châu Phi, có vài đoạn chênh nhau khá vô lý khi Huyền vừa nói cô rất chăm học tiếng bản địa, mỗi ngày học thêm được nhiều từ vựng mới, nhưng đến đoạn sau lại viết "Tôi giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ cơ thể", kể cả khi hỏi đường và hỏi xin việc.

Đồng thời, cô vẫn mô tả những cuộc trò chuyện giữa mình và người dân địa phương khá trôi chảy, không có vẻ gì là khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, cũng không nói rõ đoạn nào phải dùng ngôn ngữ cơ thể.

Gần đây, khi bị chỉ trích vì những chi tiết mô tả với vẻ tự hào về các hành động vượt biên trái phép, giả làm người dân địa phương để được giảm tiền vé, trốn vé vào cổng khu tham quan…, Huyền Chip đã biện minh rằng cô không có ý cổ xúy cho những hành động đó.

Mặc dù vậy, một chi tiết nhỏ trong Châu Á là nhà, đừng khóc đã phản lại lời cô. Huyền viết về một phượt thủ khác là Antonio, một người châu Âu, mà cô khẳng định "đã dạy cho tôi nhiều bài học hết sức quan trọng đã giúp tôi đi được đến ngày hôm nay".

Lý do quan trọng nhất là gì? Antonio rất thạo vượt biên trái phép: "Anh từng đi bộ qua rừng từ Trung Quốc vào Tây Tạng, đóng giả làm con trai một người dân địa phương để đi từ Kasmir Ấn Độ vào Kasmir Pakistan mà không cần trình hộ chiếu".

Huyền tỏ ra tán thưởng một ưu điểm "trời phú" của Antonio: vẻ ngoài trông toàn cầu đến nỗi "đi đến đâu cũng có thể giả làm người dân địa phương". Tóm lại, cô không phải là không cổ xúy, thậm chí coi những hành động trái pháp luật là hay ho.

Đọc tiếp bài: Thiếu căn cứ pháp lý, nhưng còn… lương tâm

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm