Nhà thơ Trương Nam Chi: Xin hãy 'đọc' thơ tôi bằng… tai

04/10/2014 16:07 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong khoảng 4 năm, cùng với 4 tập thơ riêng liên tiếp trình làng, đã có tới hơn 50 bài thơ của Trương Nam Chi được các nhạc sĩ chuyên nghiệp phổ nhạc, phối khí và ca sĩ thể hiện.

1. Cách đây vài năm, khi được mời giới thiệu cho tập thơ Quà tặng tình yêu của Trương Nam Chi, tôi đã viết đại ý: Để khắc phục tình trạng thờ ơ đến lạnh lùng của người đọc đối với các tập thơ hiện nay, một nữ tác giả trước khi ấn hành sách, đã vừa nghĩ ra một “chiêu độc” giúp tác phẩm của mình đến được với bạn đọc dễ dàng hơn: Phối hợp với các nghệ sĩ nổi tiếng và phòng thu Hồ Gươm Audio (Hà Nội), cùng lúc phát hành 4 CD thơ.

Vậy là trước khi tặng ai tập thơ được in trang trọng trên giấy trắng, chị đều tặng kèm cả CD với lời đề nghị: “Xin hãy nghe tác phẩm của tôi bằng tai rồi hãy đọc bằng mắt”.  

Hồi ấy, là thời điểm đầu năm 2011, với sự cộng tác của nhiều nghệ sĩ ưu tú: Tố Uyên, Vương Hà, Hồ Thanh Hương, Ngọc Phan, Thúy Hiền… và các nghệ sĩ: Tuấn Cường, Kim Liên, Hải Yến… cùng Hồ Gươm Audio, Trương Nam Chi đã lần lượt cho phát hành 4 CD thơ: Thơ tặng mẹ, Xin đừng hỏi, Giấc mơ tình yêu Duyên tiền kiếp...

Tiếp đó, Trương Nam Chi còn cho phát hành thêm 2 CD độc đáo: Người quê ở phố (hát xẩm, ca trù, chầu văn); và Em như áng mây (thơ phổ nhạc). Có lẽ, nhà thơ Trương Nam Chi muốn có cuộc thử thách với các tác phẩm của mình, để chinh phục độc giả bằng nhiều cách tiếp cận mới lạ? Chị đã khẳng định: Dù tôi có làm gì, thì tất cả cũng không ngoài mục đích là tôn vinh thơ!


Nhà thơ Trương Nam Chi nghe NSƯT Kim Sinh đàn và hát một bài vọng cổ của cha mình (cố soạn giả Trương Phú Xuân)

Thật hiếm có tác giả mới xuất hiện nào lại nhận được sự yêu mến đến nhiệt tình của các nghệ sĩ biểu diễn như với thơ của Trương Nam Chi. Chưa hết, thơ chị còn nhận được sự đồng cảm, chắp cánh của nhiều nhạc sĩ trên khắp mọi miền đất nước như: Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Thụy Kha,Trịnh Thùy Mỹ, Lê Hoài Phú, Lê Trung Tín, Trần Hữu Bích, Kiều Tấn Minh, Phan Khanh, Quang Hiển, Trần Xuân Lâm, Bùi Đức Thịnh, Nguyễn Hải Anh… Đặc biệt là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - người được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" đã chọn phổ hàng chục ca khúc từ thơ Trương Nam Chi. Các ca khúc Em như áng mây, Ly biệt, Còn gì cho em, Tự tình với Vũng Tàu (do Phan Huỳnh Điểu sáng tác nhạc) đã được Trương Nam Chi đưa vào CD cùng tên Em như áng mây...

Chỉ trong khoảng 4 năm, cùng với 4 tập thơ riêng liên tiếp trình làng: Quà tặng tình yêu (Nhà xuất bản CAND, 2011); Lạc Duyên (Nhà xuất bản Trẻ, 2012); Dốc thiêng (NXB Hội Nhà văn, 2013) và Nỗi buồn pha lê (NXB Hội Nhà văn, 2014)… đã có tới hơn 50 bài thơ của Trương Nam Chi được các nhạc sĩ chuyên nghiệp phổ nhạc, phối khí và ca sĩ thể hiện. Đó là chưa kể hàng chục bài ca vọng cổ, tân cổ của Trương Nam Chi đã được các ca sĩ và tài tử biểu diễn… Nhiều tác phẩm trong số đó cũng đã được dàn dựng và phát trên sóng của Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM.

2. Đã có người nghi ngờ về sự thành công “dễ dàng và nhanh chóng” của thơ Trương Nam Chi liên quan đến lĩnh vực nghệ sĩ biểu diễn: Hình như đã có sự “ưu ái” hoặc “nhầm lẫn” gì chăng? Thực tế, chị là “con nhà nòi”, có truyền thống về sáng tác văn nghệ, cha chị là soạn giả Trương Phú Xuân phụ trách “Mảng Liên Khu 5” của Đài Tiếng nói Việt Nam thời chiến tranh, với những lời ca bài chòi, ca vọng cổ… liên tục được phát trên sóng.

Một lần về Hà Nội dự Lễ hội Lục bát, Trương Nam Chi đã mời tôi cùng tới thăm NSƯT Kim Sinh, bạn đồng nghiệp với cha chị. Người nghệ sĩ tài hoa, bị mù từ bé, nhưng đã lừng danh một thời. Ông từng được mời biểu diễn nhiều nước trên thế giới. Và tiếng đàn điêu luyện của Kim Sinh từng làm mê hoặc hàng triệu thính giả trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và ác liệt.

Dù đã nghe điện thoại báo trước, nhưng khi nghe tự giới thiệu: “Bác ơi, con là Nam Chi, con gái của bố Trương Phú Xuân đây. Ba con đã mất mấy năm rồi”… Thì lão nghệ sĩ bỗng hu hu bật khóc nấc lên, khiến cho cả chủ nhà và khách không ai cầm được nước mắt. Biết Trương Nam Chi là nhà thơ, nghệ sĩ Kim Sinh bất ngờ đề nghị: “Trước đây, bác đàn phục vụ cho các tác phẩm vọng cổ của cha con. Bây giờ, bác muốn đem tiếng đàn ấy phục vụ cho các tác phẩm thơ của con. Nếu con có làm chương trình ngâm thơ thì hãy liên hệ với bác”.

Sau chuyến thăm viếng xúc động ấy, Trương Nam Chi chợt nảy ra ý tưởng sẽ mời toàn bộ dàn nghệ sĩ thời của cha mình công tác: Nghệ sĩ đàn Kim Sinh, cùng các nghệ sĩ Văn Hùng, Tuấn Dũng, Thanh Tùng… Đặc biệt là các ca sĩ Thúy Đạt, Trang Nhung… đến phòng thu và thực hiện một CD chuyên về hát xẩm, ca trù, chầu văn mang tên Người quê ở phố.

Khi được con gái cố soạn giả Trương Phú Xuân ngỏ lời, các nghệ sĩ nổi tiếng đều sốt sắng ủng hộ ngay. Lão nghệ sĩ mù Kim Sinh trước khi lên taxi nhất quyết phải yêu cầu người vợ chuẩn bị đầy đủ nhạc cụ. Ông mang theo 3 loại đàn khác nhau, để “cần thứ nào là có ngay”. Dường như các nghệ sĩ đều muốn cùng nhau sống lại một thời đáng nhớ, dù nay chỉ còn trong kỷ niệm và quá khứ. Dư âm của buổi biểu diễn đặc biệt ấy đã còn mãi với họ…

Khi mà những trang sách, tạp chí và báo giấy ngày càng hạn chế người đọc trẻ; thì mỗi tác giả, bằng khả năng của mình hãy tìm cách giúp cho thơ tiếp cận với công chúng dễ dàng hơn. Dù đó là diễn ngâm thơ, chuyển thể thơ sang các làn điệu dân ca, hay phổ nhạc cho thơ… thì tất cả đều không ngoài mục đích tôn vinh thơ!

Đặng Vương Hưng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm