Không PR khó thành best-seller

14/10/2013 14:57 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ sách Xách ba lô lên và đi của cô gái trẻ Nguyễn Thị Khánh Huyền, bút danh Huyền Chip, sẽ không ồn ào đến thế nếu xung quanh cuốn du ký được viết với bút pháp không có gì đặc biệt này không có những câu chuyện truyền thông gây chú ý, mà ngôn ngữ thời nay là PR.

Hiện tượng truyền thông & cú phản đòn?

Không thể so sánh với hàng loạt sách du ký nở rộ trên thị trường thời gian gần đây của các tác giả tên tuổi như Tôi là một con lừa của nữ tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (nguyên Thư ký tòa soạn báo Hoa học trò, giảng viên đại học tại Hà Lan), Một mình ở châu Âu của tiến sĩ, nhà văn Phan Việt (giảng viên tại Mỹ), Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương của Ngô Thị Giáng Uyên, người nổi danh từ thuở sinh viên với các học bổng quốc tế danh giá và sau này là những vị trí cao tại các công ty đa quốc gia, Nước Ý, câu chuyện tình của tôi của nhà báo Trương Anh Ngọc…, cả về sự phong phú và độ từng trải văn hóa lẫn bút pháp thể hiện, Xách ba lô lên và đi của Huyền chip đúng là còn khá… “chíp”. Tuy nhiên “chíp” lại qua mặt tất cả ở độ phủ sóng truyền thông, vừa kéo dài, vừa đậm đặc.

Nói theo ngôn ngữ của một chuyên gia trong ngành truyền thông - PR chuyên nghiệp tức là tạo “câu chuyện” để truyền thông phải chạy theo - thì có thể thấy Xách ba lô lên và đi và Huyền chip đúng là một hiện tượng PR chuyên nghiệp vào loại số một trong làng xuất bản ở Việt Nam. “Câu chuyện” mà người làm sách này tạo nên chỉ nằm trong gần như duy nhất 2 con số: 700 và 25. Với 700 USD đi 25 nước tạo thành “câu chuyện” vô cùng hấp dẫn: Biến điều không thể (không thể đi du lịch 25 nước với khoản tiền ít một cách phi lý như thế) thành có thể (đây, cuốn sách và tác giả, người thật việc thật!). Người làm sách đã đưa thông tin “không thể tin được” này trở thành “slogan” của cuốn sách và cũng đưa tác giả (người thật việc thật) của nó tham gia vào các cuộc ra mắt, giới thiệu sách. “Song kiếm hợp bích” này đương nhiên tạo nên “hiện tượng của ngành xuất bản 2013”. Và không chỉ thế, “hiện tượng” này được khuếch tán dưới nhiều góc độ khác nhau, và từ “hiện tượng của ngành xuất bản”, nó đã trở thành “hiện tượng của xã hội”: “Bước chân của Huyền khởi đầu cho trào lưu mới trong giới trẻ Việt: Khát khao vươn ra thế giới, đi và trải nghiệm” (báo Tiền Phong)”, Ta “ba lô” không chỉ để thỏa mãn khát khao khám phá, trưởng thành mà còn đem hình ảnh, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu” (báo CAND), “Bạn ấy dường như đứng ngoài khuôn mẫu thông thường của một nhân vật quan trọng” (báo Thanh niên)...

Nếu không có cú “phản đòn” cũng của chính truyền thông thì chắc chắnXách ba lô lên và đi 2 tập là một thành công đáng nể của truyền thông sách năm nay. Câu chuyện hấp dẫn “biến điều không thể thành có thể” của Xách ba lô lên và đi đã “phản” lại chủ nó khi truyền thông dùng chính thế mạnh của “hiện tượng” này - sự thật - để lật lại vấn đề. Câu chuyện đi tìm sự thật đằng sau một cuốn sách rõ ràng đã vượt quá tầm kiểm soát của người làm sách và người viết sách. Cũng như vậy, một bài học cơ bản của PR nói rằng PR chính là con dao hai lưỡi…


Xách ba lô lên và đi: Hiện tượng của xuất bản 2013 nhờ truyền thông

Không thành công cũng thành… danh?

Sự thật là trong mươi năm trở lại đây, sách được PR bằng đủ kiểu trước khi tung ra thị trường. Mấy năm trước, khi viết xong tiểu thuyết đầu tay Sợi xích, người đẹp Lê Kiều Như gây choáng váng cho báo giới bằng một cuộc họp báo tại khách sạn 5 sao (có lẽ lần đầu tiên sách chọn ra mắt ở một nơi sang trọng như vậy), còn bản thân tác giả xuất hiện trong bộ cánh “Can Lộ Lộ”  (sách cũng tận dụng in kèm khá nhiều hình gợi cảm của tác giả). Sợi xích đã tạo nên một scandal trong làng xuất bản, nhưng tác giả của nó sau đó, như chính cô thừa nhận, được biết đến nhiều hơn, có nhiều sô diễn hơn (vì cô là ca sĩ). Sợi xích chẳng thể “đặt nền móng” hay “tiên phong” cho thể loại… “dâm thư” ở Việt Nam nhưng hiện khá nhiều cây bút học tập Lê Kiều Như, sách vừa in xong đã tuyên bố “sách của tôi có sex, có đồng tính”… Quan điểm của các tác giả “la to” này là: Không la to thì ai biết mình là ai mà mua sách?

Tung tin “sách giả”, tung tin “tái bản liên tục” cũng là những chiêu PR sách khá phổ biến. Thậm chí, đánh vào tâm lý đám đông, “cái gì cấm sẽ càng được thích”, không ít tác giả còn mong cho… sách mình bị cấm! Bằng chứng là có một tác giả trẻ có sách bị cấm phát hành do nội dung dâm ô đồi trụy, lập tức sách này được tung ra bán vỉa hè, tác giả mừng hết biết. Vì sau gần một năm phát hành ế chỏng chơ, ngay sau khi có tin thu hồi, lập tức thành best-seller!

Thật sự thì, không chỉ tới hôm nay, khi hai chữ PR gần như thành từ cửa miệng, thì các hình thức quảng bá sách “ngoài sách” mới được biết tới. Thời truyền thông không mở rộng cửa như hiện nay, giai thoại và xây dựng giai thoại bên lề văn chương, bên lề tác phẩm có thể xem là một công cụ truyền thông cực “đắt”.Tuy nhiên, giai thoại dù cố tình tạo ra hay do người đời gán cho, điều cơ bản cuối cùng của nhà văn vẫn là tác phẩm có giá trị sống được với thời gian hay không. Có thể kể trường hợp nhà văn Nguyễn Tuân với vô vàn giai thoại liên quan đến bản thân ông và tác phẩm của ông. Nhưng nếu văn chương của Nguyễn Tuân không có giá trị, thiết nghĩ những giai thoại về ông đã không thể xuất hiện và tên tuổi, văn tài Nguyễn Tuân đã không được nhớ đến và tìm đọc đến tận bây giờ. Trường hợp Bùi Giáng và nhiều nhà văn khác cũng thế, rất nhiều giai thoại về cuộc đời các tác giả được vô tình hay cố ý dựng lên, nhưng nếu tác phẩm không ra gì thì cuối cùng cũng chỉ là con số không... Gần đây nhất là trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông luôn tạo thành cơn sốt mỗi khi in tác phẩm mới. Sách của Nguyễn Nhật Ánh được nhiều người đón đọc không chỉ vì được truyền thông quảng bá rầm rộ, sách của ông được đọc nhiều bởi sự “đàng hoàng” của nội dung. Thực sự thì, Nguyễn Nhật Ánh đã lấy sự “đàng hoàng” của tác phẩm để PR trong hàng chục năm cầm bút của ông.

Bởi vậy, làm sách hay viết sách, không thể theo kiểu ăn xổi kiếm danh, kiếm lợi qua từng phi vụ PR được.

THANH KIỀU
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm