'Nét cũ dấu xưa': Một tấm vé - một hành trình mấy ngàn năm

04/12/2018 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyên đề cổ vật Nét cũ dấu xưa diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trong 4 tháng (từ 28/11/2018 đến 31/3/2109) giới thiệu 130 hiện vật quý hiếm của 27 nhà sưu tập và của chính bảo tàng này. Đây là cơ hội hiếm hoi, mà chỉ cần một tấm vé 30 ngàn đồng là người ta có thể đi khắp triển lãm và cả bảo tàng để chiêm ngưỡng lại hàng trăm hiện vật trải dài mấy ngàn năm.

Tiếp nhận 18 cổ vật Việt Nam hồi hương từ Đức 

Tiếp nhận 18 cổ vật Việt Nam hồi hương từ Đức 

Chiều 9/8, tại Hà Nội, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã ban giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia 18 cổ vật Việt Nam ở một số thời kỳ văn hóa khác nhau.

1. Chuyên đề này cũng là hoạt động hướng đến kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Cổ vật TP.HCM. Ra đời ngày 17/1/2010, sau hơn 4 năm sinh hoạt dưới hình thức CLB Cổ vật Nam bộ. Lúc ấy chỉ có 55 hội viên, hiện nay đã 96, tăng gần gấp đôi, vẫn do nhà sưu tập Nguyễn Văn Quỳnh làm Chủ tịch.

Tại không gian của Nét cũ dấu xưa, chúng ta sẽ thấy đa số đồ gốm sứ, đồng, gỗ, pháp lam, kim loại quý... được chế tác tinh xảo, thẩm mỹ cao tại Việt Nam. Đó là mũi giáo, cái qua bằng đồng, có niên đại cách đây khoảng 2.000 đến 2.500 năm, thuộc văn hóa Đồng Nai. Đó là những chiếc bình từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 3; bộ linga-yoni thế kỷ 10-11; cái dao quý của cung đình Chămpa cổ thế kỷ 17; hoặc các ấn triện từ thế kỷ 14 đến 19... Những ấn chương (dấu, triện) như Doanh trung thừa vệ đô úy, Bình Thuận lãnh binh quan phòng, Thiên trường phủ ấn… thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Chú thích ảnh
Dao găm của Chămpa thế kỷ 17

Về gốm sứ, tuy cũng là những đại diện quen thuộc của Nam bộ, từ gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu, vẫn chủ yếu là đồ trang trí, sinh hoạt, đồ dùng gia đình, nhưng độ hoàn chỉnh, vẻ đẹp thì rất khó gặp. Mảng này sức mạnh sưu tập thuộc về tư nhân, nhờ tự do lùng kiếm và trao đổi, nên họ có được các hiện vật đẹp, hoàn chỉnh. Riêng gốm Cây Mai còn mang đến những sản phẩm thờ cúng và trang trí đình đài miếu mạo, rất đặc trưng, có giá trị tạo hình riêng biệt.

Khác với sự hào nhoáng, bí ẩn, đôi khi thêu dệt quá lố của thị trường cổ vật, triển lãm này là “có sao nói dzậy người ơi”, nơi mà các giá trị chân thật và chân bản được hướng đến. Về số lượng, so với gần 200 cổ vật mà Hội cổ vật TP.HCM trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM hồi 2012, thì lần này ít hơn. Nhưng về phẩm chất, độ quý hiếm và tính thẩm mỹ, nhìn chung lần này khá chuẩn mực. Ví dụ độ hoàn chỉnh của chiếc qua đồng cách đây khoảng 2.500 năm, hoặc chiếc dao găm nạm vàng thế kỷ 17 của người Chăm là những hiện vật rất quý hiếm.

Chú thích ảnh
Các ấn chương từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19

Trong 4 tháng tới, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng chuẩn bị cho những trưng bày chuyên đề đặc biệt về thời Ngô – Đinh - Tiền Lê (938 - 1009), về thời Lý (1009 - 1225)… Bảo tàng này cũng có hiện vật quốc gia và tương đương, sẽ giúp việc mua vé vào xem thêm sự hấp dẫn, xứng đáng với công sức bỏ ra.

2. Tuy được thành lập theo quyết định của UBND TP.HCM, nhưng Hội Cổ vật TP.HCM khác với đa số hội nghề nghiệp khác tại TP.HCM về xuất thân, về cơ chế hoạt động. Nói nôm na, đây là một tổ chức tư nhân, hoạt động theo tinh thần tự giác tự nguyện, sau đó được nhà nước công nhận.

Chú thích ảnh
Các qua bằng đồng, niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm

“So với cả nước thì Hội cổ vật TP.HCM ra đời hơi muộn, thế nhưng hôm nay thành lập được là thì niềm vui của tất cả các anh em. Họ đã có một sân chơi hợp pháp, từ đó tiếng nói của họ có trọng lượng hơn, có trách nhiệm hơn”, ông Nguyễn Văn Quỳnh từng chia sẻ như vậy khi hội mới ra đời.

Trong gần 10 năm qua, sức tác động của Hội Cổ vật TP.HCM với thị trường cổ vật tuy không rầm rộ, nhưng có dấu ấn cụ thể. Tổ chức này không chỉ giúp định vị lại các chất lượng, nguồn gốc của hiện vật, mà còn bắc nhịp cầu thông hiểu giữa bảo tàng và giới sưu tập. Do chỉ có trưng bày, nghiên cứu là chủ yếu, nhiều khi các bảo tàng bất cận nhân tình, nên không cập nhật được giá trị và giá cả của hiện vật. Nên trưng bày hơi lộn xộn, đồ đắt tiền xếp chung đồ ít tiền, thành ra có tác dụng ngược với người có hiểu biết về thị trường.

Nhưng cũng chính các nhịp cầu này - như triển lãm Nét cũ dấu xưa chẳng hạn - đã giúp các nhà sưu tập tư nhân hiểu hơn về công việc của giới nghiên cứu lịch sử, hàn lâm, bảo tàng. Bởi giá trị của một cổ vật không chỉ là ở giá cả cao, mà còn ở việc nó giữ nhiều móc xích về thông tin, tín hiệu văn hoá, lịch sử.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm