Nghệ nhân ưu tú thêu áo Kimono xuất khẩu sang Nhật Bản

07/05/2015 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nổi tiếng với nghề thêu tay truyền thống ở thành phố Huế, Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Kinh còn được biết đến như một chuyên gia thêu áo Kimono xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện nhóm thợ thêu có tay nghề khá do ông truyền dạy ở thành phố Huế cung ứng cho hãng Okuyama (hãng thêu áo Kimono) ở Cố đô Kyoto, Nhật Bản trên 2.000 sản phẩm/năm.

Theo nghệ nhân Lê Văn Kinh, không phải người thợ nào cũng thêu được trên nền áo Kimono mà phải là những thợ có tay nghề cao, bởi kỹ thuật thêu này đòi hỏi sự tinh tế và kỹ thuật cao. Đây là kỹ thuật thêu kép, từng đường kim mũi chỉ phải ngắn lại, cách pha màu tinh tế từ trắng qua xám, từ xám qua trắng pha lẫn vào nhau nên đòi hỏi tốn công sức và thời gian, kỹ thuật phải rất thuần thục. Một chiếc áo Kimono thêu với kỹ thuật kép phải mất gần 1 tháng mới hoàn thiện. Bù lại, giá thành của một chiếc áo Kimono được thêu bằng công sức thủ công của những nghệ nhân thêu xứ Huế được xuất khẩu sang Nhật bán với giá trên 50.000 USD.


Nghệ nhân Lê Văn Kinh chọn chỉ thêu cho mẫu áo Kimono

Điều trùng hợp khá thú vị là có khoảng 20 sản phẩm áo Kimono và 8 chiếc đai Obi quốc phục Nhật Bản do Công ty Sheui - Nhật Bản trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VI-2015 là do nghệ nhân Lê Văn Kinh và các cộng sự của mình ở Huế thực hiện. Ông Ida Atsushi, Giám đốc Công ty Sheui - Nhật Bản cho biết: Nhận lời mời tham gia triển lãm thành tựu hàng thủ công truyền thống Huế - Nhật Bản, các mẫu trưng bày đều được thực hiện theo mẫu hoa văn truyền thống Kimono, không khác gì mẫu hàng mang từ Nhật Bản sang nên chúng tôi đã chọn các mẫu hàng này để trưng bày tại đây.

Danh tiếng và uy tín của nghệ nhân Lê Văn Kinh ở thành phố Huế hầu như ai cũng biết, bởi sự cần mẫn và quyết tâm làm bằng được điều mình mong muốn với nghề. Ông kể: Năm 2000, trong một lần tiếp ông Jeff Bo Bollinger - một vị khách đến từ Cộng hòa Liên bang Đức đã đưa ra lời đề nghị "ông hãy dành cho tôi một đặc ân mang tính văn hoá thuần Việt Nam trước khi tôi về nước". Vậy là bức "Cáo tật thị chúng" với nội dung: "Xuân đi, trăm hoa rụng/ Xuân đến, trăm hoa cười/ Trước mắt, việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/ Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai" (theo bản dịch của Tản Đà) được ra đời từ đó.


Chọn mẫu áo Kimono cho thợ thêu

Đến bây giờ, bài thơ được thêu trên chất liệu lụa tơ tằm đạt kỷ lục với 14 thứ tiếng như: Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Phật giáo khác trên thế giới. Nhiều bức thêu trong số này được du khách đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản... đặt mua với số lượng lớn. Bộ tranh thêu cũng đã tham gia và được giới thiệu tại nhiều cuộc triển lãm ở trong và ngoài nước.

Không biết có bao nhiêu bức thêu đã qua tay ông về những thắng cảnh của Huế như cảnh sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ... với mong muốn giới thiệu cảnh đẹp của xứ Huế đến mọi người, trong đó có những bức thêu ông xem như báu vật của đời mình. Chẳng hạn, có hai bức tranh thêu tác phẩm "Tẩu lộ" (Đi đường) - trong tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khổ 59cm x 94cm được treo trang trọng trong cửa hiệu thêu Đức Thành của ông ở 82, đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế. Ông cho biết, các bức tranh thêu này dựa vào bản dịch của Nam Trân. Một bức được thực hiện theo lối chữ viết quốc ngữ và phần phiên âm. Bức thứ hai được thực hiện bằng lối viết thư pháp chữ Hán. Cả hai bức thêu này được thể hiện trên nền gấm màu trắng ngà, dệt bằng bảy màu chỉ khác nhau hay còn gọi là gấm thất thể, tất cả đều được gửi mua từ Thượng Hải (Trung Quốc). Đối với ông, đây là những báu vật của cuộc đời mình, bởi đó còn là cả tấm lòng của người thợ thủ công Huế đối với Bác Hồ kính yêu.


Ông Lê Văn Kinh với đối tác người Nhật trong việc thêu áo Kimono xuất khẩu

Năm nay, nghệ nhân Lê Văn Kinh gần 90 tuổi, với hơn 70 năm sống bằng nghề thêu. Suốt quãng thời gian ấy, ông đã kèm cặp, truyền dạy cho hơn 100.000 người làm nghề thêu. Nhiều người trong số đó, bây giờ trở thành thợ lành nghề, tài hoa của thành phố Huế và nhiều địa phương khác trong vùng. Năm 2003, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Mười năm sau, năm 2013, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.


Tác phẩm “Tẩu Lộ” và “Đi đường” của nghệ nhân Lê Văn Kinh

Quốc Việt - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm