'Me Tư Hồng': Đa diện và quyến rũ

15/10/2014 11:58 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Khêu gợi, thông minh, là me Tây, từ nghèo khó vươn đến sang giàu, từng phá thành Hà Nội, rồi bị đánh chết bí ẩn - cô Tư Hồng là một trong những nhân vật lịch sử hấp dẫn của thủ đô cách đây gần 150 năm.

Nhân vật kỳ nữ có thật được đưa vào văn chương hư cấu qua tiểu thuyết mới xuất bản Me Tư Hồng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả từng đoạt giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao & Văn hóa.

Sách vừa ra mắt trong tọa đàm Hà Nội trong dòng chảy lịch sử, nhân Hội sách Mùa Thu ở Bảo tàng Phụ nữ, Hà Nội.

Phúc cao, họa lớn

“Vì là tác phẩm văn học nên tôi không thể không thêm bớt, hư cấu để cuốn sách có hình dáng “tiểu thuyết chân dung”. Tuy nhiên cùng với nhân vật cô Tư Hồng, nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết đều có thật. Hoàn cảnh lịch sử, các địa danh, thời điểm cũng được ghi trong chính sử và dã sử, nên gọi Me Tư Hồng là tiểu thuyết tư liệu cũng không sai” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ về tác phẩm.

Cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1868, cách đây 146 năm. Gia cảnh nghèo khó, quê quán không rõ ràng, có thể là ở Nam Định hoặc Hà Nam. Cô được nhớ đến như “người đàn bà đã phá thành Hà Nội” gây xôn xao dư luận đương thời.


Bìa sách Me Tư Hồng và bức ảnh nguyên mẫu ngoài đời ở bìa 4 do nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm

Khi còn là Trần Thị Lan, cô Tư Hồng có thai với người chồng đầu tiên và về ở với nhau không kèn không trống. Nhưng người chồng nghèo khổ và hèn nhát không thể nào kìm giữ được người vợ mạnh mẽ, đầy ý chí. Lan bỏ ra đi cùng gã đàn ông người Hoa tên là Hồng (sau này cô lấy tên chồng), điều này biến cô thành “me Tàu”. Nhưng đó mới là điểm khởi đầu của một đời ngang dọc.

“Cô ta có đôi mắt “nhãn trung hữu thủy”, còn thêm nốt ruồi ở nhân trung, kẻ có nốt ruồi ở đó dâm tâm và dâm thân… Cô này chỉ cần nhếch mép chưa nói gì đã khơi động xuân tình. Về đường tử tức thì hiếm coi, cuối đời cô độc” - ông bố của người chồng Tàu, xem tướng cho cô Tư Hồng.

Đẹp đẽ, mạnh mẽ, khiến đàn ông say mê, nhưng ngay từ đầu cuốn sách, số phận cô Tư Hồng hé lộ nhiều hiểm họa. Cuộc đời đẩy cô đến duyên gặp gỡ viên quan tư Laglan, rồi lấy ông, trở thành “cô Tư Hồng”, hay một “me Tây” như lối gọi kỳ thị.

Chấn động Bắc Kỳ với sự kiện phá thành Hà Nội

Không chấp nhận tư tưởng của chồng, “đàn bà chỉ có 2 chỗ, trên giường và trong bếp”, cô Tư Hồng trở thành người đàn bà đầu tiên mở công ty kinh doanh ở Bắc Kỳ, tên là “Tư Hồng An Nam”. Báo chí đăng tin ngay trang nhất và thu hút lời dèm pha “Đàn bà An Nam sao tham vọng lớn thế”.

Trở lại với sự kiện chấn động trong cuộc đời nhân vật chính: phá thành Hà Nội. Cụ thể là năm 1894, cô Tư Hồng bằng cả mưu mẹo và nhan sắc đã trúng thầu hợp đồng phá tường thành Hà Nội, chiến thắng trước những công ty của người Tây và người Tàu.

Hợp đồng mang lại tiếng vang cho cô Tư Hồng, báo chí thuộc địa ca ngợi bản lĩnh của người đàn bà An Nam, nhưng cũng khiến cô bị người dân trong nước mắng chửi không thương tiếc. Bởi đây là việc “đụng chạm đến di sản “cung điện nghìn năm” của nhiều triều đại lẫn tổn thương tinh thần sĩ phu Bắc Hà trong hoàn cảnh thuộc địa”.

Cả cuộc đời, cô Tư Hồng sống giữa hai luồng sóng dữ đó. Cuộc sống thượng lưu giàu có, đủ đầy nhưng luôn thách thức và hứng chịu búa rìu dư luận, bị dèm pha là “con đĩ”, có lúc muốn tự tử…

Cuốn sách đặc biệt ở chỗ viết về một me Tây trong xã hội thế kỷ trước nhưng không phê phán, kỳ thị. Cô Tư Hồng có cả công lẫn tội với lịch sử, hiện lên như một nhân vật văn chương đa diện và hơn thế, đầy quyến rũ. Thái độ này, văn học thị dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, còn thiếu.

“Tính cách liều lĩnh, mưu mẹo hòa trộn với yếu đuối, nhân ái đã làm nên một cô Tư Hồng” - Nguyễn Ngọc Tiến viết - “Đây là một cố gắng nhìn lại con người và xã hội cách chúng ta hơn một thế kỷ”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm