Nghệ sĩ đón Tết Kỷ Sửu: Miền Nam bận rộn, miền Bắc về quê

05/01/2009 11:42 GMT+7 | Văn hoá

Một năm có 3 ngày Tết nhưng với nhiều nghệ sĩ, Tết chỉ có một ngày là mùng 1 mà thôi. Cuộc sống càng hiện đại, họ lại càng có mong muốn được trở lại với cái Tết đầm ấm truyền thống.

Những nghệ sĩ không có Tết

Đàm Vĩnh Hưng
Ca sĩ Mỹ Lệ cho biết, năm nào gia đình chị cũng dành thời gian để về quê đón Tết với bố mẹ nhưng năm nay, do bận tổ chức liveshow vào ngày 20 âm lịch nên “mỹ nhân ngư” này đành “khất nợ”: “Ông bà ngoại ở Huế còn ông bà nội ở Quảng Bình nên mỗi lần về cũng khá tiện đường. Dù sống ở Sài Gòn lâu năm nhưng Mỹ Lệ rất thích được đón Tết ở quê vì người Sài Gòn không coi trọng ngày Tết lắm và trong 3 ngày Tết thường đóng cửa im ỉm chứ không như cách mà người Bắc đón tết đâu”.

Đêm giao thừa là không khí thiêng liêng nhất trong một năm và vào giờ đó, nhà nhà quần tụ để đón nhận thời khắc giao thời nhưng điều đó là quá “xa xỉ” với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Bao nhiêu năm nay, hầu như anh đều hưởng khoảnh khắc ấy ngoài đường. Về đến nhà là 2- 3 giờ sáng, cách mà anh đón Tết cũng không khác gì mọi ngày, đó là lăn ra ngủ và “bình minh” vào chiều ngày mùng 1 Tết. Lúc này, anh mới thực sự có một cái Tết đúng nghĩa nhưng chỉ kéo dài được vài tiếng đồng hồ sau đó lại đầy ắp các lịch biểu diễn.

Diễn viên, ca sĩ Quách An An cho biết, năm nay dù không bận cũng phải “cố” mà bận vì có nhiều khả năng cô đón Tết một mình. “Gia đình ở Mỹ nên bao năm nay, tôi chỉ đón Tết một mình, nếu không đi diễn nữa thì buồn lắm”, người đẹp tâm sự.

Vẫn ủng hộ cái Tết truyền thống

Ca sĩ Ngọc Khuê tự hào vì đến giờ, gia đình ông bà ngoại vẫn giữ được phong tục nấu bánh chưng ngày Tết. “Đây có lẽ là thời điểm rộn ràng nhất, háo hức nhất của gia đình tôi. Khuê vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác lúc nhỏ của mình, cũng hân hoan và chờ đón lúc gói bánh và thức thâu đêm cùng với người lớn để đợi bánh chín. Chính vì vậy mà bây giờ Khuê càng ý thức được rằng phải lưu giữ truyền thống đó để con cháu mình được hưởng cảm xúc đó”, ca sĩ Ngọc Khuê nói.

Nghệ sĩ Xuân Hinh cũng tâm sự: “Nghệ sĩ như con gà, cứ mở mắt ra là đi rồi. Thế nên 3 ngày Tết phải kiếm cái khoá mà tự khoá cái chuồng gà đó lại”. Tối 30 nào gia đình anh cũng có cái lệ là vợ chồng anh ngồi lại với nhau để “xưng tội” xem đã làm được cái gì, chưa làm được gì để sang năm rút kinh nghiệm. Và đã hứa là phải làm chứ không thể “rút ra” rồi lại “rút về” được. Sau đó, khoảng mùng 2 hoặc mùng 3 là cả nhà lại rồng rắn kéo nhau về quê ăn Tết.
Ca sĩ Ngọc Khuê, nghệ sĩ Xuân Hinh, vợ chồng Hiệp "gà"
Năm nay, với nghệ sĩ hài Đức Hiệp (Hiệp “gà”) sẽ là năm có nhiều niềm vui và ý nghĩa hơn. Năm ngoái ăn Tết trong trại giam, không lúc nào Hiệp “gà” thôi quắt quay về cái Tết bên cạnh những người thân yêu của mình ở Hưng Yên: “Mọi người cứ bảo tôi năm nay phải sắm một cái Tết thật to để bù đắp lại cho vợ con, bố mẹ những ngày tháng đau buồn, mỏi mòn chờ ngày tôi ra trại. Nhưng sự bù đắp của tôi chủ yếu về tinh thần là chính.

Tôi thích đón Tết ở quê bởi ở đó, Tết mới thực sự đúng nghĩa. Nhà nhà đều đỏ lửa nấu bánh chưng, trẻ con râm ran khắp xóm, nhìn mà thấy tâm hồn mình cũng trẻ lại như thủa lên năm lên ba. Rồi con gà cũng tự tay mình làm lấy, đến bông hoa có khi cũng hái ở trong vườn. Dân dã mà ý nghĩa”.


Dù hình thức đón Tết có khác nhau, nhưng trong mỗi gia đình các nghệ sĩ, những nghi thức và những lễ vật ngày tết như: bánh chưng, hoa, quất, đi lễ chùa... đều không thể thiếu. Và quan trọng là, trong ý thức của họ, cuộc sống càng hiện đại thì họ lại càng mong một cái Tết sum họp, đậm đà bản sắc truyền thống.
 
Theo GĐ&XH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm