Liên hoan các kịch bản của Lưu Quang Vũ (*): Xem vở cũ, nhớ người xưa

17/07/2013 11:48 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -Cậu tin không, có tới 3/4 NSND, NSƯT ở Việt Nam này phải hàm ơn Lưu Quang Vũ! Nhà phê bình Ngô Thảo, nói. Ngẫm ra, câu thậm xưng ấy chưa hẳn đã sai. Bởi, với những khán giả sống qua thập niên 1980, gần như mỗi kịch bản của Lưu Quang Vũ đều được "đóng đinh" trong ký ức họ bởi gương mặt diễn viên cụ thể.

Nhiều năm là Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN, ông Thảo nhận xét: trong cuộc đời nhiều rủi ro của mình, Vũ chỉ có một lần gặp may duy nhất. Anh bước vào làng sân khấu đúng thời điểm bắt đầu mở cửa. Giữa không khí ấy, người ta có nhu cầu rất lớn để nhìn lại, bàn lại về những trớ trêu, vô lý đã phủ bóng lên cuộc sống trong suốt vài chục năm trời. Các diễn viên cũng vậy, những trải nghiệm của chính bản thân khiến họ đến với kịch của Vũ cả bằng sự thăng hoa về tài năng ,cộng cùng ý thức công dân của người nghệ sĩ...



NSND Trọng Khôi (ngồi) trong vai anh hàng thịt vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Người đã xa

"Vai "anh hàng thịt" như Trọng Khôi chỉ có một. Vĩnh viễn, sân khấu VN sẽ không bao giờ có được một sáng tạo như thế nữa." NSƯT Anh Dũng, diễn viên lâu năm của Nhà hát kịch VN,bùi ngùi nói. Ở phiên bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt đang dàn dựng, Anh Dũng chính là người vào vai "anh hàng thịt" để thay thế cố NSND này. Tương tự, để thay thế cho một NSND Trần Tiến ở tuổi ngoại 80, Phú Đôn – một gương mặt cũng đủ... lớn tuổi của Nhà hát này – sẽ vào vai tiên ông Đế Thích.

"Anh Khôi mà còn, nhất định sẽ... nằng nặc đòi vào lại vai này, dù ốm tới đâu" Một nghệ sĩ của nhà hát kịch chia sẻ.Cũng không phải bỗng dưng, trong một bài viết lúc sinh thời, NSND Trọng Khôi đã tự gọi "anh hàng thịt" là một trong 2 vai diễn của đời mình (vai còn lại là Nghị Hách trong Giông tố). Diễn lần đầu năm 1987, rồi cứ thế "làm một lèo" 105 đêm trong tháng tiếp theo, ngần ấy cũng chưa đủ để cố nghệ sĩ thỏa cơn khát sáng tạo của mình. Đi Mỹ lưu diễn, rồi lại tiếp tục trong những đêm diễn rải rác suốt chục năm sau cũng chưa đủ nốt. Bởi thế, bạn bè thấy ông Chủ tịch Hội NSSK mừng như thế nào khi cách đây tròn 10 năm, Hồn Trương Ba, da hàng thịt một lần nữa được phát sóng trực tiếp trong chương trình Nhà hát truyền hình...

Nhưng, "anh hàng thịt" Trọng Khôi là đỉnh cao về nghệ thuật diễn xuất. Còn, nếu phải chọn một vai diễn đi vào lòng mọi khán giả nữ, (như khái niệm hot boy như bây giờ), người xem trong thập niên 1980 sẽ nhắc tới NSƯT Trần Vân – giám đốc Hoàng Việt trong Tôi và chúng ta. Tôi và chúng ta là đỉnh cao của Lưu Quang Vũ trong thời đổi mới, là đỉnh cao trong truyền thống của đoàn kịch Hà Nội, và cũng là đỉnh cao trong diễn xuất của cố nghệ sĩ Trần Vân. Năm 1985, từ một hiện tượng sân khấu, vở diễn của đoàn kịch Hà Nội đã trở thành hiện tượng xã hội thật sự. Bằng mọi giá, các nhà máy, xí nghiệp, ban ngành trên cả nước đều gắng thu xếp để cán bộ của mình được một lần xem Tôi và chúng ta, được một lần chen chúc trong rạp Công nhân, nuốt lấy từng lời của giám đốc Hoàng Việt về mối quan hệ giữa "tôi" và "chúng ta", về sự cần thiết và dũng cảm phải có để xóa bỏ những rào cản trớ trêu, vô lý đang tồn tại suốt hàng chục năm dài.

"Khi mới về nhà hát, tôi chỉ được giao những vai nhỏ, thậm chí nhiều đêm diễn phải đứng bên cánh gà để làm những việc không tên", anh Vân là người động viên tôi rất nhiều khi ấy." NSND Hoàng Dũng, giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội bây giờ, bùi ngùi kể. "Có lần, anh gọi tôi ra một góc rồi bảo: chịu khó, Dũng. Chỉ vài năm nữa thôi, những vai diễn như của anh bây giờ đều sẽ là của mày. Bây giờ, mỗi lần khởi công một vở mới, tôi vẫn thắp một nén hương cho Trần Vân,như sự tri ân cho lời động viên ấy".

Gương mặt hiền lành, chất giọng trầm ấm, Trần Vân qua đời vì bệnh gan chỉ vài năm sau hiện tượng Tôi và chúng ta. Rồi sau Trần Vân, ê kíp ấy lại vắng tiếp ông Quých – nghệ sĩ Trần Kiếm. Thành công của vai phụ về ông công nhân già đã song hành cùng Trần Kiếm đến tận cuối đời. Bạn nghề kể: Trần Kiếm bị bệnh tim rất nặng. Biết mình không còn trụ trên sàn diễn được lâu, ôngchủ động đề nghị Lưu Quang Vũ "kết thúc" sự tồn tại của ông Quých trong phần 2 của Tôi và chúng ta (Khoảnh khắc và vô tận) bằng một cơn đột quỵ vì bệnh tim. Rồi, sau những đêm diễn khá thành công của Khoảnh khắc và vô tận, Trần Kiếm qua đời. Ông dặn gia đình khi đưa tang hãy mặc cho mình bộ đồ công nhân, hóa trang thành vai ông Quých, để lần cuối cùng chia tay khán giả và đồng nghiệp trong hình ảnh ấy…



2 NSƯT Quốc Chiêm – Lâm Bằng trong lần tái xuất với Nàng Sita năm 2012.

Và những người còn lại

Bây giờ, ê kíp của Tôi và chúng ta gần như không còn ai ở lại Nhà hát kịch Hà Nội. Trần Vân, Trần Kiếm trở thành người thiên cổ. NSND Hoàng Cúc – cô công nhân Thanh, người bạn gái và cũng là đồng đội của giám đốc Hoàng Việt – đang vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo kể từ khi nghỉ hưu. Vài năm trước, lần lượt các NSƯT Quốc Toàn (vai Bộ trưởng), Minh Vượng ( Tuyết "ru bích") cũng lục tục rời nhà hát do đến tuổi. Có chăng, chỉ còn lại NSND Hoàng Dũng – người thủ vai phó giám đốc Chính năm nào – giờ đã trở thành đạo diễn chính trong Nhà hát

Sự thực, năm 2003, Tôi và chúng ta cũng đã đượcNhà hát kịch Hà Nội phục dựng lại với một lớp diễn viên trẻ. Với cặp Thanh Tùng – NSƯT Thu Hà (vai Hoàng Việt – Thanh), bản diễn khi đó khá tròn trặn và chững chạc, nhưng cũng chỉ làm người ta thêm cảm giáchoài cổ, khi nhớ lại lứa diễn viên kịch Hà Nội ngày nào. Một thế hệ dần trôi đi, câu chuyện của Tôi và chúng ta cũng không còn đậm tính thời sự như thời Đổi mới – đó là những lý do khiến Nhà hát kịch Hà Nội lần này tham gia Liên hoan các kịch bản của Lưu Quang Vũ với hành trang là 2 vở diễn khác (Ông không phải là bố tôiTrái tim trong trắng).

"Chúng ta nên chấp nhận một thực tế rằng những câu chuyện của anh Vũ sẽ được kể lại với lớp khán giả hôm nay, chứ không phải cho... bố mẹ của họ. Bởi thế, diễn viên vào vở sẽ là những diễn viên mới – chứ không thể bắt Chí Trung, Lê Khanh, Lan Hương... vào vai những thanh niên mới lớn như khi xưa"- NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nói. Anh chính là đạo diễn của Mùa hạ cuối cùng, vở diễn đang được dàn dựng để tham dự LH này. Một năm trước, khi Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ được nhà hát dàn dựng, vai diễn Đôn "sứt" của Trung 24 năm trước cũng được anh chủ động chuyển lại cho các diễn viên trẻ.

Trong lứa diễn viên từng gắn bó và thành danh với những kịch bản của Lưu Quang Vũ khi xưa, có lẽ cặp NSƯT Quốc Chiêm – Lâm Bằng là trường hợp duy nhất có điều kiện "tái xuất" sau gần 25 năm biểu diễn. Cuối năm 2012, khi Nàng Sita được phục dựng tại Nhà hát chèo Hà Nội, cặp diễn viên... U50 này được mời tham gia diễn nửa vở (phần đầu là cặp diễn viên trẻ Quang Dương – Thục Khánh). Trong 3 đêm diễn ngắn ngủi ấy, rạp Đại Nam như sống lại thời hoàng kim khi xưa, với dòng khán giả đứng tuổi đang nườm nượp đổ về.

NSƯT Lâm Bằng bây giờ là một doanh nhân và chỉ còn khả năng... hát nhép do không còn giọng. Ngược lại, NSƯT Quốc Chiêm – ông Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội hiện nay- hứng khởi khoe rằng mình có thể đủ sức diễn cả vở, miễn là có thời gian chuẩn bị lâu dài trước đó. Nhưng, cho đến thời điểm này, việc đưa cặp "tiên đồng – ngọc nữ" một thủa của sân khấu chèo Hà Nội tái xuất tại Liên hoan vẫn chưa có gì cụ thể.

Bởi thế, với những khán giả hoài cổ, Liên hoan các kịch bản của Lưu Quang Vũ sắp tới sẽ làchỉ là dịp để mỗi người trong số họ hoài niệm về "ngày xưa" – thời điểm mà sân khấu đang ở giai đoạn hoàng kim, còn họ đang là những khán giả trẻ tuổi và say mê với món ăn tinh thần ấy...

(*): Liên hoan các tác phẩm sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ do Hội Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 tới đây nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông (29/8).

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm