'Kết thúc' cải lương, mở đầu lễ hội

14/01/2019 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hai sự kiện đáng chú ý tuần này là chương trình biểu diễn cải lương diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) trong hai đêm 13 - 14/1 và Hội nghị về quản lý, tổ chức lễ hội Xuân 2019, dự kiến diễn ra ngày 17/1.

Kết thúc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Thừa 'đào, kép' trẻ, thiếu soạn giả, đạo diễn

Kết thúc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Thừa 'đào, kép' trẻ, thiếu soạn giả, đạo diễn

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 tại Long An đã kết thúc vào tối qua 19/9. Và 32 vở diễn từ 25 đơn vị nghệ thuật (có 8 đơn vị xã hội hóa) cũng chính là bức tranh khái quát về diện mạo sân khấu cải lương hiện tại, sau 100 năm hình thành, phát triển với lắm thăng trầm.

1. Hai đêm biểu diễn cải lương trên phố đi bộ Nguyễn Huệ được xem là kết thúc đợt kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương. Nếu đêm 13/1 nặng phần lễ, thì đêm 14/1 này nặng phần hội, nơi giới mộ điệu sẽ có dịp xem những tiết mục cải lương đặc sắc.

“Đêm này không lệ thuộc thời lượng truyền hình trực tiếp, nên các tiết mục sẽ có dịp nhấn nhá, diễn cho tới, cho đã” - đạo diễn Hoa Hạ nói.

Nhìn lại lịch sử 100 năm, hiện nay cải lương đang lúc suy vi, khán giả nhiều người quay lưng với nó. Trong bối cảnh như vậy, những nhóm cải lương xã hội hóa ra đời, duy trì hoạt động là minh chứng cụ thể cho nỗ lực của chính bản thân người nghệ sĩ trước những thăng trầm của nghề nghiệp.

Chú thích ảnh
Một tiết mục của đêm 13/1. Ảnh: Ngọc Dương

Đêm 14/1 được xem là phần trình diễn của các sân khấu xã hội hóa, tư nhân. Đêm diễn có các trích đoạn như Bạch Đằng giang dậy sóng (nhóm Chí Linh - Vân Hà), Trúc đường (sân khấu Lê Hoàng), Cờ nghĩa Tây Sơn (Đoàn Vũ Luân), Câu thơ yên ngựa (Minh Tơ), Rạng Ngọc Côn Sơn (Đoàn Kim Tử Long), Dấu ấn giao thời (Đoàn Thắp sáng niềm tin), Thuận lòng trời (Sân khấu Sen Việt)… Riêng Huỳnh Long thì diễn liên khúc Hồ Quảng, giới thiệu các nét chính của điệu bộ cải lương tuồng cổ, sau đó diễn trích đoạn Mặt trời đêm thế kỷ.

Chương trình quy tụ gần 400 nghệ sĩ, diễn viên múa, nhạc công và 20 tên tuổi gạo cội trong giới cải lương như Lệ Thủy, Minh Vương, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Thanh Tuấn, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Tuấn Thanh, Trọng Hữu, Thoại Miêu, Trường Sơn…

Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu từng có sức lan tỏa mạnh mẽ; không chỉ được đại đa số người dân ở Nam bộ, mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng nó, mê say và gắn bó trong đời sống thường nhật, mà còn nhanh chóng chiếm được tình cảm của đông đảo nhân dân trên mọi miền đất nước. Ngay tại Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh ở miền Bắc, cải lương cũng đã có mặt rất sớm, được nhiều nghệ sĩ tiếp nhận, nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu mới được yêu thích.

2. Một lượng rất lớn trong số gần 8.000 lễ hội trên toàn quốc diễn ra vào mùa Xuân. Và năm nào cũng vậy, thời điểm trước mùa lễ hội Xuân là giai đoạn “đau đầu” với các ngành quản lý văn hóa. Bởi, nhiều năm qua, lễ hội của chúng ta đang gặp quá nhiều vấn đề về cách vận hành trong dòng chảy hiện đại.

Chú thích ảnh
Việc tổ chức những diễn xướng như trò cướp phết vào dịp lễ hội luôn khiến ngành quản lý đau đầu

Điển hình, mùa lễ hội Xuân 2018, theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) tại các lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc. Tình trạng đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ. Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời.

Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong vài năm qua là hướng ứng xử với các lễ hội mang những yếu tố bạo lực hoặc hiến sinh. Đó là trường hợp của các lễ hội chọi trâu ở vùng Vĩnh Phúc, các hội phết ở Phú Thọ với nạn xô đẩy chen lấn khi chơi cướp phết, hội Sóc ở Phù Đổng và Sóc Sơn (Hà Nội) với nghi thức tranh cướp các giò hoa tre và chiếu của ông Hiệu để lấy may.

Thực tế, dù nhiều trường hợp trong số này đã được điều chỉnh hình thức thực hành trong thời gian qua, nhưng những nguy cơ mất kiểm soát, để tái diễn tình trạng cũ vẫn tiềm ẩn nếu không được tổ chức tốt.

Dự kiến, vào ngày 17/1 tới, Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp chấn chỉnh những tồn tại trong mùa lễ hội 2018, ngăn chặn phát sinh những mặt trái trong mùa lễ hội 2019, với đối tượng tham dự là tất cả những địa phương có các lễ hội “nóng”, dễ nảy sinh vấn đề trong thời gian qua.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành quản lý, việc ngăn chặn phát sinh những mặt trái trong mùa lễ hội 2019 sẽ diễn ra ổn thỏa.

Như Hà - Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm