Nghi ngờ về tính xác thực lăng mộ của Tào Tháo

02/01/2010 10:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tuần này, một nhóm khảo cổ ở tỉnh Hà Nam tuyên bố họ đã tìm thấy lăng mộ của Tào Tháo, nhà quân sự nổi tiếng trong thời Tam Quốc. Thế nhưng, nhiều học giả và chuyên gia đã nhanh chóng đặt ra câu hỏi về tính xác thực của kết luận này, gạt bỏ những chứng cứ không đáng tin cậy.

Cách đây vài năm, các công nhân địa phương đã tình cờ tìm thấy ngôi mộ khi họ đang đào đất để làm gạch. Nhưng họ không báo cáo phát hiện đó lên các nhà chức trách. Kể từ đó, ngôi mộ đã bị trộm đột nhập nhiều lần.

Không ai biết được chủ nhân của ngôi mộ cho đến khi các nhà chức trách thu giữ được nhiều phiến đá từ bọn trộm mộ. Các phiến đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương” - cách gọi Tào Tháo sau khi ông qua đời.

Tuy nhiên, nhiều học giả ở Bắc Kinh đang đặt câu hỏi về tính xác thực của các di vật này. Yuan Jixi, Hiệu phó Trường Đại học Renmin, nói: “Theo sử sách thì ngôi mộ thật được bảo vệ bằng 72 mộ giả, vậy chúng đâu?”.

Tào Tháo nổi tiếng với bản tính xảo quyệt và không tin bất cứ ai quanh mình. Trong thời kỳ nắm quyền, ông có rất nhiều kẻ thù. Sợ rằng ngôi mộ của mình sẽ bị quấy nhiễu, ông quyết định đặt nhiều bẫy. Đó chính là lý do tại sao hầu hết những người hoài nghi tranh cãi rằng nhà thống trị này không bao giờ để cho bất cứ ai định vị được ngôi mộ của ông chỉ đơn giản bằng việc đọc các dòng chữ khắc trên các phiến đá.

Tuy nhiên, nhà khảo cổ Liu Qingzhu, người đã nghiên cứu các di vật tìm thấy ở di chỉ lăng mộ này, đã gạt bỏ những nghi ngờ đó và nói: “Lịch sử do con người viết ra và do đó nó chắc chắn mang tính chủ quan. Song chúng tôi tìm thấy một thi hài được chôn hơn 100 năm sau đó ở An Dương. Các bản khắc trong mộ của người đó nói rằng ông được chôn gần ngôi mộ của Tào Tháo. Đây là minh chứng rõ ràng và chính xác hơn”.

Kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào các cuộc xét nghiệm ADN được lấy từ các bộ xương tìm thấy trong mộ và so sánh với hậu duệ của Tào Tháo ở quê hương ông.

Bảo Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm