Kỳ 1: Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên: Rưng rưng với bản thu âm giọng ca Sài Gòn 1900

21/01/2017 09:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, một bản ghi âm được suy đoán có liên quan đến đờn ca tài tử, ra đời từ năm 1900 đã được tìm thấy. Chính dấu mốc “xa xưa” đã khiến người ta giật mình: bao nhiêu loại âm thanh trong quá khứ “đã chết”, nhất là khi các phương tiện ghi âm chưa phổ dụng? Bao nhiêu âm thanh được coi là bất tử, bất hủ cần bảo tồn? Cùng tìm hiểu vấn đề “bảo tồn âm thanh” - Một khoa học và một nghệ thuật.

Ngày 3/12/2016, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên (giảng viên Đại học Quốc gia Australia) đã phát hiện trong những công bố số hóa của Trung tâm Nghiên cứu dân tộc nhạc học của Pháp (Centre de Researche en Ethonomusicologie) có một bản thu âm giọng ca nữ của người Sài Gòn. Hồ sơ của bản thu âm có ghi rõ nghề nghiệp của người được thu âm là “diễn viên bi kịch” (tragédienne).

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đặt giả thuyết bài ca này có thể có vết tích của sự hình thành ca tài tử vào cuối thế kỷ 19. Hy vọng phát hiện bản thu âm năm 1900 này sẽ góp phần hữu ích trong việc nghiên cứu âm nhạc Nam bộ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Nguồn gốc của bản thu âm đến từ Triển lãm toàn cầu tại Paris năm 1900 (Exposition Universelle de Paris 1900). Năm đó nhà nhân chủng học người Pháp Léon Azoulay đã thực hiện khoảng 400 ống sáp thu âm (wax cylinder) để ghi lại âm nhạc và tiếng nói của nhiều sắc dân trên thế giới. Bộ sưu tập thu âm này còn được sự hỗ trợ của Tổng cao ủy Đông Dương và đặc biệt là ông Viterbo, Giám đốc Khu triển lãm Đông dương của triển lãm này.

Từ Australia, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, người công bố phát hiện này, đã có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa:

* Thưa anh, anh phát hiện ra bản thu âm giọng ca nữ của người Sài Gòn năm 1900 trong bối cảnh như thế nào?

- Sau khi phát hiện sự kiện Cleo de Merode và các vũ công châu Âu kết hợp với ban nhạc Tài tử tại Triển lãm Toàn cầu Paris 1900 và sự kiện ban nhạc Nguyễn Tống Triều trình diễn tại Triển lãm Thuộc địa Marseille 1906, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu với niềm hy vọng sẽ tìm được tài liệu bằng phim và thu âm của các sự kiện này.

Với hàng trăm triệu tài liệu trong các thư viện và kho lưu trữ của Pháp, có thể tìm cả đời cũng không thấy. Trong quá trình tìm kiếm này, tôi lại tìm thấy bản ghi âm giọng ca của người Sài Gòn năm 1900.

Trước đây các ống thu âm bằng sáp trong bộ sưu tập của TS Leon Azoulay được lưu trữ ở Viện bảo tàng Con người và chỉ có một số ít các nhà nghiên cứu biết đến. Cơ hội để được tiếp cận các tư liệu này rất khó khăn và tốn kém. Gần đây, phần lớn các thư viện và khó lưu trữ đã quyết định số hóa và công bố trên mạng rất nhiều tư liệu.

Tôi là người Sài Gòn cho nên tôi rất vui mừng và thật sự rung động khi tìm thấy bản thu âm giọng ca người Sài Gòn duy nhất trong Bộ sưu tập của TS Azoulay.


Liệu bản thu âm trong ống sáp có phải là một giọng đờn ca tài tử? Ảnh: Ban nhạc đờn ca tài tử đầu thế kỷ

*Nhìn ở khía cạnh dân tộc - nhạc học, những bản ghi âm như thế này giúp chúng ta nhận ra những điều gì?   

-Trước khi có máy ghi âm, ngành dân tộc nhạc học có hai mục đích chính là ký âm và mô tả các nền âm nhạc khác để đối chiếu với âm nhạc Tây Phương. Tuy nhiên, nốt nhạc và chữ viết với hình vẽ/hình chụp không thể nào cho thấy mọi khía cạnh của âm nhạc của một nền văn hóa khác.  

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên là một nhà soạn nhạc, nghiên cứu và nghệ sĩ guitar. Ông quan tâm về nhạc guitar, nhạc Úc chịu ảnh hưởng nhạc Á châu và nhạc Truyền thống Việt Nam. Ông hiện là Giảng viên về World Music tại Đại học Quốc gia Australia.

Có những đặc điểm trong âm thanh không thể nào ghi lại hoặc mô tả mà chỉ có thể hiểu bằng cách nghe.  Trong ngôn ngữ cũng vậy, một số đặc điểm của tiếng nói không thể mô tả mà phải chỉ có thể hiểu bằng cách nghe. Thí dụ: khó có thể phân biệt giong Nam hay giọng Bắc hoặc giọng Trưng bằng cách mô tả hoặc ký âm.

Tục ngữ có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, nhưng trong nghiên cứu âm nhạc có lẽ phải nói ngược lại là trăm thấy không bằng một nghe”.  Dù có thấy được ký âm và đọc được rất nhiều tài liệu, nghiên cứu âm nhạc phải có kèm theo âm thanh mới hoàn chỉnh.

* Dựa vào những đặc điểm nào mà anh suy đoán nó có liên quan đến đờn ca tài tử?

- Rất khó xác định chính xác đây hình thái nghệ thuật nào. Trong nghiên cứu, mỗi cá nhân sẽ có nhận định riêng và chưa chắc sẽ có sự đồng thuận. Đối với tôi, sự đồng thuận cũng không cần thiết trong nghiên cứu. Các thế hệ về sau sẽ tự thấy và sẽ có kết luận.

Thật ra hồ sơ của bài ca này có ghi là “dân ca trữ tình” nhưng tôi đặt giả thuyết bài ca này có thể có vết tích của sự hình thành Ca tài tử vào cuối thế kỷ 19 dựa theo một số nhận định như sau:

Đặc điểm về cách luyến láy, sự trang điểm: có sự tương quan và phù hợp với nhạc Tài tử. Bài ca này không thấy các tiếng đệm lót hay được sử dụng trong dân ca.

Đặc điểm về ca từ: Ca từ của dân ca thường mang tính cách bình dân và có nhiều sự lập đi lập lại.  Khác với ca từ của dân ca, ca từ của nhạc Tài tử có nguồn gốc trí thức và thường có chữ Hán - Việt và thường có chứa đựng điển tích.  Trong bản thu âm có một số ca từ it khi được sử dụng trong dân ca nhưng rất phù hợp với ca từ tài tử.

Đây là một vài thí dụ:

"sầu đêm sầu đêm…thấu canh tàn…càng mơ màng vọng lang"/ "băn khoăn ơ mà tình khuya, gió ra tư lự"/ "chút ân tình tri nghĩa bát loan"/ "con chim nó bắt cầu sông Ngân" / "đau lòng Nữ lang"/ "tào khang".


Ống sáp thu âm trong bộ sưu tập Léon Azoulay. Ảnh: Jean-Marc Fontaine

* Trong khoảng 400 ống sáp thu âm (wax cylinder) nhà nhân chủng học người Pháp Léon Azoulay dùng để ghi lại âm nhạc và tiếng nói của nhiều sắc dân trên thế giới. Anh nghĩ rằng có khoảng bao nhiêu ống liên quan đến người Việt?

- Theo tôi biết có đúng 15 bản thu âm liên quan đến âm nhạc và ngôn ngữ Việt Nam.  Trong đó có thu âm Hát bội và ngâm thơ Thúy Kiều.  Chỉ có một bản thu âm duy nhất của người Sài Gòn

* Thời đó ghi âm rất phức tạp và tốn kém, tại sao người ta lại ưu tiên mời diễn viên bi kịch để thu âm, anh có suy đoán được không?

- Mục đích của TS Azoulay là muốn tạo sự đa dạng trong bộ sưu tập này. Người được chọn thu âm phản ánh rất nhiều tầng lớp trong xã hội trên toàn thế giới. 

Trong danh sách này có quân đội, giáo chức, kỹ sư, thương gia, nhạc công, diễn viên, nông dân, vũ công, va có cả geisha người Nhật trình diễn đàn shamisen. Bộ sưu tập thu âm này được sự hỗ trợ của Tổng Cao Ủy Đông Dương và đặc biệt là ông Viterbo, Giám đốc Khu Triển lãm Đông dương của Triển lãm Toàn cầu Paris 1900.  Có lẽ họ đã đề nghị cho cô diễn viên từ Sài Gòn để thu âm.

* Xin cảm ơn anh.

Hồ sơ bản thu âm:

Tên bài ca: Dân ca tình yêu (Chant populaire d'amour)

Bộ sưu tập của tiến sĩ Léon Azoulay: Exposition Universelle de Paris, 1900

Thời gian ghi âm: trong khoảng 1/1 - 31/12 năm 1900

Thu âm tại Paris Xuất xứ của người được thu âm: Sài Gòn, Đông Dương

Ngôn ngữ: tiếng An Nam

Giọng ca nữ Mã số: CNRSMH_I_1900_001_015

Mã số nguyên gốc: BM.1976.011.001/45:02-03

Ống ghi âm số 195

Thời lượng: 2 phút 30 giây.

Phân tích ban đầu cho thấy bài ca này có thang âm từ Fa Nam (Fa, La giáng, Si giáng, Đô, Mi giáng), chuyển qua Fa Bắc (Fa, Sol, Si giáng, Đô, Rê), lúc gần cuối bài có sự xê dịch chủ âm giữa Rê Bắc (Rê, Mi, Sol, La, Si) và Đô thăng Bắc (Đô thăng, Rê thăng, Fa thăng, Sol thăng, La thăng).

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm