Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Người viết sách tình báo cũng… bí ẩn và cô đơn

09/08/2014 13:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Làm phim (tình báo) thì tôi không rõ, nhưng viết sách thì khổ lắm. Nhân vật đã bí ẩn, tài liệu mật mịt mù biết tìm nơi đâu, ai giúp, nhiều éo le ngóc nghách phải lần mò thẩm tra, liên kết nó lại, mình viết cũng “bí ẩn và cô đơn” theo họ - Nhà báo - nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải nổi tiếng với các sách chân dung tình báo chia sẻ quan điểm của mình về việc khai thác chủ đề này.

“Dạo cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn đầu tiên của tôi đưa ông ra với công luận (2002), có hãng phim yêu cầu tôi hợp tác làm phim, tôi từ chối ngay. Thứ nhất, làm phim không phải nghề tôi, thứ hai, tôi biết Việt Nam không thể làm được”, Nguyễn Thị Ngọc Hải bắt đầu câu chuyện trong bối cảnh một phim truyền hình về Phạm Xuân Ẩn đang khởi động.

* Thưa chị, khi tiếp xúc với các nhân vật tình báo, tìm kiếm sự thật có phải là điều khó khăn nhất không?

- Tìm kiếm sự thật là mục đích cao nhất, chi phối toàn bộ mục đích công việc. Còn với tôi, khó khăn nhất có nhiều lắm: Tìm ra nhân vật, phát hiện nhân vật ly kỳ, vẫn còn trong bóng tối, và thuyết phục sao cho họ chịu nói ra. Với tôi, sự thật lớn nhất không phải viết sử, mà là chân dung sống động của họ trong các biến cố. Tôi chuyên tâm viết chân dung con người thôi. Như để cho bạn đọc được trực tiếp nói chuyện và nghe họ kể. Những thứ mà khi họ mất đi, chả bảo tàng nào giữ được.


Nhà báo - nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Ảnh: Doan Chinh

* Có phải tất cả sự thật đều được phép thể hiện?

- Tất nhiên là không. (Tôi thì hy vọng là chưa). Nhân vật yêu cầu đừng nói chuyện này chuyện kia, rồi người viết tự chọn lọc bỏ bớt cái mà mình cho là không cần. Nhà xuất bản, cơ quan phụ trách thẩm định nữa chứ, họ còn biên tập và duyệt.

* Những nhân vật tình báo lên sách, lên phim đã khá tiêu biểu, hấp dẫn rồi, nhưng theo chị, đó có phải là các diện mạo bao quát của nghề này?

- Diện mạo “công thức” như hồi bé tôi nghĩ thế này: Lãng tử mặc áo va-rơi, đeo kính đen, mồm ngậm tẩu, bí ẩn và oai phong. Tôi là người cổ điển nên vẫn mê Ván bài lật ngửa, Ông cố vấn, 17 khoảnh khắc mùa Xuân, Hồ sơ thần chết…, và đặc biệt mê phim hành động Mỹ, dù biết không phải phim nào cũng hay.

Nay phim nước ngoài tràn ngập thì diện mạo linh hoạt hơn, nhưng dù có đuổi nhau trên nóc nhà hai tay hai súng thì cũng luôn comple, cà-vạt đàng hoàng, chạy ô tô đời mới phóng như điên. Họ đang được định hình bởi các nét lớn: mưu trí, dũng cảm, xuất sắc hơn người, dễ bị oan khuất bạc đãi. Nhưng tôi tin còn nhiều người lý thú đã chết, rồi vô danh, hoặc còn chìm khuất vì đời nhiều éo le ngang trái, chưa “lọt chuẩn” để được tôn vinh.

* Chị có nghĩ rằng cũng do phần lớn giới tình báo chỉ muốn lặng lẽ, “sống để bụng chết mang theo”?

- Theo ông Ẩn nói với tôi thì: “Nghề này đừng ai... đụng tới. Chỉ vụ nào đổ bể người ta mới viết, còn êm cho êm luôn. Thế giới cũng vậy”. Người tình báo giữ nhiều bí mật, đời họ chắc chắn nhiều cay đắng nên chẳng muốn moi nỗi đau ra làm gì. Như ông Ẩn thì lý do không muốn nói ra là ông giữ cho rất nhiều người liên quan. Kể cả khi họ chết rồi, vẫn phải giữ cho con cháu họ. Đó là vì lòng trung thành với con người, là thứ nhân văn ông được dạy rất kỹ từ 3 nền văn hóa đã tạo ra ông (Việt Nam, Pháp, Mỹ).

* Vậy những trường hợp nổi tiếng trên sách, trên phim vào cuối đời hoặc sau khi mất là do hoàn cảnh đưa đẩy, hay do bản thân họ cũng muốn được như vậy?

- Tôi nghĩ họ đều muốn nói ra những sự thật mình nắm giữ mà không ai biết, nếu nó cần cho  cuộc sống khỏi sai lạc, giúp ích gì đó, chứ ít ai vì danh tiếng cá nhân. Họ làm cái nghề chết trong cô độc như chơi thì chẳng còn dám nghĩ đến danh lợi xa vời. Không chết là may rồi. Nếu có vì cá nhân, thì phần nhiều họ muốn minh oan gì đó nếu có oan khuất cho con cháu đời sau đừng hiểu lầm.

* Từ quan điểm của chị, tại sao sách và phim về chủ đề tình báo vẫn còn khá ít ở Việt Nam?

- Chỉ ít hơn khi so sánh với thể loại khác, chứ cũng không ít đâu. Nhưng đề tài tình báo thì hóc búa lắm. Làm phim thì tôi không rõ, nhưng viết sách thì khổ lắm. Nhân vật đã bí ẩn, tài liệu mật mịt mù biết tìm nơi đâu, ai giúp, nhiều éo le ngóc nghách phải lần mò thẩm tra, liên kết nó lại, mình viết cũng “bí ẩn và cô đơn” theo họ. Mê thì viết thôi, chứ tính hiệu quả sách vở thì chả ai dại mà bỏ quá nhiều công sức mạo hiểm.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm