Năm Mùi nói chuyện dê: Một biểu tượng đối nghịch

19/02/2015 06:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Con dê trong văn hóa phương Đông lẫn phương Tây đều là biểu tượng của tính dục - một mặt nó là biểu hiện của sức sống, sự trường tồn của giống loài, mặt khác nó cũng bị gán với dục vọng tầm thường…

Văn hóa phương Tây có hai nguồn mạch chính kể từ lịch sử thành văn khoảng 5.000 năm nay: đó là tín ngưỡng tâm linh độc thần giáo của Do Thái và triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật… của Hy Lạp cổ đại. Trong cả hai truyền thống này, con dê đều có địa vị trung tâm, tuy hình ảnh, biểu tượng, ý nghĩa của nó hoàn toàn đối nghịch nhau…

Dê và cừu được thuần hóa tại Tây Á từ khoảng 10 ngàn năm nay, trước cả các loài ngựa và loài mèo, chỉ sau loài chó. Theo thống kê, ngày nay có gần 1 tỷ con dê và hơn 1 tỷ con cừu được nuôi. Dê và cừu thường được kể chung với nhau vì chúng được phân loại theo khoa học cùng trong một bộ là guốc chẵn.

Từ biểu tượng gánh tội lỗi

Người Do Thái sống ở vùng đất khô cằn Tây Á, trên bờ Địa Trung Hải, nơi hội ngộ giữa ba châu lục: Á, Âu, Phi. Người Do Thái xưa căn bản là giống dân du mục, dân số ít, ngày nay cũng rất ít (chỉ khoảng 20 triệu trên toàn thế giới), nhưng có ảnh hưởng cực kỳ vĩ đại lên lịch sử nhân loại: họ sáng lập ra độc thần giáo. Tức chỉ tin vào một vị Thượng đế (Jehova), chống lại tất cả mọi sự thờ lạy các thần linh khác, mà họ coi là mê tín.


Thần dê Pan là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật Tây phương đến tận ngày nay

Tổ phụ của tất cả những người Do Thái là Abraham (khoảng 4.000 năm trước đây) đã chứng tỏ niềm tin của mình bằng cách vâng lời Thượng đế và chấp nhận việc tự tay hạ sát đứa con trai của mình tên là Isaac để làm vật hiến tế. Tuy nhiên, ngay lúc ông cầm dao định giết đứa con với tất cả lòng chân thành thì Thượng đế chứng nhận cho ông và thay vật hiến tế bằng một con dê. Vì vậy, người ta gọi đó là con dê tế thần. Câu chuyện này được kể lại trong cuốn sách đầu tiên của Thánh kinh Do Thái là Sáng thế ký, chương 22. Sau đó người Do Thái thiết lập một tập tục được ghi lại trong sách Luật lệ, cuốn thứ ba trong bộ Kinh thánh: Lấy một con dê để gánh hết tội lỗi của cộng đồng rồi đuổi nó vào hoang mạc.

Khoảng 2.000 năm nay có sự phân biệt đối xử triệt để mang tính kỳ thị giữa cừu và dê trong tâm lý của dân chúng, nhất là ở phương Tây. Xuất phát điểm là từ cuốn sách đầu tiên trong bốn cuốn sách của các môn đệ viết về Chúa Jesus. Trong cuốn Phúc âm theo Matheus, có dụ ngôn cuối cùng trong chuỗi những dụ ngôn giảng cho các đệ tử và dân chúng, nói về ngày phán xét cuối cùng đối với các sắc dân tượng trưng bằng hai loài cừu và dê. Cừu ở đây được gọi bằng một danh xưng đặc biệt là chiên. Chiên là con cừu non dưới một tuổi chủ yếu còn bú sữa mẹ.

Các tổ phụ, tiên tri, thủ lãnh xưa của người Do Thái nguyên gốc đều là những người chăn nuôi dê, cừu. Sự khác biệt căn bản nhất giữa dê và cừu về mặt tập tính là ở chỗ dê tò mò, có tính độc lập, và tự mưu sinh thoát hiểm một cách tự chủ hơn; còn cừu thì ngoan ngoãn, chịu sống theo bầy đoàn và lệ thuộc vào người chăn dắt nhiều hơn.

Về mặt sinh lý cừu hầu như không có mùi, còn dê, nhất là dê đực và trong mùa động dục thường tiết ra một mùi đặc thù rất mạnh. Vì vậy trong biểu tượng, con dê được tượng trưng cho cường lực tính dục và thường được liên kết với những nghi thức thờ phượng về phồn thực. Còn con cừu được tượng trưng cho sự hiền hòa, rụt rè, thụ động, không giao tranh, không tấn công. Tính chất này cũng được thông giải như là những biểu lộ về sự hồn nhiên ngây thơ, sự đơn sơ và thương yêu quyến luyến, do đó cũng bao gồm luôn cả sự sẵn sàng hy sinh.


Tác phẩm Dê xanh, sơn dầu trên bố, 130 x 130 cm, 2014, họa sĩ Trần Thế Vĩnh vẽ kết hợp từ cảm hứng về Thần dê Pan và tự họa để chào đón năm Ất Mùi 2015

Đến biểu tượng của dục tính

Sự thờ phượng việc sinh sôi phồn thực của tự nhiên đã được huyền thoại Hy Lạp cổ đại tượng trưng bằng Thần Pan. Tiếng Hy Lạp “pan” có nghĩa là “tất cả”, tức toàn cõi tự nhiên trong vũ trụ.

Quy luật của xã hội học là khi một tông giáo mới ra đời thì phải tìm cách loại trừ thần linh của tông giáo đi trước hay có sẵn. Vì vậy hình ảnh con dê đực với sinh lý mạnh mẽ được gán cho Satan (nguyên gốc tiếng Do Thái cổ có nghĩa là “đối thủ”, tức là lãnh đạo các thiên thần chống đối với Thượng đế). Trong đạo Do Thái không có khái niệm mở nào về hình tượng của quỷ sứ, trong lúc đó Ki-tô giáo, và 7 thế kỷ sau là đạo Islam (thường bị gọi theo cách của Trung Quốc là Hồi giáo) đều xây dựng hình tượng ác quỷ từ một thiên thần sa ngã đi xúi giục loài người và chính bản thân phạm vào điều ác.

Dê được coi như là biểu tượng của dục tính là vì:

Dấu hiệu phát dục trong con người ở phái nam là sự phát triển của cơ quan sinh dục và bộ râu, ở phái nữ là kinh nguyệt và sự phát triển của bộ ngực. Ở loài dê những dấu hiệu này rất đặc trưng: bộ râu dê hiện rất rõ trên khuôn mặt và giống người ta đến độ những kẻ có bộ râu màu hung và hơi quặp vào bị gọi là râu dê. Đuôi dê rất ngắn và dựng đứng chứ không cụp xuống như các loài voi, trâu, bò, và cừu… Cơ quan sinh dục của dê đực lồ lộ chứ không khuất lấp, cho nên thứ trái cà lớn màu tím được gọi là cà dái dê. Cùng với trâu bò, dê cho loài người thứ thực phẩm quý báu và phong phú là sữa. Sữa dê đậm đặc và còn nhiều chất bổ dưỡng hơn là sữa của trâu bò. Chính vì vậy loại sữa dê khô, đóng thành khối rắn chắc và để được lâu ngày là thứ phô-ma được đánh giá cao nhất. Trong sử thi Ôdixe của Homes có nói đến những người khổng lồ một mắt là Cyclops có làm và trữ phô-ma từ sữa của dê cừu.

Đàn dê nuôi chủ yếu để lấy sữa. Dê đực vô tích sự về việc này nên chỉ nuôi để lấy thịt. Bằng kinh nghiệm người ta thấy những con dê đực bị thiến chóng mập mạp hơn, cho nên đa số bị dùng làm vật hiến tế cho thần linh, đồng thời là thực phẩm cho con người. Do sự tuyển trạch nhân tạo này, những con dê đực khỏe mạnh nhất được giữ lại để gây giống và vì vậy trong cả một đàn toàn dê cái chỉ để lại vài dê đực; qua nhiều ngàn năm, dê đực ngày càng phát triển về giới tính cho nên có truyền thuyết về sự cường thịnh sinh lý của giống này. Dê đực có thể động dục quanh năm.

Kể từ 12 ngàn năm trước khi loài người làm cuộc cách mạng lớn là định cư, phát triển nông nghiệp, thuần hóa các loài gia súc thì dân số tăng lên cực đại, nên tất cả trông nhờ vào sự trồng trọt và chăn nuôi. Tín ngưỡng phồn thực ra đời do nhu cầu tất yếu lúc đó. Phồn là đông đúc, như phồn thịnh, phồn vinh, phồn hoa, thực là sinh sôi, nảy nở.

Phong tục thờ phượng các cơ quan sinh dục (còn gọi là sinh thực khí, tức là bộ phận để làm nòi giống sinh sôi nảy nở) chính là loài người tôn thờ sự sống trong cõi tự nhiên. Thờ các linh vật của giống cái và giống đực có thể thấy ở hầu hết các tộc người cổ đại. Đây là sự linh thiêng nhất, huyền bí nhất trong vũ trụ.

Khoa học cho tới ngày nay vẫn chưa có cách nào sáng tạo được sự sống trong phòng thí nghiệm và các cuộc thăm dò trong Hệ Mặt trời và trong vật lý thiên văn cho đến nay vẫn chưa tìm được sự sống ở một nơi nào khác ngoài Trái đất. Tuy theo luận lý khoa học và xác suất thống kê thì vũ trụ có đến nhiều tỷ cõi có thể có điều kiện tự nhiên về lý hóa để có thể phát triển đời sống.

Những tín ngưỡng phồn thực vốn chỉ là sự mở rộng niềm tin yêu sự sống vào cả giới thảo mộc và giới động vật. Những lễ hội mùa Xuân và mùa Thu trai gái giao duyên hát hò, làm tình (thậm chí còn có cả nghi thức làm tình trên đồng ruộng để giục giã và cầu mong cho cây lúa sinh sôi, nảy nở), hàm ý nhân bản, là mẫu số chung cho muôn loài.

Mãi đến thập niên 1970, khi xăng dầu được biết là sẽ cạn kiệt, khi sự sản xuất công nghệ và sự phát triển kinh tế được biết là có giới hạn, loài người biết được phải gìn giữ, có trách nhiệm với Trái đất, với khung cảnh sống của mình và phải bảo vệ môi trường sinh thái để trao gửi lại cho con cháu muôn đời sau. Khoa sinh thái học lúc đó mới ra đời và Trái đất được gọi là Gaia - vị nữ thần cai quản đất đai trong huyền thoại Hy Lạp cổ đại - tức Địa mẫu, là một sinh thể. Vậy những tín ngưỡng phồn thực và sự kính thờ sinh lý không phải là những điều mê tín mà chính là sự minh triết tổ tiên đã để lại cho chúng ta. Và mỗi mùa Xuân khi đất trời đổi mới, khi vạn vật sinh sôi nảy nở là một dịp để chúng ta ôn lại bài học khôn ngoan đó.

Tín ngưỡng phồn thực và sự kính thờ sinh lý không phải là những điều mê tín mà chính là sự minh triết tổ tiên đã để lại.

Nguyễn Tiến Văn (nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm