Nhà văn Trần Hoài Dương: Văn thơ mộng, đời khổ tâm

09/05/2011 10:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Chiều hôm qua 8/5 điện thoại của tôi rung lên nhận tin nhà văn Trần Hoài Dương - một nhà văn suốt đời viết cho thiếu nhi đã từ trần. Điều đau đớn là ông đã đột tử khoảng 20h ngày 6/5, tức qua đời 2 ngày trước khi được phát hiện.

Người từng bán máu của mình để sống và nuôi con

Tin nhà văn Trần Hoài Dương đến với tôi thật đột ngột, vì tôi không thể nghĩ rằng ông sẽ đi về “Miền xanh thẳm” - một tác phẩm tiêu biểu của ông - ở tuổi đời 69. Đột ngột bởi, tôi có nhiều dịp gần gũi với ông, nhưng chưa bao giờ tôi thấy sức khỏe của ông đi xuống đến độ phải bi quan hay phải tiên đoán về một điềm xấu. Vậy mà sáng 8/5, hàng xóm của ông sau khi không liên lạc được với ông đã báo chính quyền địa phương kiểm tra nhà thì phát hiện ông đã qua đời. Qua khám nghiệm pháp y được thực hiện trong ngày 8/5, kết quả cho biết nhà văn Trần Hoài Dương đã bị nhồi máu cơ tim và ông đã đột tử khoảng 20h ngày 6/5, tức qua đời 2 ngày trước khi được phát hiện.

Nhà văn Trần Hoài Dương năm 2009. Ảnh: THN

Những năm cuối đời, Trần Hoài Dương sống một mình trong hẻm nhỏ trên đường Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận, TP.HCM. Trần Hoài Dương sống một mình vì người con trai duy nhất của ông là nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh đã định cư, lập nghiệp bên Anh Quốc. Nhắc đến tình cha con của Trần Hoài Dương, không thể không xúc động, vì ông là người thương con hết mực. Ban bè thân quen Trần Hoài Dương trong giới văn nghệ vẫn thường nói với nhau chuyện ông có thời gian dài sống bằng máu của mình. Sau khi rời NXB Trẻ vào năm 1992 với chức Trưởng ban Văn học, Trần Hoài Dương đã sống cuộc đời của một nhà văn tự do không bị ràng buộc bởi cơ chế làm việc nào. Làm nhà văn tự do không dễ, nhất là chuyện cơm áo, ông lại phải một mình nuôi con do đã chia tay với vợ. Trần Hoài Dương đã lặng lẽ bán máu của mình để tự nuôi mình và cho Trần Lê Quỳnh học tiếng Anh.

Khi Trần Lê Quỳnh cưới vợ và định cư bên Anh, ông đã bán ngôi nhà đang sống cho Quỳnh có tiền mua nhà ở ổn định tại xứ người. Bản thân ông chọn ngôi nhà nhỏ trong hẻm nhỏ trên đường Thích Quảng Đức và bạn bè cùng sách vở, sống cuộc đời hiền lành nhiều cam chịu. Trong hành xử giao tiếp, chưa khi nào ông to tiếng với bất kỳ ai. Trong đời thường, ông lặng lẽ như phần đông “con người”. Trong văn chương, ông càng tĩnh lặng “tuyệt đối” giữa những hỗn mang danh lợi của thế giới xung quanh. Đó cũng là số phận của nhà văn mà Trần Hoài Dương đã “tự” tạo dựng cho mình.

Đời đẹp như Giêng, Hai

Tháng 3 vừa qua, NXB Trẻ đã ấn hành tuyển tập Truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi (5 tập). Đây được xem như công trình cuối cùng do Trần Hoài Dương biên soạn cho thiếu nhi. Đến lúc về “Miền xanh thẳm”, Trần Hoài Dương đã xuất bản hơn hai chục tác phẩm, trong đó có 5 tác phẩm là truyện dài. Tác phẩm đầu tay Em bé và bông hồng (NXB Kim Đồng, 1963) khi ông mới tròn 20 tuổi; Nắng phương Nam (NXB Kim Đồng, 1998) có trích in trong SGK lớp 3 tập 1; Miền xanh thẳm (truyện dài, NXB. Kim Đồng, 2000) đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001. Ngoài ra còn nhiều kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó đã có 5 kịch bản được dựng thành phim.

Trong một bức thư gửi Trần Hoài Dương vào năm 1998, nhà văn Tô Hoài, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký viết: “Ở quê tôi, Giêng, Hai là những tháng yêu kiều nhất trong một năm! (...) Không hiểu sao, đọc truyện của Trần Hoài Dương, tôi cứ hình dung ra một thoáng tháng Giêng, tháng Hai đẹp đơn sơ như thế. Không biết tôi đang là trẻ thơ, tôi không nhớ tôi đã là một ông lão, tôi không biết tuổi đương đọc những sáng tác không có tuổi. Mỗi sáng tác hay thường khiến cho người đọc đánh mất tuổi như vậy...”.

Cuộc đời của Trần Hoài Dương cũng thơ mộng như tác phẩm của ông mà lão nhà văn Tô Hoài đã nhận xét. Thơ mộng ngay cả những gập ghềnh trong đời ông, những góc khuất ít người biết đến về ông cũng thơ mộng theo. Điểm lại quãng đời đã sống của Trần Hoài Dương để thấy rõ thêm sự thơ mộng này.

Năm 1961 Trần Hoài Dương khi vừa 18 tuổi, tốt nghiệp khóa 1 trường Báo chí Trung ương, ông về làm biên tập viên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Đang làm việc ở nơi mà nhiều người mơ ước, năm 1968, ông xung phong đi dạy học tại Trường Giáo dục trẻ em phạm pháp trên vùng núi Bắc Giang trong hai năm 1969 - 1970.

Ông đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vì ý nghĩ lãng mạn rằng muốn biết thêm “có gì mới” hơn những điều mình đã từng biết. Sau hai năm “chơi” với trẻ em “cá biệt” ở Bắc Giang, ông về làm biên tập viên, rồi Trưởng ban Văn xuôi ở báo Văn nghệ Hội Nhà văn VN từ năm 1971 - 1981. Lại tiếp tục muốn tìm thêm những “tháng Giêng, tháng Hai” tuyệt đẹp của cõi người, năm 1982, ông chuyển vào TP.HCM làm biên tập, rồi Trưởng ban Văn học ở NXB Măng non (nay là NXB Trẻ). Sau 10 năm ở NXB này, ông quyết định làm một nhà văn tự do để sáng tác, để mơ mộng...

Niềm tin gửi ở ngày mai

Năm 2009, tôi có dịp trò chuyện cùng nhà văn Trần Hoài Dương về tiểu thuyết Nàng công chúa biển của ông sau 30 năm thất lạc bản thảo vừa tìm lại được. Tiểu thuyết này viết về mối xung đột giữa thiện và ác để cuối cùng cái thiện “cảm hóa” được cái ác. (Nàng công chúa biển đã được NXB Kim Đồng và Công ty sách Thương Huyền ấn hành và tái bản sau 10 ngày vào năm 2009). Tôi hỏi ông “Cuộc đời có thực vậy không? Thiện cảm hóa được ác không?”. Ông trả lời rằng đó mãi mãi là mơ ước, vì nếu không mơ ước thì con người sống chẳng để làm gì. Theo ông, không thể nào triệt tiêu được cái ác, có chăng là chúng ta phát huy cái thiện, cái đẹp mà hạn chế cái ác tung hoành.

Mơ ước về một ngày cái thiện, cái đẹp lên ngôi - thực tế ông đã bằng hành động sống và tác phẩm để cố gắng tôn vinh “thiện và đẹp” - nên ông luôn gửi niềm tin vào tương lai, cụ thể là thế hệ mai sau, cụ thể hơn là con ông. Nếu không có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp do lớp lớp, người người chung tay vun đắp, thì nói như ông: “Sống chẳng để làm gì”.

Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm