Lương Mạnh Hải: “Tôi không giả vờ đi chậm được!”

10/08/2012 07:23 GMT+7 | Văn hoá


Một Lương Mạnh Hải đủ sắc màu, giày sneaker, áo thun, vai ba lô đi thoăn thoắt trên phố và một Lương Mạnh Hải chỉn chu trong những bộ cánh ở các sự kiện có phải là sự thay đổi hình ảnh để trở thành một quý ông?

* Một chàng trai nhiệt tình thái quá, hồn nhiên sống theo cảm xúc và một người đàn ông đằm hơn, trải nghiệm nhiều hơn có phải là “biểu hiện” của sự trưởng thành?

- Có hay không, đúng hay sai thì cuộc sống của anh mới chính là câu trả lời rõ nhất. Và đó là một cuộc sống rất thú vị.

Quá quan tâm bề ngoài là… chết đấy!

* Nhanh nhỉ! “Hotboy” của màn ảnh năm nào giờ đây đã là một Mr.30. Vậy nhưng nhiều người vẫn nghĩ anh còn là “hotboy” mà chưa thể nào là… Mr!

- Ừ nhỉ, hồi đó lẽ ra phải nên gọi tôi là “hot boy” chứ? Bây giờ tôi đã qua tuổi này lại được gọi như thế. Trong khi đó, tôi đã đủ khác với những gì là một tôi công tử, “hot boy” của thời xưa. Khác nhiều nhất là tính cách. Cái nghề nắn cho tôi thành đằm lại, không còn căng thẳng như trước. Duy chỉ có sự háo thắng và quyết liệt thì vẫn còn. Hồi xưa, tôi làm cái gì cũng thái quá, phản ứng cũng thái quá. Buồn sẽ buồn thái quá, giận cũng thái quá và căng thẳng cũng thái quá. Hồi xưa tôi hay thất vọng, hay chán nản, giờ bình tĩnh hơn và nhìn mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

* Anh cũng đã nếm đủ cảm giác sung sướng của một “hot boy” màn ảnh, vậy có hụt hẫng không khi bắt đầu tập làm quen với cảm giác mới, cảm giác của một Mr.?

- Hụt hẫng thì không. Sự sung sướng giờ lại sang một giai đoạn khác. Tôi không phải cố làm thế này thế nọ với cuộc đời mình như là cố diễn cho tròn vai trên phim ảnh. Càng ngày tôi càng cảm nhận rõ hơn về niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống và chỉn chu hơn theo một góc độ khác đối với bản thân mình, một cảm giác mà trước đây không có được. Niềm vui ngoài 30, ngoài niềm vui công việc thì tôi cũng cân bằng được mọi thứ.

Tôi cũng không nghĩ là phải ăn mặc thế nào, phong cách phải thế nào để đúng với một người ngoài 30 tuổi. Bởi vì, con người tôi, sự phát triển nhân cách và thái độ với cuộc sống, nó không thuộc về lý trí nhiều lắm mà nó cân bằng với xúc cảm. Bạn bè tôi khuyên tôi, về hình thức bây giờ mày phải nên như thế này hay như thế kia. Thậm chí có người bảo, trời ơi, trong tất cả các event đừng cười nữa mà phải là… mặt lạnh.

Khi anh quá quan tâm đến vẻ bề ngoại của anh là anh chết đấy. Bây giờ 30 không cười nữa, mặt phải lạnh thì 40 anh sẽ bày trò gì? 50 bày trò gì? 60 bày trò gì? Làm sao để mình tỉnh dậy một ngày, mình được uống ly cà phê mình thích, ngồi nơi mình thích và mình được mua đôi giày mình thích, khoác chiếc ba lô mình thích, ăn những món theo mình là ngon. Mình thích làm gì thì làm được cái đó. Có thể nghe Celine, cũng có thể nghe Thủy Tiên… Chứ không phải sống theo sự chỉ đạo của người nọ hay ý thích của người kia. Tại sao phải nghiêm trọng hóa mọi thứ?



* Vậy thì người đàn ông mê và sở hữu rất nhiều bộ vest, có phải là anh?

- Đúng là tôi không mặc gì khác ngoài vest khi đi dự event nhưng không có nghĩa điều đó làm cho con người tôi khác đi. Hôm trước tôi có đến nha sĩ, người ta hỏi: “Tại sao anh cứ trẻ mãi không già nhỉ?” khi nhìn thấy tôi quần short, áo ba lỗ và giày sneaker. Tức là họ nghĩ ở tuổi của tôi thì không thể cứ ăn mặc như thế được. Có thể họ không nói thẳng tôi đang cưa sừng, nhưng tôi nghĩ rằng, tôi đang sống đúng với mình đấy chứ. Tôi có bà cô ngoài 60 rồi vẫn mặc những áo hoa xanh hoa đỏ, đi chơi golf và đánh tennis, một cuộc sống đầy năng lượng. Thế là được. Chứ đâu cần quan tâm là người khác chê lòe loẹt, cưa sừng?

* Thì có gì lạ lẫm đâu khi bây giờ, nhiều người “đầu tư hình ảnh” chỉ để là vì người khác nhìn vào, chứ đâu hẳn là để cho mình vui!

- Đấy, đấy. Chính vì thế nên mọi người cứ muốn tôi đừng cười, là muốn tôi phải ăn mặc chững chạc hơn. Nhưng từ trước đến nay tôi rất thích đeo ba lô, tôi không cố tình cưa sừng đâu mà tôi tự thấy tôi năng động. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi vẫn cứ bộ dạng đó ở mọi lúc mọi nơi. Tôi chẳng bao giờ ngồi đếm tôi có bao nhiêu bộ vest nhưng trong những trường hợp cần sự long trọng chỉn chu thì tôi long trọng chỉn chu tuyệt đối vì đó là cách tôn trọng người khác.

Tôi là tôi, anh Đãng là anh Đãng!

* Anh đừng tự ái nhé, có một thời điểm anh nhìn mọi thứ bằng mắt của… Vũ Ngọc Đãng thì phải?

- Chưa từng. Tôi và anh Đãng là hai người, hai tính cách hoàn toàn khác nhau. Có thể, dù cho tôi và anh Đãng có mâu thuẫn về quan điểm sống thế nào thì vẫn có rất nhiều điểm chung trong quan điểm về nghề nghiệp. Vì quan điểm có chung nhau thì mới làm việc được với nhau chứ. Đây gọi là hợp.

Nhưng về quan điểm sống, chúng tôi khác hẳn nhau. Cuộc sống của anh Đãng hơi khép còn cuộc sống của tôi thì khá mở. Tôi có lý do để tôi sống phóng khoáng còn anh Đãng cũng có lý do để khép mình. Anh Đãng có thể không nói chuyện với ai trong vòng một tháng cũng không sao nhưng không vì thế mà anh không ngắm nghía thế giới và cập nhật những gì đang xảy ra ở bên ngoài. Có thể anh Đãng không thích nhiều mối quan hệ, không thích xin xỏ, không thích à ơi, không thích ngoại giao, nhưng không có nghĩa là anh ấy không biết gì vì anh Đãng đọc rất nhiều.

Tôi thì không có được những điều đó và chỉ quan tâm những gì mình cần quan tâm mà thôi. Tôi thích nghi nhanh, không một món gì là không ăn được và không một chỗ nào là không ngủ được. Tôi không sợ bị đẩy vào một môi trường mới. Tôi biết, chưa chắc sống mở như tôi đã tốt bởi vì mình có nhiều mối quan hệ thì sẽ khá mệt mỏi. Nhiều khi thời gian tập trung cao độ cho một điều gì đó sẽ bị ảnh hưởng và tôi sẽ bị mất quá nhiều năng lượng cho những việc linh tinh.

* Người ta (mà cụ thể là “cựu đồng nghiệp báo chí” của anh) lấy lý do rằng, họ ghét anh vì anh quá ư là… Vũ Ngọc Đãng trong nghề nghiệp đấy!

- Tôi từng không được lòng báo chí. Khi trở thành diễn viên, hầu hết mọi người viết phê bình về tôi nhiều hơn là khen. Khi tôi đóng Đẹp từng centimet, phóng viên một báo ở Hà Nội, email cho tôi để phỏng vấn, tôi trả lời email đàng hoàng nhưng khi bài báo ra thì quay ngược 180 độ, thành một bài viết 3 trang kín đặc chữ, nói tôi là một kẻ bất tài. Tôi rất cảm ơn ba trang giấy với giọng điệu thù hằn như vậy. Tất nhiên thời kỳ đó mình cũng có nhiều cái dở thật nhưng đọc bài báo đó, tôi thấy nó như động lực để tôi phấn đấu.

Khi tôi làm diễn viên, ngay từ đầu tôi đã xác định con đường tôi đi và hình ảnh mình là cái gì rồi. Tôi hơi cực đoan là việc xây dựng hình ảnh là xây dựng cho mình trước. Còn cái ghét ở ta, nói thật là không nên bận tâm nhiều. Đơn cử như hiện tượng Mỹ Linh, nhiều năm liền chị ấy bị chửi rằng tại sao lại thay đổi như nọ, làm như kia nhưng giờ lại quay ngược lại: hãy nên giống Mỹ Linh, hãy là người khai phá thế nọ thế kia… Điều tôi khẳng định, nếu muốn làm nghệ thuật đúng nghĩa thì đừng có lung lay vì dư luận.

* Thực ra, những người viết báo không mấy thiện cảm với những diễn viên kiểu anh vì họ đang nhân danh “chính thống” để chĩa bút vào “thị trường”. Anh hiểu điều đó mà!

- Tôi rất tự hào thế hệ tôi, Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Minh Hằng… đã là một thế hệ diễn viên mới, với một cách diễn mới. Tôi cảm thấy tự hào vì thế hệ của chúng tôi đã gạt bỏ những kỹ thuật, để có những thước phim sống động, đã phá được những rào cản cũ kỹ để xứng đáng là một thế hệ diễn viên văn minh. Mọi người cứ nói hộ khán giả trong khi khán giả lại chính là người nhận ra đầu tiên và khá công bằng đối với chúng tôi nhất. Không phải tôi quá sướng, quá bay với những lời khen vì tôi biết khi tôi làm cho ai đó thích tôi thì nhiều khi tôi dở người ta cũng khen nhưng tôi biết rõ tôi biết được mình dở ở chỗ nào và phải sửa những lỗi của mình để vượt qua chính bản thân.

Chắc mọi người cũng nghĩ rằng nên chờ ở chúng tôi một câu trả lời khiêm tốn hơn rằng chúng tôi sẽ cố gắng, chúng tôi sẽ vào trường học, sẽ trau dồi, sẽ tham gia những khóa học nâng cao về diễn xuất thế nọ thế kia, xin thưa, chúng tôi cũng đang học mà, học theo cách của chúng tôi, học chính trên phim trường, học ở đạo diễn, bạn diễn và quan trọng là chúng tôi đang rất cố gắng.

Tôi cảm thấy buồn cười khi người ta hay sa sả những cụm từ kiểu “diễn viên tay ngang”, “diễn viên chuyên nghiệp”. Vậy thế nào là chuyên nghiệp? Là phải vào trường ôm sách vở ghi ghi chép chép? Trên thế giới, có những công việc là diễn viên, bác sĩ, luật sư, đầu bếp, 4 cái nghề đó là nghề phải thực hành nhiều nhất. Anh có bằng đầu bếp tại Milan mà anh không làm cho một nhà hàng nào đó thì chẳng ai công nhận anh cả. Xin hỏi ở Việt Nam, Mỹ Duyên, Hồng Ánh, Chi Bảo, Thiệu Ánh Dương có phải tay ngang không? Người ta vẫn cho mình cái quyền phán xét dù người ta biết rằng điều họ nói không khó để phản biện.

* Tôi thì nghĩ khác, ở một mặt nào đó, sự nhân danh chính thống chẳng qua là che đậy một cái bệnh rất lớn mà không phải ai cũng biết được bệnh của mình – bệnh “giá trị”!

- Đúng thế. Bệnh giá trị và bệnh sâu sắc đang là hai căn bệnh trầm trọng nhất. Ở Việt Nam, tất cả các ngành nghệ thuật đâu có tên trên bản đồ thế giới? Mọi người luôn dè bỉu nghề diễn viên rằng tại sao thế nọ, thế kia, tại sao làm cái này mà không làm cái kia. Câu trả lời dễ thôi: nếu bạn giỏi, bạn phải liệu cơm gắp mắm được. Anh sinh ra trong một đất nước như vậy, sống trong một môi trường như thế, anh phải làm nghề được. Cũng có không ít bạn đi học điện ảnh ở nước ngoài về không thể làm nổi ở Việt Nam vì các bạn ấy nhìn thấy ở đâu cũng lạc hậu, rằng tại sao lại không chuyên nghiệp thế kia, rẻ tiền thế kia… Có thể các bạn đó muốn làm những tác phẩm lớn cơ, và phải điện ảnh cơ. Họ chỉ quen đứng ngoài nói vào, mà không đứng trong để chung lưng góp sức.

* Nhưng, họ cũng có cái đúng của họ mà!

- Thế hệ nào cũng có cái hay của thế hệ đó nhưng đừng lấy cái chuẩn của thế hệ trước để áp vào thế hệ sau. Sự mâu thuẫn thế hệ luôn luôn có trong đời sống thì cũng đừng lấy sự áp đặt nào đó lên nghệ thuật và phải mặc định phải thế này hay thế khác mới là giá trị.

Không sở hữu trong tình cảm nữa

* Thôi đừng bức xúc với những “giá trị” và “sâu sắc” của người đời nữa. Chẳng ai thay đổi được ai, trừ khi tự mình thay đổi chính mình. Anh có nghĩ rằng, như anh sẽ dễ rơi vào hai thái cực: hoặc là thay đổi quyết liệt hoặc là sẽ khó có thể thay đổi?

- Tôi không thay đổi nhiều. Có thể hồi xưa tôi bị bố mẹ quản thúc nhiều quá, bị ép học nhiều quá nên thời gian chơi không có nhiều. Trong khi tôi nói thật, tôi thích đi chơi nhiều hơn học và muốn sống hướng ngoại nhiều hơn. Từ bé, tôi đã là một người thích hướng ngoại và nó ảnh hưởng đến phong cách sống khá cởi mở của tôi.

Về thời trang, cách ăn chơi, quan hệ bạn bè tôi cũng ít thay đổi. Có chăng là tôi không tin người nhiều như trước. Ngày trước tôi nhiệt tình lắm và càng ngày càng ít nhiệt tình đi. Tôi đã từng xả thân hết mình cho bạn bè. Ví dụ, anh thiếu tiền, anh cần mượn tiền, nếu tôi không có đủ tôi có thể đi vay tiền người khác chỉ để cho anh thôi. Tôi chỉ suy nghĩ lúc đó nếu tôi không giúp được người ta tôi sẽ rất áy náy và làm được tôi rất hạnh phúc. Thậm chí giờ nhớ lại tôi thấy mình có những sự nhiệt tình rất… kỳ cục và hành động theo cảm xúc và không có tính toán gì.

Tôi sống khá nhanh, ăn nhanh uống nhanh, đi nhanh và làm gì cũng nhanh. Nhưng tôi không cho rằng tôi cần chậm lại bằng việc đọc nhiều sách và nghiền ngẫm mọi thứ nhiều hơn nữa. Người ta nhìn vào tôi thấy tôi lúc nào cũng vội vã nhưng tôi không thể giả vờ đi chậm được.

 

* Nhưng sống nhanh quá, thì sẽ bỏ qua rất nhiều thứ, nhiều người và ở một mức độ nào đó, có thể bỏ qua cả bản thân mình.


- Tôi vẫn thích cách đối xử của tôi với chính cuộc sống của mình và kiểu gì tôi cũng phải yêu bản thân tôi trước. Tôi nghĩ chắc chẳng có điều gì có thể khiến tôi từ từ được đâu. Bởi vì cái chết là sự lựa chọn cuối cùng của những sự lựa chọn ngu ngốc nhất. Cuộc sống có quá nhiều thứ đáng yêu và nghĩ về nó một cách thật đơn giản để không gây mệt mỏi và đau đớn cho những người xung quanh.

Ở nhà, tôi tự dọn nhà, tự nấu đồ ăn, giặt đồ và luôn vẫn cảm thấy vui vẻ. Tôi không đặt tôi vào những thời gian biểu cứng nhắc mà tôi chủ động được trong mọi nguồn thời gian để sống thỏa với cảm xúc của mình. Cuộc sống độc thân của tôi khá thú vị và tôi chẳng thấy có gì khó khăn. Bình thường, tôi cũng khá lười đấy nhưng không vì thế mà làm cho những sinh hoạt cá nhân trở thành bê bối. Khi trong cuộc sống của mình, mình được quyền chủ động thì chẳng còn gì bằng, tôi nghĩ thế.

* Xin lỗi anh về một điều tế nhị, thu nhập của anh có đủ cho một cuộc sống thoải mái?


- Tôi hoàn toàn thoải mái bởi vì nghệ sĩ trên thế giới cũng vậy, chỉ đủ ăn, đủ sống cho mình thôi chứ không thể giàu được. Giàu thì chỉ có những ngôi sao lớn. Tôi thấy mình hạnh phúc vì mình sống thoải mái, chủ động, được làm những gì mình thích. Tôi biết đủ và không để mình rơi vào tình trạng khổ sở vì không bao giờ cảm thấy đủ. Tiền thì ai chẳng muốn và tôi là một người thèm tiền nhưng không có nghĩa vì thế mà tôi gạt đầu với tất cả những cơ hội nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Tiền cho nhu cầu thiết yếu đã đủ. Tôi thích sở hữu cái nhà thì tôi đã có nhà. Đặc biệt, tôi không thích sở hữu xe hơi.

* Vậy trong tình cảm, anh có tư tưởng sở hữu không?


- Lúc trước thì có. Bây giờ thì không. Bay giờ tôi trở lại mốc so sánh 20 tuổi và 30 tuổi khác nhau như thế nào. Trước đây, tôi tôn thờ tình yêu đến tuyệt đối và muốn sở hữu. Khi ngấp nghé 30, tôi tự hỏi, nếu như mình bị sở hữu thì mình sẽ như thế nào? Tôi cho rằng nếu tôi bị sở hữu tôi sẽ rất mệt mỏi. Vì trong cuộc sống hiện đại này, yêu thôi không đủ mà chúng ta đủ lớn để hiểu bên cạnh tình yêu còn rất nhiều thứ nữa. Còn tình dục, sự quan tâm, sự hâm nóng…

* Ừ, tình yêu là một giá trị. Nhưng cái sự làm cho nó luôn mới, luôn hấp dẫn mới là giá trị lớn hơn…

- Điều đó đúng và chúng ta ai cũng biết, nhưng chúng ta có làm được hay không lại là một chuyện khác. Ai cũng nói phải là hâm nóng thế này, phải như ngày đầu yêu nhau thế kia. Một cuộc tình nào nếu như không có sự chia sẻ thì sẽ không đi đường dài được. Tôi nghĩ rằng một người bình thường mà lấy nghệ sĩ rất dễ bị vỡ mộng. Khi yêu, họ yêu thần tượng. Nhưng khi về nhà, bao nhiêu sự trần trụi của một con người hiện ra trước mặt nên nếu ai yêu bằng thần tượng chắc chắn sẽ không chịu nổi.

Khi ở với nhau rồi, hai người có hợp nhau đến 90% điểm thì cũng không thể không tránh khỏi những va chạm. Nhiều khi hợp nhau chỉ cần đến 50% phần không hợp nhau thì nguy cơ tan vỡ sẽ rất nhanh. Đặc biệt là với những người có cái tôi lớn. Ai cũng nói phải hâm nóng, phải làm mới, nhưng hình như cũng chỉ là một lời khuyên, đôi khi là sự dối lòng nhưng chắc gì chúng ta đã làm được.
 

Điều hạnh phúc

Có những thứ không hiện hữu, có thể là hạnh phúc. Tính đến bây giờ, điều mà người khác làm cho tôi hạnh phúc nhất, chính là sự quan tâm đặc biệt của mẹ tôi. Từ khi tôi bước chân vào điện ảnh, gần như bố mẹ tôi không ủng hộ, đặc biệt là bố và trong đầu tôi luôn túc trực suy nghĩ rằng khó có thể thay đổi được suy nghĩ của bố mẹ.

Từ trước đó, gần như tôi đơn độc với lựa chọn của mình và tôi biết, khi mình làm nghệ thuật mà không có những người thân yêu đứng sau quả là rất đau khổ và tôi đã từng trong tình cảnh như thế. Tôi tự hỏi mình rằng, tại sao bố mẹ lại lạnh nhạt với sự lựa chọn của tôi và không mảy may chút tự hào nào về nghề nghiệp của con mình?

Nhưng khi tôi quay một phim mới, mẹ gọi điện và bảo: “Hãy để mẹ vào với con và nấu cơm cho con”. Tôi thực sự bất ngờ và xúc động. Tôi chỉ nghĩ, có thể mẹ tôi vì thương con thôi, chứ chẳng phải là thích công việc của tôi đâu. Sau đó bố tôi còn gọi điện bảo: “Bố thương con lắm đấy nhé, nên bố mới để mẹ vào với con”. Bố tôi rất ít khi thể hiện tình cảm qua lời nói và gần như đó cũng là một cách thương con thầm lặng của ông, Khi tác phẩm đầu tiên của tôi lên sóng, bố tôi vẫn đi đánh tennis như bình thường. Thực sự tôi muốn phim đầu tay của tôi, dù hay dù dở thì người thân cũng nên xem…

Từ khi anh trai tôi lập gia đình, bố tôi cũng thể hiện tình cảm với tôi nhiều hơn. Thỉnh thoảng bố vẫn nhắn tin cho tôi: “Con giữ sức khỏe nhé, miss you”. Tôi với bố vốn khắc khẩu, khi ở gần thường hay đụng độ và ít hợp được nhưng khi hai bố con ở hai nơi thì sợi dây tình cảm lại rất khác. Tôi biết, kể cả việc bố mẹ không ủng hộ tôi theo nghệ thuật cũng bắt nguồn từ việc thương con mà thôi và tôi đã quyết lựa chọn, bố mẹ vẫn ủng hộ một cách gián tiếp.

Còn điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi làm được cho bố mẹ chính là tổ chức cho bố mẹ một chuyến đi chơi ở Thái Lan lần đầu tiên. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, tôi ở xa, Tết về nhà quanh quẩn chẳng đi đâu nên tranh thủ đi du lịch luôn. Bố tôi làm bên ngành du lịch nên đi rất nhiều, nhưng mẹ tôi thì không có nhiều cơ hội. Mẹ tôi một đời hy sinh vì chồng con nên cũng chẳng cho mình sự hưởng thụ nào cả. Chuyến đi đó có đầy đủ cả bố lẫn mẹ nên mọi người đều vui lắm.

Mẹ tôi, một phụ nữ Hà Nội hết lòng chăm lo chồng con nhưng suy nghĩ lại rất hiện đại. Khi mẹ đọc báo thấy người ta viết bài chửi tôi nọ kia, mẹ gọi điện khuyên tôi đừng để tâm đến những chuyện vụn vặt đấy, làm nghề này phải vậy, phải để cho thiện hạ nói nọ kia chứ. Mặc dù trước đó, tôi sợ khi mẹ đọc được những điều đó mẹ sẽ buồn và tìm mọi cách để bố mẹ không đọc tờ báo đó.


Theo Người nổi tiếng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm