Ký họa Đại tướng và Đại tướng ký họa

25/05/2015 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin, triển lãm tranh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những phút giây đời thường sẽ diễn ra từ 26/5 đến 7/6 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, Hà Nội). Ngoài thưởng thức những bức ký họa Đại tướng của họa sĩ Văn Dương Thành, công chúng còn có cơ hội được biết đến tài ký họa của Đại tướng.

Không chỉ là một vĩ nhân, một thiên tài quân sự được cả thế giới ngưỡng mộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nghệ sĩ “ẩn danh” khi chơi piano, vẽ tranh...

Vị Đại tướng yêu nghệ thuật

Để thực hiện cuộc triển lãm đặc biệt với 40 bức ký họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 8 bức chân dung sơn dầu khổ lớn về làng quê của Đại tướng, họa sĩ Văn Dương Thành đã công phu chuẩn bị tới 20 năm.

Riêng các bức ký họa về Đại tướng thì được vẽ trong khoảng thời gian từ 29/3 đến 3/4/1999. Vừa qua, các bức tranh này đã được bảo hiểm tại Stockholm (Thụy Điển) và được các đài phát thanh của Đức, Pháp xin công bố nhưng họa sĩ Văn Dương Thành quyết định đem về nước. Vì theo chị, đây là bộ tranh thuộc về đất nước Việt Nam.


Bức chân dung do họa sĩ Văn Dương Thành vẽ, có chữ ký của Đại tướng

Điều đặc biệt là những bức ký họa Đại tướng đều được vẽ trực tiếp tại nhà riêng của Đại tướng, được Đại tướng ngồi mẫu và ký tên. Trong đó, có những bức được Đại tướng ký chữ “Văn”, có bức ký “Võ Nguyên Giáp” hoặc “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” với những ý nghĩa riêng. Chính vì thế, mỗi bức tranh còn được ghi chi tiết cả giờ, phút, giây, ngày, tháng, năm.

Có một số bức ký họa chưa hoàn thành vì chỉ vẽ cách nhau 15 phút. Có bức chỉ có đôi mắt, thoáng vài nét bông lan Đại tướng chăm sóc, đôi tay Đại tướng lướt trên phím đàn… Và vì tôn trọng tính lịch sử, lưu giữ những thời khắc kỷ niệm nên các bức họa đã được họa sĩ Văn Dương Thành giữ nguyên, không bổ sung thay đổi, kể cả khung treo.

“Tôi rất ngưỡng mộ tài năng hội họa của Đại tướng và muốn khai thác những khía cạnh đời thường của một nhân vật vĩ đại: một vị đại tướng giản dị trong sinh hoạt đời thường, đi thăm bạn bè, đi xem triển lãm, chơi nhạc và vẽ tranh. Một vị đại tướng không phải lúc nào cũng hùng dũng, mãnh liệt như vũ bão mà còn có rất nhiều đêm, nước mắt rơi khi nghe tin các chiến sĩ hy sinh, có những lúc buồn và suy tư…

Vì vậy, thực hiện triển lãm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những phút giây đời thường, tôi mong muốn giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước, những tư liệu đời thường quý giá về Đại tướng. Ngoài thiên tài quân sự, tấm lòng cao cả với quê hương đất nước, Đại tướng còn là người rất yêu nghệ thuật và trực tiếp tham gia sáng tác nghệ thuật” - họa sĩ Văn Dương Thành chia sẻ.


Bức ký họa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẽ họa sĩ Văn Dương Thành mùa Xuân năm 1999

Bức ký họa sinh động của Đại tướng

Theo lời kể của con trai cả Đại tướng - anh Võ Điện Biên - thì Đại tướng có vẽ 5 bức tranh. Trong đó có 2 bức vẽ cháu nội và 3 bức vẽ họa sĩ Văn Dương Thành. Tại triển lãm lần này, họa sĩ Văn Dương Thành công bố duy nhất một tác phẩm và cũng là bức khai bút đầu Xuân của Đại tướng.

Đó là mùa Xuân năm Kỷ Mão 1999, khi họa sĩ Văn Dương Thành vinh dự được đến chúc Tết gia đình Đại tướng. Sau những trò chuyện, tâm sự của Đại tướng về thời thơ ấu, thời trẻ, khi gặp Bác Hồ và tham gia cách mạng, Đại tướng nói với họa sĩ: “Mùa Xuân để tôi vẽ một bức khai bút đầu Xuân”. Và bất ngờ, Đại tướng chọn vẽ chân dung họa sĩ Văn Dương Thành.

Họa sĩ Văn Dương Thành nhớ lại: “Bác cầm bút lên là vẽ một mạch không nghỉ. Đại tướng phóng bút là ra được bức tranh một cách thư thả, thoải mái. Phải nói rằng Đại tướng có sự quan sát vô cùng tinh tế. Bức tranh không khô cứng, rụt rè mà đầy đặc tính của giải phẫu, đặc tính của nhân vật, niềm vui, sự bay bổng và đặc biệt là sự chuyển động của các nét vẽ rất mềm mại, dịu dàng…, từng chi tiết được Đại tướng thể hiện vô cùng sinh động.

Với tác phẩm này, tôi nghĩ rằng ít nhiều sẽ tạo nên một sự “chấn động” trong giới mỹ thuật bởi học hội họa như chúng tôi hàng chục năm, đôi khi cầm bút vẫn còn khó khăn, thậm chí không diễn tả được. Nhưng với Đại tướng, đây là giây phút thảnh thơi, nên Đại tướng không hề lúng túng với các kỹ thuật hội họa”.

“Tôi nghĩ điểm thành công trong nghệ thuật của Đại tướng là sự tự tin, sự truyền cảm và khả năng lột tả được đặc tính của nhân vật. Chiêm ngưỡng bức họa của Đại tướng, tôi thấy đó là một tác phẩm chuyên nghiệp bậc thầy” – nhận xét của họa sĩ Văn Dương Thành.

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm