Lật lại cuộc "đổ bộ" của kịch nói vào Việt Nam

12/03/2011 14:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ai cũng biết, kịch nói hiện đại được người Pháp du nhập vào Việt Nam và từng bước dẫn tới sự xuất hiện của những vở kịch nói “thuần Việt” từ năm 1921 (Chén thuốc độc của Vũ Đình Long). Thế nhưng, lộ trình cụ thể để những vở kịch tiếng Pháp “bén rễ” tại một vùng đất vốn hoàn toàn xa lạ với loại hình nghệ thuật này vẫn là một vấn đề phức tạp và đang được nghiên cứu...

Tối 10/3/2010 tại Hà Nội, sau một thời gian dài nghiên cứu, PGS văn học Corine Contini Flicker (giảng viên ĐH Ajax Marseille - Pháp) đã có buổi thuyết trình về đề tài này.

“Lục tìm những tài liệu lưu trữ của chính quyền Pháp mà Việt Nam còn giữ lại, đó là việc truyền tải ký ức giữa hai nền văn hóa Đông Tây và hấp dẫn một nhà nghiên cứu như tôi” - PGS Corine cho biết. Trước đó, từ giữa năm 2010, bà đã từng tới Việt Nam và bỏ thời gian tới Trung tâm lưu giữ quốc gia I (Hà Nội) để nghiên cứu những tập hồ sơ của Phủ thống sứ Bắc Kỳ về vấn đề này.

PGS Corine (trái) trong cuộc tọa đàm

TT&VH xin lược ghi một số nét chính về nghiên cứu của bà.

Xây nhà hát trước khi xây Tòa thị chính

“Khi đặt chân đến một miền đất mới, người Tây Ban Nha xây tu viện, người Italia xây nhà thờ, người Anh xây ngân hàng và người Pháp xây nhà hát...”- Claude Bourrin, một người Pháp từng sống tại Hà Nội đầu thế kỷ XX đã viết như vậy.

Và thực tế, chạy trốn buồn chán là một trong những những mối quan tâm hàng đầu của thực dân Pháp ở Đông Dương, sau khi những người tới đây phải đối mặt với một xứ sở xa lạ và có khí hậu khắc nghiệt. Bởi thế, sân khấu được coi là một phương thuốc hàng đầu nhằm giải quyết vấn đề ấy. Không có gì khó hiểu khi vào năm 1884 (lúc cuộc xâm chiếm Việt Nam đang ở thời điểm kịch tính nhất), để phục vụ tinh thần các binh lính lê dương, chính quyền Pháp đã tìm được một vài diễn viên không chuyên và tổ chức một số buổi biểu diễn kịch hát tại chùa Bút Tháp. Riêng tại Sài Gòn, chính quyền Pháp còn có kế hoạch xây dựng cả một nhà hát trước khi nghĩ tới việc xây dựng Tòa thị chính. Bởi, bên cạnh việc mua vui cho những người lính thực dân thèm giải trí, việc tạo ra một đời sống văn hóa riêng cũng có nghĩa là tạo ra chất xi măng gắn kết đời sống của cộng đồng người Pháp tại Việt Nam với nhau.

Những nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên

Những nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên của Pháp đặt chân tới Việt Nam vào năm 1885. Đó là cặp vợ chồng diễn viên Deschamp - cựu sinh viên Nhạc viện Paris, thành viên Nhà hát Vaudeville. Thời điểm này, tinh thần quân đội Pháp đang rất mệt mỏi trầm uất vì lửa đạn và bệnh tật (riêng tại Huế năm đó, 700 lính Pháp chết vì dịch tả).

Vợ chồng Deschamp có một số buổi diễn tại Hải Phòng và Hà Nội. Báo Tương lai Bắc Kỳ gọi họ là những nghệ sĩ dũng cảm, là những người tiên phong trong việc “đưa sân khấu Pháp vào những vùng đất xa xôi”, thậm chí đề nghị chính quyền thuộc địa hỗ trợ cặp vợ chồng này mỗi tháng 10 đồng để chi tiêu. 2 năm sau đó, một cặp nghệ sĩ khác là Mallaivre và Turbat (tác giả bản nhạc Cô gái Bắc Kỳ) cũng tới Hà Nội biểu diễn.

Khánh thành năm 1911, Nhà hát Lớn là sân khấu chính để biểu diễn những vở kịch tiếng Pháp tại Việt Nam khi xưa.

Trong 2 năm đầu kể từ 1885, các chương trình người Pháp biểu diễn tại Việt Nam vẫn thuộc hình thức pha trộn giữa ca khúc và các trích đoạn hài kịch ngắn cho hai vai diễn. Năm 1887, Haamank- đoàn kịch thực thụ đầu tiên - mới tới Hà Nội biểu diễn. Họ có 5 thành viên và xin chính quyền hỗ trợ kinh phí để đưa sang thêm 12 nghệ sĩ nữa, với dự kiến biểu diễn 72 buổi hài kịch trong suốt 6 tháng trời. Đề nghị này bị từ chối, nhưng 5 năm sau (1890), chính quyền Pháp đã hỗ trợ cho đoàn kịch Greef Caisso biểu diễn tại Hà Nội, vì họ nhận thấy thuộc địa của người Âu trong tương lai sẽ không thể thiếu vắng loại hình giải trí này. Một số tờ báo hưởng ứng bằng lời tuyên bố “Chừng nào họ giải trí được, đất nước này không đến nỗi tồi tệ như người ta nghĩ”.

Cứ vậy, kịch nói tại Hà Nội phát triển dần theo dòng chảy thời gian. Năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội được khánh thành. Kèm theo đó chính quyền Pháp thành lập Ủy ban sân khấu và lên các kế hoạch biểu diễn cụ thể. Trong những năm sau đó, bên cạnh các loại hình ca nhạc, việc tổ chức biểu diễn kịch nói diễn ra khá đều đặn và thường xuyên.

Điển hình nhất, vào quãng thời gian từ 1926 trở đi, nhiều vở diễn như Khi ta có ba người, Quý ông 5 giờ, Chiếc ghế bành 47, Chị họ từ Varsava của tôi... được biểu diễn tại Hà Nội và thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Một vài trong số này, như vở Khi ta có ba người, từng được dàn dựng và biểu diễn tại Paris chỉ 2 năm trước đó.

Người Pháp “e dè” chính kịch

Tuy nhiên, các vở diễn của người Pháp tại Việt Nam đa phần thuộc thể loại hài kịch, trong khi các kịch bản cổ điển của những Victor Hugo, Moliere, Corneille... gần như không được dựng tại đây. Một phần, điều này nằm ở sự khác biệt về nhu cầu thẩm mỹ giữa xã hội thượng lưu Paris với những người Pháp đang sống tại một vùng thuộc địa xa xôi. Nhưng, quan trọng hơn, việc dựng những kịch bản lớn, có tư tưởng cao là điều mà chính quyền Pháp e dè trong việc “giữ” thuộc địa của mình.

“Những vở diễn ấy có sức mạnh tư tưởng tiềm tàng, có khả năng quy tụ đám đông, và đó là điều nguy hiểm nếu được biểu diễn trước những người thực dân sống xa mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, cũng như những người dân bản xứ đang sống trong một xã hội bị đô hộ” - PGS Corine khẳng định. Nhưng, dù có thế nào, việc nghệ thuật kịch nói Pháp xuất hiện tại Việt Nam vẫn là một cú hích quan trọng tới nền sân khấu nơi đây. Những vở kịch tiếng Pháp ấy bắt đầu khơi gợi, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của những người Việt biết tiếng Pháp và từng có mặt tại Nhà hát Lớn. Năm 1920, học giả Nguyễn Văn Vĩnh là người trực tiếp dịch kịch bản Người bệnh tưởng của Moliere sang tiếng Việt, để rồi vào năm 1921, cố tác giả Vũ Đình Long viết Chén thuốc độc - vở kịch hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Sân khấu Việt Nam bắt đầu một cột mốc mới từ giai đoạn đó...

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm