Marlene Dietrich - huyền thoại Hollywood của thế kỷ 20

28/12/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Marlene Dietrich sinh cách đây tròn 120 năm, ngày 27/12/1901. Và trong suốt thế kỷ trước, bà luôn được nhớ tới với biểu tượng đầy gợi cảm của một diva Hollywood.

Phim 'Last Vegas' quy tụ các huyền thoại Hollywood

Phim 'Last Vegas' quy tụ các huyền thoại Hollywood

Lần đầu tiên, các huyền thoại Hollywood Robert De Niro, Michael Douglas, Morgan Freeman và Kevin Kline sẽ cùng xuất hiện trên màn bạc, với bộ phim hài mang tựa đề Last Vegas.

Và, hãy cùng nhìn lại cuộc đời của người phụ nữ Mỹ gốc Đức được cho là đi trước thời đại và vẫn còn là một hình mẫu cho tới ngày nay.

Từ diễn viên vô danh tới ngôi sao có cát-sê cao nhất

Sinh ra ở Berlin, là con gái út trong gia đình có 2 chị em gái. Dietrich học violin và quan tâm đến nhà hát khi còn nhỏ. Ước mơ của cô bé là trở thành nghệ sĩ violin hòa nhạc những đã “tan thành mây khói” khi cô bị chấn thương ở cổ tay. Năm 1922, Dietrich cũng có cơ hội được trình diễn violin ở một ban nhạc trong một phim câm nhưng bị loại chỉ sau 4 tuần.

Chú thích ảnh
Marlene Dietrich với bộ tuxedo và chiếc mũ biểu tượng của bà

Dietrich lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp trong nhóm đồng ca giải trí tạp kỹ của Rudolf Nelson ở Berlin. Năm 1922, bà đăng ký thi vào trường kịch nghệ của đạo diễn sân khấu nổi tiếng Max Reinhardt nhưng không thành công. Tuy nhiên, bà sớm có cơ hội hát trong dàn hợp xướng và đóng các vai nhỏ trong các bộ phim truyền hình của Nelson dù không có gì nổi bật. Dietrich ra mắt làng điện ảnh với bộ phim đầu tiên - The Little Napoleon (1923) với một vai nhỏ.

Nữ diễn viên tạo được bước ngoặt lớn khi đóng phim The Blue Angel (1930) của đạo diễn Josef von Sternberg. Vai diễn này đã biến Dietrich - nữ diễn viên người Đức - thành một ngôi sao lớn của Hollywood chỉ trong vài tuần. Khi bộ phim được công chiếu ở Berlin, Dietrich đã tới Mỹ để ký một hợp đồng béo bở để tham gia diễn xuất trong 7 bộ phim tiếp theo. Đạo diễn Sternberg được cho là người đã phát hiện ra diva Hollywood. Sau thành công của The Blue Angel, ông đã quay 6 bộ phim khác với Dietrich ở Hollywood và biến một nữ diễn viên người Đức hầu như vô danh trở thành một ngôi sao lôi cuốn của màn bạc.

Chú thích ảnh
Marlene Dietrich là biểu tượng thời trang trên màn bạc lẫn ngoài đời

Có điều, không phải phim nào của Dietrich cũng thành công ở phòng vé. Mặc dù những bộ phim của Sternberg với Dietrich hiện được coi là những kiệt tác của lịch sử điện ảnh nhưng điều đó đã không xảy ra vào thời điểm ấy. Sau thành công của bộ phim đầu tiên, sự quan tâm của công chúng dành cho nữ diễn viên ở Mỹ bắt đầu vơi dần.

Nhưng, một lời đề nghị ngông cuồng đã khiến Dietrich thực hiện bộ phim màu đầu tiên của bà - The Garden Of Allah (1936) - cho nhà sản xuất độc lập David O. Selznick với cát-sê 200.000 USD cho vai diễn này. Tiếp đó bà còn đến Anh để sản xuất phim Knight Without Armor (1937) của Alexander Korda với mức thù lao 450.000 USD, và trở thành một trong những ngôi sao điện ảnh được trả lương cao nhất thời bấy giờ.

Chú thích ảnh
Marlene Dietrich trong phim “The Flame of New Orleans”

Trở thành biểu tượng nhờ những sự phá cách

Vẻ ngoài nam tính nhưng quyến rũ của Dietrich là một phần quan trọng trong việc khiến bà trở thành một ngôi sao. Đã quen với cuộc sống về đêm của Berlin những năm 1920, Dietrich đến Hollywood và hiểu rõ về cách thể hiện bản thân như thế nào. Bà thường mặc quần áo của nam giới, bao gồm quần tây, mũ và complet. Và kết quả, Dietrich đã biến các mặt hàng quần áo trước đây dành cho nam giới thành các mặt hàng thời trang dành cho phụ nữ sau khi chiếc mũ đội đầu điển hình của nam giới luôn xuất hiện cùng bà.

Trong bộ phim Hollywood đầu tiên của mình, Morocco (1930), Dietrich hóa thân thành một ca sĩ ở quán rượu. Bộ phim được nhớ đến nhiều nhất với cảnh bà biểu diễn một bài hát trong bộ tuxedo đeo cà vạt trắng của một người đàn ông và hôn một người phụ nữ khác - cả 2 đều mang đi trước thời đại khi chưa từng xảy ra trước đây trên màn ảnh. Vai diễn này đã mang về cho Dietrich đề cử giải Oscar duy nhất trong cuộc đời.

Chú thích ảnh
Marlene Dietrich cùng Gary Cooper trong phim “Morocco”

Như vậy, Dietrich đã thành công với sự phá cách của mình mặc dù bị giới bảo thủ soi mói. Trong một cuộc phỏng vấn với The Observer năm 1960, Dietrich nói: “Tôi ăn mặc vì hình ảnh của mình, không phải cho bản thân, không phải cho công chúng, không phải cho thời trang, không phải cho đàn ông. Nếu tôi ăn mặc cho chính mình, tôi sẽ không bận tâm chút nào”.

Trong Thế chiến II, không giống như những người cùng thời khác ở Đức, Dietrich từ chối ủng hộ việc tuyên truyền của Đức Quốc xã. Khi đến Hollywood từ năm 1930 với đạo diễn và người tình Sternberg, bà vẫn thường xuyên liên lạc với chồng mình là Rudolf Sieber. Mặc dù họ chia tay nhau từ những năm 1930 song 2 người vẫn là những người bạn lãng mạn cho đến khi ông qua đời (năm 1976). Vào những năm 1930, chính Dietrich đã thúc giục Sieber rời khỏi châu Âu càng sớm càng tốt cùng với con gái Maria của họ.

Dietrich luôn tận tụy với người Mỹ trong suốt cuộc chiến. Ngay từ năm 1939, bà đã từ bỏ quốc tịch Đức và lấy quốc tịch Mỹ. Trong khi người yêu Jean Gabin nhập ngũ vào quân đội Pháp, bà đã đến thăm một châu Âu bị chiến tranh tàn phá và ủng hộ quân đội Hoa Kỳ với tư cách là một ca sĩ. Vì điều này, bà đã được phong Hiệp sĩ Danh dự ở Pháp, rồi Huân chương Tự do ở Mỹ năm 1947. Với thái độ và hành động của mình, Dietrich bị phân biệt đối xử ở Đức và một số thậm chí còn lăng mạ bà là kẻ phản bội tổ quốc.

Chú thích ảnh
Marlene Dietrich trong phim “Morocco”

Sau chiến tranh, Dietrich tiếp tục quay phim mỗi năm. Bà đã làm việc với các đạo diễn nổi tiếng bao gồm Billy Wilder, Alfred Hitchcock và Fritz Lang.

Dietrich có nhiều người tình, bao gồm diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, cũng như những người ngoài ngành điện ảnh. Bà được cho là người thoải mái yêu bất cứ ai khi cảm thấy thích. Chưa hết, bà còn quan hệ với cả phụ nữ và bà không bao giờ che giấu điều này. Dietrich còn phải lòng nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway, người đã đáp lại tình cảm của bà qua những lá thư. Theo người viết tiểu sử Eva Gesine Baur, tình yêu lớn nhất của bà là nam diễn viên người Pháp Jean Gabin.

Những năm cuối đời ảm đạm

Những năm cuối đời, Dietrich đã trở nên nghiện rượu và sống ẩn dật ở Paris. Dù vậy, bà vẫn thường đi du lịch ở New York và nhiều nơi khác.

Ở độ tuổi 60 và 70, sức khỏe của Dietrich giảm sút. Bà sống sót sau căn bệnh ung thư cổ tử cung vào năm 1965, nhưng ngày càng phụ thuộc vào thuốc giảm đau và rượu. Chưa hết, những tai nạn xảy tới liên tiếp. Một cú ngã trên sân khấu tại Hội chợ Âm nhạc Shady Grove ở Maryland vào năm 1973 khiến đùi trái của bà bị thương. 1 năm sau, bà lại gãy chân phải, trước khi kết thúc sự nghiệp sân khấu vào tháng 9/1975 sau một lần ngã gãy xương đùi trong một buổi biểu diễn ở Sydney, Australia. 4 năm sau đó, năm 1979, Dietrich xuất hiện cuối cùng trước máy quay với bộ phim Just A Gigolo (1979) của đạo diễn David Hemmings, trong đó bà hát ca khúc chủ đề.

Chú thích ảnh
Marlene Dietrich và ca sĩ huyền thoại Pháp Edith Piaf

Cũng giống như Greta Garbo, Dietrich muốn được nhớ đến như một nữ diễn viên trong những năm tháng đẹp nhất của mình. Dietrich rút về căn hộ của mình tại số 12 Đại lộ Montaigne ở Paris. 13 năm cuối đời của bà hầu như nằm liệt giường. Bà chỉ cho phép một số ít người tới thăm và ra mắt tự truyện năm 1979.

Sự rút lui của Dietrich có lẽ đã giúp bà mãi được nhớ tới như một biểu tượng Hollywood. Mặc dù bà có thể không được gắn sao ở Hollywood nhưng bà đã có ngôi sao trên Đại lộ các ngôi sao ở Berlin vào năm 2010.

Dietrich qua đời trong căn hộ ở Paris ở tuổi 91, sau một thời gian dài ít liên lạc với bạn bè hoặc gia đình trước khi qua đời. Bà được chôn trong một ngôi mộ ở Berlin, đánh dấu lần cuối cùng trở về quê hương sau một hành trình dài lúc sinh thời.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm