Ngắm 30 tuyệt tác nhiếp ảnh của Phước 'khùng'

17/12/2014 09:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lúc 17h30 ngày mai 17/12, nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK triển lãm 30 tác phẩm chọn lọc từ hàng bức hình ông đã chụp. Triển lãm mang tên 30/30 nhằm kỷ niệm 30 năm MPK cầm máy.

MPK tên trong chứng minh thư là Nguyễn Văn Phước, sinh năm 1957 tại Đà Lạt, cha của ông là ngự lâm quân của vua Bảo Đại. Nghệ danh MPK viết tắt từ tên thánh: Michel, tên khai sinh: Phước, và “ngoại hiệu” do bạn bè đặt: Khùng. Nói đến MPK “Phước Khùng”, giới mê ảnh nghệ thuật nhớ đến các bộ ảnh của ông, như: Hoa dại, Đà Lạt mơ, Mắt côn trùng, Tiến trình tâm thức, Mưa & trăng, Nhụy, Sương & nắng, Nhiêu Lộc, Mầm, Café... Cả đời “Phước Khùng” gắn với Đà Lạt, ông ít khi rời khỏi Đà Lạt lâu ngày.

Năm 1984, lần đầu “Phước Khùng” mua được máy ảnh, nên năm 2014 này đúng 30 năm ông cầm máy. Trong buổi gặp mặt báo chí tại TP.HCM hôm nay (16/12), MPK đã giới thiệu gần như các dòng máy ảnh mà ông từng dùng. Chiếc máy hình kỹ thuật số mới nhất “Phước Khùng” đang dùng không phải mua mà được người mến mộ... tặng.



Chụp hàng ngàn bức ảnh, nên việc lựa chọn 30 tác phẩm cho triển lãm lần này rất... khó khăn. Tuy nhiên, chính sự khó khăn đó đã cho ra điều độc đáo vì 30 tác phẩm này là “hàng độc”, ưng ý nhất trong 30 năm qua của “Phước Khùng”. Tác phẩm của MPK được đưa vào giáo trình của vài khoa chuyên về nhiếp ảnh trên thế giới, ví dụ Đại học Columbia, Hoa Kỳ.

Làm nghệ sĩ “giang hồ”, nên “Phước Khùng” lập gia đình rất muộn nhưng hiện giờ ông sống một mình. MPK quan niệm “không ràng buộc” và “vợ chồng là đồng tu, tu với nhau”, nên khi “dứt duyên” là “tôi cần sự đơn độc, để làm cho tôi, cho mọi người”. Hiện “Phước Khùng” lang thang một mình giữa núi đồi Đà Lạt. Nếu tình cờ gặp MPK đang săn ảnh trong rừng thông sương mù Đà Lạt, người mới gặp dễ tưởng ông là người rừng. Có lẽ vì vậy nên Phước “chết tên” với “ngoại hiệu”: Khùng!

Triển lãm diễn ra tại Chiêu - Café Sách, 214/19/37 Nguyễn Văn Nguyễn, ngay chân cầu Kiệu, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM (dọc bờ kênh đường Hoàng Sa) và kết thúc vào 21/12.

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu chân dung và một số tác phẩm độc đáo của “Phước Khùng” sau khi được sự đồng ý của người đàn ông “khùng” chưa bao giờ bán tác phẩm của mình:


Đón nắng

Hạnh phúc

Khát

Luân vũ

Mầm

Phố cổ

Sinh trụ diệt

Tình về-tình trao-tình say-tình mộng

Trái cấm

Tuồng

Ứa

Xuân thu hiệp thể

Yêu



Tịch liêu

Mưa ngọc

Thằng tôi

Khát vọng (tác phẩm đầu tay)
Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm