KTS Ngô Viết Nam Sơn: Chưa có đại diện xuất sắc cho Kiến trúc hiện đại Việt Nam

24/02/2013 08:17 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên, hai cơ quan ngôn luận của Hội KTS Việt Nam là tạp chí Kiến trúc và trang tin điện tử kienviet.net đứng ra tổ chức bình chọn Sự kiện - Công trình kiến trúc - quy hoạch Việt Nam tiêu biểu năm 2012. Nhân giải thưởng mới này của kiến trúc Việt Nam (bên cạnh giải thưởng Kiến trúc Quốc gia định kỳ 2 năm/lần, TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi cùng TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn.

* 4 tiêu chí để đề cử và bình chọn Sự kiện - Công trình kiến trúc - quy hoạch tiêu biểu được ban tổ chức nêu rõ, gồm: Độc đáo, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, có tính đột phá, mang ý nghĩa tích cực, tạo dấu ấn, làm biến đổi hình ảnh đô thị, cảnh quan môi trường, áp dụng công nghệ tiên tiến, góp phần định hướng kiến trúc xanh; Có ý nghĩa khoa học; Có ý nghĩa thực tiễn và Có ý nghĩa xã hội. Anh bình luận gì về các tiêu chí giải thưởng này và nếu đề cử thì anh đề cử công trình nào?

- Tôi đánh giá cao những sáng tạo đơn giản nhưng tạo hiệu quả cao trong kiến trúc, ví dụ như trong ý tưởng thiết kế của công trình Stacking Green (KTS Võ Trọng Nghĩa), tạo nên những không gian khác biệt có giá trị, nhờ vào sự bố trí sáng tạo tổ hợp những thành phần cơ bản, mà ta vẫn thường thấy trong những nhà phố (lam nắng, mái bằng, bồn hoa,…). Tuy vậy, khái niệm “xanh” đưa ra chưa có gì mới lạ hoặc mang tính đột phá, và công trình này vẫn chưa thật sự là một kiến trúc xanh đúng nghĩa, cho dù có trồng nhiều cây xanh.


KTS Ngô Viết Nam Sơn trao đổi cùng KTS Jean Nouvel, người đoạt giải thưởng kiến trúc Pritzker 2008 (được coi là giải Nobel trong lĩnh vực kiến trúc).

Cá nhân tôi chú trọng đến cái đang được gọi là “định hướng kiến trúc xanh”. VN hiện chưa xây dựng được hệ thống đánh giá kiến trúc xanh chính thức và từ giờ cho đến khi có được hệ thống này và đưa vào áp dụng trong thực tế, chúng ta chưa nên vội nghĩ đến giải thưởng Kiến trúc xanh. Hiện nay, ngay cả vấn đề thế nào là kiến trúc xanh, vẫn còn nhiều ngộ nhận trong giới chuyên môn và chưa có sự đồng tình chung về cách đánh giá. Việc nhà đầu tư lợi dụng giải thưởng Xanh năm 2012 cấp cho dự án Ecopark, cho dù chưa thật xứng đáng, để phục vụ lợi ích riêng, bỏ qua lợi ích cộng đồng, đã tạo ra nhiều dư luận không tốt trong và ngoài nước. Hội đồng Xanh Việt Nam, mà tôi hiện là một thành viên, đang nghiên cứu hoàn thiện Bộ tiêu chí kiến trúc xanh Lotus cho VN.

* Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia do Bộ VH,TT&DL, Bộ Xây dựng và Hội KTS VN đồng tổ chức định kỳ 2 năm/ lần vẫn được coi là danh giá nhất trong lĩnh vực kiến trúc ở VN. Anh có nhận xét gì về một số công trình được vinh danh tại giải này như Trường THPT Hà Nội - Amsterdam mới, nhà ga Liên Khương - giải nhất năm 2010?

- Hai công trình giải nhất Kiến trúc Quốc gia năm 2010 là những công trình đẹp, thể hiện các giải pháp thiết kế thông minh trong điều kiện kinh tế và kỹ thuật còn hạn chế. Tuy nhiên, cả hai công trình chưa thể là đại diện cho nền kiến trúc thời đại của VN ở thời kỳ hội nhập, vì chỉ mới dừng ở mức áp dụng các kỹ thuật và các giải pháp kiến trúc khá thông dụng từ vài chục năm nay ở các nước.

Mặt tốt của giải thưởng này là sự công nhận các thành tựu, cho dù vẫn còn hạn chế, giúp khuyến khích giới trẻ sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của kiến trúc nước nhà. Giới KTS lão thành thì có lẽ không cần sự “khuyến khích” nói trên, mà cần tự ngẫm và trăn trở nhiều hơn về câu hỏi tại sao nước mình có nhiều giải thưởng là thế, mà vẫn không tìm được một vài công trình có thể thực sự được gọi là thành tựu đánh dấu cho nền kiến trúc hiện đại VN, ngang tầm với thế giới.

Thêm nữa, ngành quy hoạch kiến trúc ngày nay đã phát triển rất rộng, không còn gói gọn trong lĩnh vực thiết kế, mà còn ở quản lý, lý luận, giáo dục, nghiên cứu,… song nhiều lĩnh vực không được vinh danh bằng những giải thưởng giá trị. Do vậy, mặt không tốt của các giải thưởng quy hoạch kiến trúc, nếu bị lạm dụng, là có thể tạo ra: thứ nhất, sự tự mãn “ảo” của một số KTS, chỉ quan tâm vận động mọi cách để đoạt nhiều giải thưởng, mà không thấy rằng, những hư danh sẽ tan dần theo sự sàng lọc của thời gian và sự phát triển trình độ nhận thức của người dân; thứ hai, dư luận sẽ sai lầm nếu chỉ đánh giá cao những KTS có nhiều giải thưởng, gián tiếp khuyến khích giới KTS trẻ chạy theo hư danh như một thước đo giá trị, thay vì nên quan tâm nhiều hơn đến việc làm sao thay đổi chất lượng môi trường sống và làm việc của người dân.

Có nhiều chuyên gia giỏi đang đóng góp rất nhiều cho xã hội, nhưng họ không hề quan tâm đến những giải thưởng, đặc biệt là của VN, do thường phải “xin” thì mới được “cho”.

Công trình Ngôi nhà xanh (Stacking Green) của KTS Võ Trọng Nghĩa vừa được tạp chí kiến trúc uy tín của Mỹ - ArchDaily trao giải Tòa nhà của năm

* Nhìn rộng ra mặt bằng khu vực Đông Nam Á, kiến trúc VN (do KTS VN thiết kế) đang đứng ở vị trí nào, theo anh?

- Cho tới nay, tôi chưa chọn được công trình nào ở VN, kể cả do KTS VN hay do KTS nước ngoài thiết kế, có thể là đại diện xuất sắc cho giai đoạn phát triển hiện đại hiện nay của VN. Tuy vậy, tôi có lòng tin rằng với sự năng động, nhanh chóng học hỏi các bài học kinh nghiệm của thế giới, đi đôi với chiều hướng thay đổi tích cực về tư duy nhận thức của các nhà lãnh đạo và nhà đầu tư, một số trong chúng tôi sẽ sáng tạo được những công trình mang dấu ấn đại diện cho thời kỳ của mình trên trường quốc tế trong tương lai gần.

* Anh cho rằng hạn chế nội tại của chính KTS là gì? Phải chăng, KTS VN vẫn chỉ có thể đảm trách được những công trình nhỏ xinh như nhà ở, quán cà phê, khu resort nhỏ, còn những công trình lớn, cần một tầm nhìn vĩ mô và sáng tạo, cần sự hiểu biết sâu rộng về các kỹ thuật và vật liệu tiên tiến, thì chưa thể làm được?

- Việc tạo nên những tác phẩm lớn cần trình độ nhận thức cao, lý tưởng, và sự đoàn kết hợp tác của nhiều người, trong đó bao gồm tầm nhìn của lãnh đạo, tâm huyết của nhà đầu tư, sáng tạo của KTS, trình độ kỹ thuật tiên tiến của các chuyên gia, khả năng phối hợp nâng cao hiệu suất cộng tác của các nhà quản lý, ứng dụng công nghệ mới của các nhà cung cấp,…

Tuy vậy, tôi cho rằng một KTS chân chính cần đối mặt với thử thách, và tự tạo ra cơ hội cho mình, chứ không thụ động ngồi chờ. Việc KTS Võ Trọng Nghĩa, qua các giải thưởng, tạo được quan tâm của một số KTS quốc tế đến một số công trình nhỏ với kinh phí khiêm tốn nhưng mới lạ về ý tưởng, hay việc nhiều chuyên gia quy hoạch kiến trúc tạo được những tác động tích cực lên nhận thức và tầm nhìn phát triển đô thị của các nhà lãnh đạo qua những bài viết, là những ví dụ tốt cho các KTS trẻ để tự vượt qua những hạn chế nội tại, nếu có.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn là thành viên nhóm thiết kế các dự án : Phố Đông Thượng Hải (Giải thưởng danh dự của Viện kiến trúc Hoa Kỳ), Đô thị mới Filinvest và Nhà ga sân bay quốc tế Aquino tại Philippines, Cao ốc đa chức năng Almaden tại San Jose (Mỹ), Cao ốc Công ty HDB tại Singapore, Trung tâm huấn luyện phi công tại Orlando (Mỹ, Giải thưởng kiến trúc của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ ở Florida), Tổng mặt bằng quy hoạch phát triển mở rộng campus và khu dân cư lân cận của Đại học Washington tại Seattle (Mỹ), Đô thị Nam Sài Gòn (Giải thưởng danh dự của Viện kiến trúc Hoa Kỳ và tạp chí Tiến bộ Kiến trúc).


Bài: Chi Mai, Ảnh: Lý Hoàng Long
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm