Nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn: 6 cắt, 4 thêm, 8 điều chỉnh

25/03/2021 21:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chú trọng quản lý các hoạt động nghệ thuật diễn ra trên môi trường mạng, trực tuyến; hủy kết quả cuộc thi nếu không thu hồi được danh hiệu đối với các cuộc thi người đẹp; dừng hoạt động biểu diễn khi thấy có dấu hiệu vi phạm - là những điểm nhấn của Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được nhắc đến tại Hội nghị diễn ra sáng 25/3.

Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định về nghệ thuật biểu diễn vừa ban hành

Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định về nghệ thuật biểu diễn vừa ban hành

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chính thức có hiệu lực từ 1/2/2021 với những điểm mới.

Theo phân tích của ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) - Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có thể được gọi là "6 cắt, 4 thêm, 8 điều chỉnh". So với Nghị định 79, Nghị định 144 đã có những thay đổi đáng kể để trở nên thiết thực hơn khi đi vào đời sống. 

Theo đó, cắt giảm thủ tục hành chính từ 10 xuống 04. Cụ thể từ nay, các nội dung sau sẽ không còn cần đến giấy cấp phép: Người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; Cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu;  Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu; Phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình.

Chú thích ảnh
Thông báo tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu được thực hiện kể từ 1/2/2021

Ngoài ra, NĐ mới cũng "cắt" thẩm quyền của Cục NTBD (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiện chỉ còn TW: Bộ, địa phương: UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh).

Đồng thời cắt giảm quy định cấm theo hướng khung tại điều 3, không quy định quá chi tiết. (Từ 4 nhóm điều cấm với 9 nội dung chi tiết tại Điều 6 NĐ 79 giờ chỉ còn 4 nhóm điều cấm); Cắt quy định về hiệu lực thời gian của giấy phép (trước từ 06-12 tháng); Cắt quy định về số lượng các cuộc thi người đẹp trong nước (trước cấp TW không quá 2 lần/năm, cấp vùng không quá 03 lần/năm, cấp tỉnh không quá 01lần/ năm); Cắt quy định về phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.

Trong khi đó, 4 nội dung được bổ sung thêm, là: Thêm các quy định quản lý NTBD trên môi trường mạng; Thêm quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật (NĐ 79 chỉ quy định trách nhiệm); Thêm hình thức tiếp nhận hồ sơ qua trực tuyến; Thêm quy định hình thức dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Điều 17).

Chú thích ảnh
Một chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ảnh minh hoạ: TTXVN

8 nội dung được điều chỉnh, có thể liệt kê gồm: 

1. Điều chỉnh quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia gắn trực tiếp với nội dung biểu diễn nghệ thuật, còn các trách nhiệm khác đã có các pháp luật có liên quan điều chỉnh (từ Điều 4- Điều 7).

2. Điều chỉnh quy định về phân loại hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Từ đối tượng thực hiện sang tính chất phục vụ (nội bộ, không nội bộ, không trực tiếp).

3. Điều chỉnh hình thức văn bản: Từ cấp giấy phép sang cấp văn bản chấp thuận, văn bản xác nhận/ Từ mọi thay đổi so với giấy phép phải cấp phép lại, nay chỉ thay đổi nội dung mới chấp thuận lại, còn các thay đổi khác về thời gian, địa điểm chỉ cần gửi thông báo.

4. Điều chỉnh cơ quan tiếp nhận thông báo: Từ Sở VHTTDL, Sở VHTT sang UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

5. Điều chỉnh gắn với chính quyền địa phương: gửi thông báo, khi thay đổi không chỉ gửi cho cơ quan đã chấp thuận, còn gửi cho chính quyền địa phương.

6. Điều chỉnh quy định chặt chẽ hơn việc thu hồi danh hiệu, giai thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan (Điều 18).

7. Điều chỉnh quy định về thi người đẹp, người mẫu: từ quy định chi tiết tên gọi, số lượng cuộc thi, điều kiện với thí sinh tham dự cuộc thi trong nước, nay chỉ quy định điều kiện với cá nhân ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu (Điều 19).

8. Điều chỉnh biện pháp quản lý đối với bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc thay vì cấp phép phê duyệt nội dung nay nộp lưu chiểu.

Chú thích ảnh

Nghị định 144/2000/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (gồm 5 chương và 31 điều) được Thủ tướng kí duyệt vào ngày 14/12/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021 được cho là đã đơn giản hóa thủ tục trong việc cấp phép.

Theo đó, các cơ quan quản lý về hoạt động nghệ thuật biểu diễn từ cấp Sở, UBND tỉnh, huyện sẽ được quyền cấp phép cũng như chịu trách nhiệm của mình trước các quyết định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn diễn ra tại địa phương mình quản lý. 

Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch: không có văn bản hướng dẫn chi tiết đến từng địa phương và trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp, hoạt động biểu diễn tại các nơi trên cả nước (kể từ khi Nghị định có hiệu lực) chưa diễn ra nhiều nên nhiều địa phương còn đang trở nên "băn khoăn" trong một số nội dung.

Tại hội thảo, các địa phương cũng chia sẻ những bất cập mà mình gặp phải trong việc cấp phép các chương trình biểu diễn. Một trong số đó là hiện trạng "treo dê, bán chó" của các nhà tổ chức.

"Chương trình xin cấp phép thì có nghệ sĩ A,B nhưng gần đến lúc diễn thì lại báo hỏng xe, tắc đường khiến công chúng bức xúc, cảm giác bị "lừa" - đại diện Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Hà Giang cho hay.

Các địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình cũng quan tâm đến việc cấp phép chương trình ở một tỉnh nhưng diễn lại ở 10 tỉnh thì đến mỗi nơi, phải đi theo quy trình như thế nào để được biểu diễn, bao gồm: xin phép hay cấp phép ở đơn vị cơ sở nào, có thu phí, có thẩm định và mất thời gian thẩm định hay không? ai sẽ chịu trách nhiệm về cấp phép? Làm thế nào để các đơn vị có thẩm quyền không bị chồng chéo trong việc cấp phép? 

Vì vậy, các địa phương mong muốn có sự phân cấp mạnh để tháo gỡ cũng như triển khai hiệu quả Nghị định tại các nơi trong thời gian tới.

Thanh Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm