Nhà báo Lại Văn Sâm: Không muốn xem những “màn diễn” của người lớn

24/12/2011 10:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Gặp nhà báo Lại Văn Sâm không dễ, vì anh vẫn thường “trên từng cây số” trong những chuyến công tác trong và ngoài nước. Tình cờ, nhân sự trở lại của chương trình từng “đóng đinh” tên tuổi Lại Văn Sâm: SV 2012, anh đã có cuộc trò chuyện thẳng và thật…

10g sáng mai (25/12), sau 12 năm gián đoạn, SV 2012 sẽ chính thức lên sóng VTV3 với chương trình gala. Thật ngạc nhiên về sự hào hứng của nhà báo Lại Văn Sâm khi nói về một chương trình mà 50% được đo bằng độ “dí dỏm” của sinh viên. 



* Thưa anh, gần đây trong rất nhiều chương trình truyền hình, kết quả bị dư luận cho là có sự sắp đặt của nhà tổ chức. Vậy với SV 2012, có hay không sự can thiệp này?

- Tôi biết bạn đang nhắc tới chương trình nào. Mỗi chương trình có format riêng, thậm chí trong đó phân công giám khảo nào làm nhiệm vụ chuyên môn gì. Tuy nhiên, ở SV 2012 tôi khẳng định là không có sự can thiệp thô bạo đó. Cái tôi lo nhất là sự can thiệp của thầy cô. Trong cuộc gặp với các ban giám hiệu, tôi có trao đổi thẳng thắn với họ rằng, đừng bắt các em sinh viên làm thế này, thế kia. Tôi nói với các bạn sinh viên rằng, đây là sân chơi, quả bóng đã được đá vào chân các bạn thì các bạn hãy đá đi.

* Tôi thấy anh khá hào hứng khi nói về sự trở lại của chương trình này. Thực sự cảm giác của anh là…

- Tôi vẫn thấy tiếc vì không được làm MC. Thực ra, ban đầu, tôi xung phong làm MC. Nhưng đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng yêu cầu tôi làm giám khảo. Vai trò MC của chương trình cũng không như tôi làm trước kia, chỉ chủ yếu là kết nối trao đổi với đội tuyển, khi họ thi xong thì hỏi về cảm xúc của họ… Phần quan trọng của MC như trước kia là bình luận, nhận xét sẽ là phần việc của ban giám khảo.

* Sau SV 96, rồi SV 2000, có kỷ niệm nào khiến anh day dứt nhất?

- Khi tôi vào một trường thì đã thấy một ông đạo diễn ngồi lù lù ở đó. Xem xong phần dàn dựng của ông ấy, tôi mời ông ấy ra ngoài để trao đổi riêng với sinh viên. Tôi hỏi sinh viên rằng, các em vừa làm cái các em có thích không? Chúng nó bảo không, có đứa còn khóc. Tôi nói, tôi thấy thương các em quá, vì thực sự, các em như những con rối. Tại sao các em phải làm như thế. Các em có biết ông ấy là ai không? Tôi cũng không biết. Ông ấy có thể là một đạo diễn thất nghiệp, dựng vở không ai xem và giờ thì bắt sinh viên diễn. Tôi không xui, nhưng đề nghị các em không tham gia. Sau lần đó, chúng nó bỏ thật và tự dựng…

Nhưng điều khiến tôi bất lực thực sự là SV 2000 khi mà các trường vì màu cờ sắc áo bắt đầu thuê thầy, thuê thợ. Thậm chí, còn có thể nảy sinh tiêu cực. Có trường cho biết đầu tư mấy trăm triệu đồng, nhưng khi tôi hỏi sinh viên thì được biết có mấy chục triệu đồng. Tiền đầu tư có khi còn chạy lòng vòng…

Vì thế, năm nay, trong cuộc họp với các trường, tôi yêu cầu một điều duy nhất là ngoài việc ủng hộ tạo điều kiện, các thầy cô đừng can thiệp nội dung vì chúng tôi không muốn xem những “màn diễn” của người lớn. May là đến giờ tôi thấy vui vì đã thấy lại cảm giác của 16 năm trước, chứ không phải SV 2000 già nua, sinh viên làm là biết ngay, hồn nhiên, trong trẻo và thậm chí ngây ngô.

* Từng ngồi ở vị trí giám khảo và cả MC, với anh chiếc ghế nào “nóng”?

- Làm giám khảo bao giờ cũng khó, đơn giản vì giám khảo phải cho điểm.

* Tôi thì tôi cho rằng, vị trí MC cũng không kém phần “nóng”. Ngay tại LHP Quốc tế Hà Nội năm 2010, khi xảy ra sự cố dịch sai lời, anh cũng trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận?

- Tôi cứu cả LHP đấy (cười lớn). Không có chuyện của tôi, có khi dư luận lại chĩa mũi chỉ trích vào LHP cũng nên?

* Tại sao sau sự cố đó, anh hoàn toàn im lặng?

- Tôi sẽ nói gì đây? Tôi là MC. Tôi đang làm công việc của một MC, đơn giản đó là công việc phải hoàn thành. Tôi không được phép để xảy ra việc gì đó không hay. Trong một chương trình, MC phải chủ động. Ngô Mỹ Uyên không có khả năng truyền đạt. Trước đó hình như có sự cố gì đó nên cô ấy nói là không dám dịch. BTC cũng đã có phiên dịch, việc dịch là của người ta. Tôi đứng bên này thậm chí không nghe thấy gì. Nhìn sang thấy Ngô Ngạn Tổ ngơ ngác nhìn tôi chờ dịch. Tôi nhìn xuống khán phòng thấy khán giả cả khách Tây và khách ta im phăng phắc nên tôi đành phải “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”. Thực sự, lúc đó tôi có dịch đâu, tôi bịa ra để diễn viên khách mời thấy được tôn trọng… Ít phút sau, ra cánh gà, tôi có hỏi nhân viên của mình rằng phiên dịch đâu hết rồi, ngày mai thể nào người ta cũng xía vào tôi cho mà xem ...

* Anh có bị “sốc” sau “sự cố” đó?

- Không. Tôi quan niệm đó là chuyện bình thường. Tôi đang ở vị trí đó, thấy mình làm đúng. Nhớ lại lần đó cũng có nhiều ý kiến. Có người cho rằng, nếu không phải tôi thì còn… “ôi” nữa. Tôi không bực những người chê, họ chê đúng, vì tôi có dịch đâu, tôi bịa mà…

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hà Chi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm