Nhà văn Thuận: T mất tích được dịch sang tiếng Pháp

25/04/2009 17:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tháng 2/2009, Chinatown của nhà văn Thuận đã được xuất bản tại Pháp. Lần về Việt Nam mới đây chị lại cho biết, sắp tới tiểu thuyết T mất tích sẽ tiếp tục được dịch sang Tiếng Pháp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị xoay quanh kế hoạch chuyển ngữ lần thứ 2 này.

* Có người sẽ nghĩ rằng chị “vẽ” ra việc chuyển ngữ tác phẩm của mình qua tiếng Pháp như là một lí do để chị không "mất tích" trên văn đàn? Hay là một phần trong kế hoạch chinh phục độc giả Pháp của chị?
 
- Tác giả Việt Nam nào cũng vì sợ bị mất tích trên văn đàn mà tìm cách dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài thì tốt cho văn chương Việt Nam biết bao. Chỉ những ai chưa bao giờ cầm bút dịch, mới dám ngây thơ nghĩ rằng không có việc gì làm thì “vẽ” ra chuyện chuyển ngữ. Chỉ có ai chưa bao giờ gửi bản dịch cho một nhà xuất bản nước ngoài mới ngây thơ nghĩ rằng cứ dịch xong là có thể nhìn thấy tác phẩm của mình ngoài hiệu sách.

“Mất tích” hay “xuất hiện” trên văn đàn là do tác phẩm quyết định. VânVy xuất bản chưa đầy một năm, Chinatown đã dịch xong trước đó từ rất lâu rồi.
 
Nhà văn Thuận
 

* Sau Chinatown, vì lý do gì chị quyết định lựa chọn tác phẩm T mất tích của mình để dịch qua tiếng Pháp mà không phải là một tác phẩm nào khác?

- Tôi và dịch giả Đoàn Cầm Thi đều có chung một nhận định rằng Tmất tích là tác phẩm trọn vẹn nhất trong số 5 tiểu thuyết của tôi.

* Lần dịch Chinatown, là do dịch giả Ðoàn Cầm Thi thực hiện, lần này chị sẽ “độc lập tác chiến” hay vẫn tin tưởng giao T mất tích cho dịch giả Đoàn Cầm Thi?

- Dịch là một công việc có tính chuyên môn rất cao, nhất là dịch văn chương từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Đoàn Cầm Thi là dịch giả cực kì nghiêm túc, không chỉ tôi mà bất kì tác giả nào nếu được chị nhận lời, đều có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng bản dịch.

* Khó khăn lớn nhất trong công việc chuyển ngữ là gì thưa chị? Chị đã bao giờ nghĩ tới việc sẽ chuyển ngữ những tác phẩm của mình sang một thứ tiếng khác ngoài tiếng Pháp hay không?

- Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc chuyển ngữ là phải nắm được cái hồn của tác phẩm, và chuyển được nó sang ngôn ngữ nước ngoài. Thế nên có rất ít bản dịch thật sự hay, mà có rất nhiều bản dịch không sai, nhưng lại vô hồn. Còn những bản dịch mà sai cả nghĩa, thì có lẽ chúng ta không nên mất thời giờ để bàn.

Đối với một nhà văn thì sáng tác là quan trọng nhất. Tác phẩm viết xong, được đón nhận ra sao, được giải thưởng hay không, được dịch sang tiếng nào… thì ít còn phụ thuộc vào tác giả nữa.

* Dự kiến, T mất tích cũng sẽ được xuất bản bởi một NXB danh tiếng tại Pháp – Seuil. Theo chị, vì sao tác phẩm của chị lại được họ “chăm sóc” như vậy? Ngoài yếu tố văn chương liệu còn yếu tố nào khác để “câu khách” không?
 
- Đoàn Cầm Thi và tôi xác định ngay từ đầu là cả ChinatownT mất tích đều chỉ có văn chương để độc giả phải mở hầu bao. Điều mà chúng tôi thấy may mắn nhất khi được xuất bản ở Seuil không phải vì đó là NXB hàng đầu, mà bởi Seuil luôn lấy chất lượng văn chương làm yếu tố quyết định, và họ có khả năng làm việc đó.
 
* Chị từng nói “mỗi tác phẩm là một chuyến đi xa, để tác giả tìm thấy một “cái tôi” khác, còn độc giả thì được đưa đến một “miền đất” mới”. T mất tích vốn dĩ đã mang đầy tính phiêu lưu, khi được chuyển ngữ nó cũng đồng thời đi vào một cuộc phưu lưu mới. Chị có tự tin cho chuyến phiêu lưu này?

- Đã là phiêu lưu thì phải bất ngờ. Cuộc phiêu lưu mà tôi nói ở đây là cuộc phiêu lưu trong sáng tác. Chỉ sáng tác mới liên quan trực tiếp tới tác giả. Viết xong, gửi bản thảo tới NXB, là đánh dấu chấm hết cho phiêu lưu. Sau đó, tác phẩm lại làm một cuộc phiêu luu mới, để đến với độc giả, nhưng cuộc phiêu lưu này chủ yếu liên quan tới NXB. Tác giả có lẽ chỉ là kẻ đứng ngoài quan sát. Và tác giả nào cũng âm thầm mong muốn tác phẩm sẽ tìm được độc giả xứng đáng với nó. Tôi không phải là ngoại lệ.
 
* Ở trong nước, tên tuổi nhà văn Thuận đã được khẳng định bằng chính những tác phẩm của chị. Còn ở nước ngoài, chị có biết, Thuận đang ở đâu và sẽ ở đâu?

- Cách đây mười một năm tôi chưa hề biết có ngày sẽ trở thành nhà văn chuyên nghiệp, càng không biết gì về vị trí của mình trên văn đàn Việt Nam. Cách đây một năm, tôi mới bắt đầu tưởng tượng Chinatown trong hiệu sách ở Pháp. Trong mọi việc, chỉ cái bắt đầu mới tương đối rõ ràng, còn cái kết cục bao giờ cũng bí hiểm. Chinatown bản tiếng Pháp mới chưa đầy 2 tháng tuổi. Thuận đang ở đâu và sẽ ở đâu? là câu hỏi chưa ai có thể trả lời. Nói chung, tôi không muốn mất thời gian cho các tưởng tượng vô ích.
 
* Chị có nghĩ rằng, bằng văn chương có thể thay đổi thân phận “di dân nhỏ bé” của mình?

- Ngay cả thời chưa cầm bút thì cá nhân tôi cũng không bao giờ chấp nhận “thân phận di dân bé nhỏ”. Một lúc hưởng hai nền văn hóa là cái mà tôi thấy không phải người phương Tây nào cũng có được. Từ ngày trở thành nhà văn, tôi lại càng cho đó là may mắn.
 
* Sau Chinatown và tiếp theo đây là T mất tích, chị có ý định chuyển ngữ tất cả những tác phẩm của mình qua tiếng Pháp không? Và, về lâu về dài thì những hình thức khác mà chị muốn làm cho tác phẩm của mình là gì?

- Tất cả còn là dự định, mà dự định thì khác kết quả nhiều lắm.

* Xin cảm ơn chị!
 
Yên Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm