Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, tác giả 'Làng quan họ': 'Nguyễn Trọng Tạo cũng khôn khéo lắm'

09/01/2019 20:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả bài thơ Làng quan họ kể về mối lương duyên của ông với nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong cảm xúc tiếc thương.

Tang lễ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từ 12h đến 13h30 Thứ Tư ngày 9/1

Tang lễ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từ 12h đến 13h30 Thứ Tư ngày 9/1

Tang lễ của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sẽ diễn ra từ 12h đến 13h30 Thứ tư, ngày 9/1/2019 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ tang nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa được tổ chức chiều nay, 9/1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Nhiều bạn bè thân hữu trong giới văn nghệ sĩ đã đến tiễn đưa người nghệ sĩ tài hoa này.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, tác giả bài thơ Làng Quan họ đã được nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành ca khúc Làng quan họ quê tôi nổi tiếng, chia sẻ với Thể thao và Văn hoá (TTXVN) ký ức về mối lương duyên với Nguyễn Trọng Tạo mà ông dùng từ "biết ơn". 

Từ những trang thơ...

"Tôi với anh Tạo quen biết khi cả hai còn trẻ lắm. Ấy là những năm 70, tôi làm biên tập thơ cho Báo Văn nghệ, còn anh Tạo thì đi lính trong miền Trung. Thỉnh thoảng, anh ra Hà Nội rồi đến toà soạn của tôi để gửi thơ đăng. Bản thân tôi là người tiếp nhận, rồi biên tập và cho in những bài thơ của anh trên báo Văn nghệ. Anh Tạo quý nể tôi, còn tôi cũng trọng cái tài của anh. Dần dần thân thiết từ đó", nhà thơ Nguyễn Phan Hách kể.

Về sau, được biết Nguyễn Trọng Tạo có tài phổ nhạc, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đặt đề nghị ông phổ cho bài thơ Làng Quan họ. Theo ông, bài thơ gắn với làn điệu quan họ Bắc Ninh nên dễ lay động tình cảm. 

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách (trái) chụp cùng nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

Mãi sau, nhà thơ Nguyễn Phan Hách mới biết lời đề nghị của mình ngày ấy có phần "nực cười". 

"Anh Tạo bảo tôi cứ làm như phổ nhạc là dễ lắm, nói là làm được. Tôi nghĩ anh nể tôi nên mới cầm về xem. Thế mà cũng vứt xó rồi mãi sau anh Tạo mới lôi ra viết nhạc. Mà viết thì chỉ khoảng độ 1 tiếng là xong rồi", nhà thơ Nguyễn Phan Hách nói.

Ông không giấu nổi vẻ xúc động: "Nhờ anh Tạo, nhờ nhạc của anh đã chắp cánh cho bài thơ của tôi bay bổng. Chứ không, nó cũng chìm trong ngàn vạn bài thơ khác...".

"Ông Tạo cũng khôn khéo lắm"

Thỉnh thoảng, nhà thơ Nguyễn Phan Hách lại cùng nhà thơ Vũ Từ Trang đến chơi ngôi nhà sàn bên bãi sông Hồng của Nguyễn Trọng Tạo. 

Ngôi nhà đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc hội hè, giao du của Nguyễn Trọng Tạo với bạn bè "đủ mọi giới". Nhưng trong khi nhạc sĩ Khúc hát sông quê nổi tiếng ưa uống rượu, bù khú thì Nguyễn Phan Hách lại "không động một giọt. Đây là lý do hai người không quá gần gũi, chỉ tiếp xúc trong công việc là nhiều.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách (ngoài cùng bên trái) trong một lần đến chơi nhà Nguyễn Trọng Tạo cùng nhà thơ Vũ Từ Trang

Trong khi nhiều người đã biết đến ngôi nhà sàn được xây trên mảnh đất đi mượn của Nguyễn Trọng Tạo, thì không mấy ai nhắc về "gia tài" ông cất giữ ở đây. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách cho biết, trong khu vườn bên nhà, Nguyễn Trọng Tạo có để rất nhiều tượng và phù điêu văn nghệ sĩ như một cách ông tôn vinh và trân trọng những giá trị văn hoá, nghệ thuật nước nhà.

Không chỉ nâng niu giá trị cũ, Nguyễn Trọng Tạo cũng dành nhiều chú trọng đến lớp nhà thơ trẻ. 

Trong quá trình phụ trách xuất bản của NXB Hội Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Hách nhiều lần được Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu nhà thơ mới, gửi bản thảo đến để in. Điển hình như tập thơ Khát của Vi Thuỳ Linh. 

"Hay như nhà thơ Văn Cầm Hải, thơ anh ấy đầu tiên tôi không hiểu. Chính ông Tạo đã ngồi giải thích từng câu một, từng bài một, rồi ý nghĩa tập thơ thế nào để thuyết phục tôi duyệt in. Anh Tạo luôn vậy, kiên trì bảo vệ, giúp đỡ những tài năng trẻ, hiện đại".

"Ông Tạo khôn khéo lắm đấy, nên nhiều người quý. Tài năng của ông phải nói là của hiếm, xuất phát điểm cũng bình thường thôi nhưng càng về sau càng phát tiết, sâu sắc và độc đáo", nhà thơ Nguyễn Phan Hách ca ngợi.

Đông Hà (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm