Khí phách Việt Nam giữa sự im lặng của những trang nhật ký

30/04/2020 08:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Lần đầu tiên, những tác phẩm Nhật ký thời chiến Việt Nam hay nhất, nổi tiếng nhất một thời, đã đứng chung trong một bộ sách, với hơn 30 tác phẩm của hơn 30 tác giả. Những tập đầu tiên của bộ sách ra đời đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) đã gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc. Làm nên bộ sách này không thể không nhắc đến ý tưởng và nỗ lực của nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng với vai trò người sưu tầm, chủ biên trong hành trình 16 năm qua, kể từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm Mãi mãi tuổi 20. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của anh.

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sẽ được dịch ra tiếng Nga

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sẽ được dịch ra tiếng Nga

Trong thời gian tới, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" sẽ tiếp tục được dịch sang ngôn ngữ thứ 20 - tiếng Nga.

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam không chỉ có 2 cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Mãi mãi tuổi 20Nhật ký Đặng Thùy Trâm; mà còn có cả những cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường: Gửi lại mai sau của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn); đặc biệt, là những trang viết của các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, nhật ký Vượt Trường Sơn của Phạm Quang Nghị, Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh, bộ ba Nhật ký Bê trọc của Phạm Việt Long và Nhật ký đi B của Triệu Bôn.

Chú thích ảnh
Di bút trong trang cuối cùng nhật ký “Gửi lại mai sau” của liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn (tức Nguyễn Hải Trường) - nhật ký đã trở thành một trong những cuốn sách truyền thống “gối đầu giường” của Bộ đội Biên phòng hiện nay

Bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký Trở về trong giấc mơ của Trần Minh Tiến - chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô văn công xung kích xứ Hà Đông xưa; hoặc nhật ký Tài hoa ra trận đầy chất văn chương lãng mạn của chàng họa sĩ Hoàng Thượng Lân (bạn cùng lứa của 2 người nổi tiếng là họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Lê Trí Dũng)…

Từ một cuộc vận động…

Xin ngược dòng thời gian một chút. Tháng 12/2004, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, thay mặt một nhóm các nhà văn và cựu chiến binh, tôi đã chính thức phát động Cuộc vận động Sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ý tưởng trên đã được các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa hưởng ứng nồng nhiệt. Kết quả của cuộc phát động này là hàng trăm cuốn sách tư liệu vô giá trong Tủ sách Mãi mãi tuổi 20 ra đời.

Đặc biệt, việc xuất bản 2 cuốn sách Mãi mãi tuổi hai mươi Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở thành 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2005, do Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) tổ chức bình chọn. Cũng năm đó, cùng với báo Tuổi trẻ, tôi vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT. Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận: Đặng Vương Hưng là nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức Cuộc vận động Sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam.

Chú thích ảnh
4 tập đầu tiên của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, mỗi tập dày hơn ngàn trang khổ lớn

Tại sao lại là nhật ký?

Tại sao lại là nhật ký mà không phải là hồi ký, hay những thể loại văn học phi hư cấu khác? Vâng, quả thực là có những người, vì nhiều lý do, mà trong suốt cuộc đời không viết một trang nhật ký, không ghi chép một trang sổ tay nào. Nhưng với nhiều người khác thì ghi nhật ký lại là một nhu cầu không thể thiếu, thậm chí lại là sự đam mê, nhất là ở thời kỳ còn ghi chép chủ yếu bằng bút mực và giấy trên sổ tay, chưa có internet, chưa có máy tính và điện thoại thông minh như thời công nghệ số hiện nay.

Anh lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc, ngày 18/4/1972, đã tâm sự về điều này trong nhật ký Mãi mãi tuổi 20 như sau:

“Nếu như người viết nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất. Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có. Nhưng nếu nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ khác và khác nhiều. Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xảy ra trong ngày, không dám nói hết và đúng những suy nghĩ đã nảy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều tối kỵ khi viết nhật ký. Nó sẽ dạy cho người viết tự lừa dối ngòi bút của mình, tự lừa dối lương tâm của mình. Tóm lại, tạo ra 2 con người.

Chú thích ảnh
Nhà văn Đặng Vương Hưng và bản thảo khổ giấy A4 của bộ sách trước khi đưa in, nặng gần 10kg

Người ta viết nhật ký có rất nhiều phương pháp. Và mỗi người tùy theo ý thích và sự quen thuộc của mình mà ghi chép. Có người chỉ thích viết ý nghĩ, có người hoàn toàn ghi những sự kiện nhỏ nhặt hàng ngày. Còn mình, mình không biết thế nào, có lẽ vừa ghi những sự kiện, vừa ghi những suy nghĩ. Nhiều lúc cũng khó mà phân biệt đâu là suy nghĩ, đâu là sự kiện. Và sự trộn lẫn ấy là một điều rất quý”.

Thực ra, ghi nhật ký (kể cả của các nhà văn) không phải là làm văn, mà trước hết đó chính là cuộc đời. Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành tác giả nhật ký... Bởi thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến lạ kỳ.

Nếu đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, nhật ký Vượt Trường Sơn của Phạm Quang Nghị, nhật ký Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh, Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký Bê trọc của Phạm Việt Long, hay Nhật ký đi B của Triệu Bôn… chúng ta sẽ thấy các tác giả giống nhau ở một điểm: Họ đều là những phóng viên chiến trường, nhật ký đều được viết trong nửa cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 tại chiến trường miền Nam. Nhưng mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau, phản ánh sự thật ác liệt đến trần trụi. Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi vẫn nóng hổi hơi thở chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh.

Nên có một bảo tàng…

Những thân nhân của các liệt sĩ khi gửi cho chúng tôi những trang nhật ký, những lá thư và di vật còn lại của người thân trong gia đình mình, bên cạnh mục đích để biên soạn vào bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam, còn có mong muốn được lưu giữ lại kỷ vật (nhiều khi là di vật cuối cùng và duy nhất) của người cha, người chồng, người anh, người em yêu quý... cho thế hệ sau. Nhiều người có chung ý nghĩ và bày tỏ: Từ lâu tôi vẫn muốn gửi những trang viết và cuốn sổ tay này cho một bảo tàng nào đó để lưu giữ. Nhưng tôi cứ phân vân liệu nó có được trân trọng hay không? Tôi cứ nghĩ nếu có một bảo tàng nào đó chuyên sưu tập và bảo quản những trang Nhật ký thời chiếnNhững lá thư thời chiến thì hay biết mấy. Chúng tôi sẵn sàng hiến tặng…

Một điều đặc biệt là: 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình, với hy vọng: “Sau khi cuốn sách được phát hành, biết đâu sẽ tìm được phần mộ liệt sĩ, hoặc thông tin mất tích của người thân”…

Giá trị của “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

Cùng với sự phát triển của internet, máy tính nối mạng và điện thoại thông minh, những trang nhật ký được viết bằng bút mực trên giấy, ngày một hiếm dần đi. Thay vào đó là những dòng nhật ký, suy nghĩ, cảm nhận được viết hằng ngày trên máy tính, điện thoại thông minh. Chúng có thể được bí mật, riêng tư và cũng có thể được công khai trên các website và mạng xã hội.

Ngày nay, công nghệ số hóa cho phép người ta chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính, hoặc điện thoại thông minh là có thể lưu giữ cảm xúc, suy nghĩ, hoặc gửi cho nhau cách xa hàng vạn cây số. Và trong nhật ký không chỉ có nội dung những con chữ, mà còn cả hình ảnh, âm thanh sống động…

Nhưng có lẽ vì thế, mà những trang nhật ký viết tay, đặc biệt là Nhật ký thời chiến Việt Nam, lại càng có giá trị hơn! Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh, đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống!

Cựu chiến binh - Nhà văn Đặng Vương Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm