Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Thoát khỏi sự thôi miên văn chương

03/08/2014 14:23 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Mọi thứ trên đời đều không chắc chắn, duy chỉ có điều chắc chắn là cái chết, vậy tại sao cứ phải băn khoăn” - Nguyễn Việt Hà đã tự sự như  thế, trong phần Vĩ thanh của tiểu thuyết mới nhất -  Ba ngôi của người do NXB Trẻ vừa phát hành.

Và cũng vì “sao phải băn khoăn” nên Nguyễn Việt Hà cũng không cần trả lời bất cứ tờ báo nào - như cách lựa chọn của anh nhiều năm nay.


Nhà văn Nguyễn Việt Hà và tác giả

Hào phóng khen tặng, mến mộ từ tâm

Nhà văn Nguyễn Việt Hà viết Ba ngôi của người trong vòng 7 năm. “Bảy năm là chính xác đấy. Kéo dài thế dĩ nhiên không phải chỉ có ngồi viết. Mà còn vướng bận bao hệ luỵ, bao gồm cả nhậu nhẹt…”.

Ngồi nhiều cùng nhau bàn tán đủ thứ trên trời dưới bể, nhà văn Nguyễn Việt Hà đôi khi cũng có bàn đến văn chương, mà chủ yếu là khen ngợi ai đó. Anh rất hào phóng lời khen tặng cùng sự mến mộ từ tâm. Tất nhiên, đó không phải là chủ đề thường xuyên nên bàn tán trong cuộc tụ nhậu tâm giao, nhà văn Nguyễn Việt Hà muốn dành thời gian để trở thành “thùng rác”, nơi trút hết những mệt mỏi căng thẳng của bạn hữu hơn. Thế nên, cứ tưởng nhà văn ầm ào nơi chốn đông người hay rộn ràng một cõi văn chương, thì kỳ thực ít ai tỏ cuộc đời thường ngày của anh. Hoặc không có gì để nói, hoặc nó rất giản dị như bao người chồng, ông bố khác: Nhậu – làm việc (viết) – vợ - con…

Với nhà văn Nguyễn Việt Hà, khó nói văn là người, vì anh đã thoát khỏi sự thôi miên trong văn chương, như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng viết: “Văn học có khả năng thôi miên. Thôi miên bạn đọc, nó còn thôi miên chính người viết. Những bi kịch đầy rẫy trong cuộc đời các nhà văn chứng minh điều ấy” (Con đường văn học). Văn có thể vận vào số mệnh của nhà văn, đặc biệt là đối với người tài năng. Nguyễn Việt Hà thì không, dù anh là nhà văn tài năng không chỉ giới văn chương mà còn được giới trí thức Việt Nam công nhận.


Bìa cuốn Ba ngôi của người

Về một Hà Nội không còn tinh tế

Cũng thuần lẽ đó, nên khi tiểu thuyết Ba ngôi của người phát hành, trước khi ở TP HCM, cho đến khi được chuyển ra Hà Nội, đã tạo ra cơn sốt kiếm tìm không hề nhẹ của những người yêu sách.

Tôi sẽ không nói cho các bạn biết cuốn sách có nội dung thế nào, bạn nên đọc và tự dìm mình vào từng trang sách, bước hẳn vào trong thế giới nội tâm được hoá hiện bởi phong phú tâm hồn nhà văn, mới có thể ngấm được chất men ở mỗi câu chữ.

Văn của nhà văn Nguyễn Việt Hà đọc dễ ngấm dễ say, đó là hương vị rượu quý được ủ lâu năm từ trải nghiệm sống sâu sát đời của nhà văn, nên dành riêng cho những ai đồng điệu. Mà suy cho cùng, nhà văn Nguyễn Việt Hà cũng không còn trẻ nữa, sinh năm 1962, thế là cũng đã ngoài ngũ tuần rồi.

Đọc Ba ngôi của người, đủ cho bạn hình dung về một Hà Nội của bảy năm gần đây, với ít nhiều biến đổi thô lỗ và nhộn nhạo đạo đức. Chẳng còn nét bàng bạc cổ kính thơ mộng hoài niệm của phong rêu hay nâu trầm ngói đổ, không còn sự dịu dàng đoan chính tinh tế nét người Hà Nội gốc xưa. Người bắt đầu chao chát, thực tế tiền tài địa vị danh lợi dục tình đếm đo, để cục cằn thô lỗ độc ác chà đạp phẩm giá lương tri dẫn tới sự suy hoại của từng góc đường con phố. Cái hồn không còn, cái xác chết đi. Hà Nội hiện lên trong Ba ngôi của người cục cằn thô lỗ bụi bẩn đến xót lòng.

“Thảo nào Hà Nội dạo này có cháo chửi phở quát. (…) Nhà nghỉ nhiều nhan nhản đã làm Hà Nội trở nên một con đĩ thập thành”. (T24, 25)

Trong Ba ngôi của người, nhà văn Nguyễn Việt Hà ưa dùng những câu ngắn. Từng câu thẳng thắn lạnh lùng sộc thẳng vào tinh thần người đọc mà khuấy đảo. Anh vừa bộc lộ cá tính cái nhìn của anh vào từng nhân vật, vừa chọn vị trí bóc tách đứng ngoài quan sát. Điểm nhìn thay đổi liên tục từ: nhân vật – nhà văn – người quan sát thầm lặng. Cũng vừa đủ kết cấu cho “ba ngôi của người”.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm