Huyền thoại màn bạc Omar Sharif: Ngôi sao đào hoa và cô đơn nhất

27/05/2015 12:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, con trai huyền thoại điện ảnh Ai Cập Omar Sharif (83 tuổi), ngôi sao phim sử thi Lawrence Of Arabia (Lawrence xứ A Rập), thông báo cha mình bị mắc bệnh suy giảm trí nhớ. Đây là ngã rẽ buồn của một ngôi sao với cuộc sống được đánh giá là cô đơn nhất trong lịch sử điện ảnh.

Sharif có tên thật là Michel Chalhoub. Ông sinh năm 1932 ở thành phố Alexandria, Ai Cập.

Tìm thấy tình đầu trong bộ phim gây sốc Ai Cập

Cha là người kiếm tiền chủ lực, đảm nhận vai trò chỉ huy gia đình, nhưng bà Claire Chalhoub (mẹ) mới là người tạo ảnh hưởng tới cuộc sống của Sharif.

Năm lên 10 tuổi, Sharif được gửi tới trường Vitoria, nơi bà Claire hy vọng các quy định nghiêm ngặt và chế độ ăn uống khắc khổ ở trường này sẽ cải tạo được cậu con trai béo ú của mình.

Ở trường này, Sharif rất tích cực tham gia hoạt động sân khấu. Ông còn thủ diễn vai chính trong vở The Invisible Duke. Từ đây, ông đã ấp ủ mơ ước trở thành diễn viên.


Huyền thoại điện ảnh Ai Cập Omar Sharif

Nhưng cha Sharif lại vô cùng kinh hãi khi nghe tin con trai muốn theo đuổi nghiệp diễn. Khi bị cha cấm đoán, Sharif đã gây sức ép bằng cách vờ cắt cổ tay tự vẫn. Sau đó, ông được cha cho theo học trường kịnh RADA ở London (Anh).

Năm 1954, ông được giao một vai diễn trong phim The Blazing Sun. Trong phim này, Sharif đóng cặp với nữ diễn viên nổi tiếng nhất Ai Cập là Faten Hamama. Bộ phim gây sốc cả nước Ai Cập lúc bấy giờ, chỉ bởi chi tiết Hamama hôn Sharif trên màn bạc.

Bộ phim đã đặt những viên gạch tình cảm đầu tiên để hai người tới bên nhau. Sharif theo đạo Công giáo Hy Lạp, nhưng đã quyết định cải sang đạo Hồi để có thể kết hôn với Hamama.

7 năm sau đó, 2 người đã cùng nhau đóng hơn 10 bộ phim.

Đóng phim với ai, yêu người đấy

Tuy nhiên, năm 1962, chuyện tình của họ tan vỡ sau khi Sharif thủ vai Ali trong phim Lawrence xứ A Rập. Đạo diễn David Lean mời Sharif đóng vai này không phải vì khả năng diễn xuất mà vì đôi mắt nâu tuyệt đẹp của ông. Đôi mắt đó là sự tương phản hoàn hảo, với đôi mắt xanh sáng quắc của ngôi sao Peter O’Toole tới từ Hollywood. Nhưng khi phim ra rạp, nhân vật Ali đã chinh phục được rất nhiều người hâm mộ.

Lúc đó, Sharif đã muốn giải tán càng nhanh càng tốt cuộc hôn nhân của mình. Ông thuyết phục Hamama rằng mình không đủ mạnh mẽ để giữ gìn sự chung thủy, trong khi Hamama vẫn còn trẻ để tái hôn.

Năm 1965, 2 người chia tay nhau. Sau này, Sharif vẫn gọi Hamama là “tình yêu của cuộc đời mình” và thường tuyên bố không có người phụ nữ nào khác chiếm chọn được trái tim ông như bà.

Sau khi ly hôn, Sharif lao vào một loạt cuộc tình ngắn ngủi. Ông từng có quan hệ tình cảm với các nữ diễn viên tên tuổi lẫy lừng cùng thời với mình như Tuesday Weld, Diane McBain và Ingrid Bergman.

Năm 1968, ông đóng phim ca nhạc Funny Girl cùng Barbra Streisand. “Ban đầu, tôi chẳng hề thấy Streisand quyến rũ, song dần dần cô ấy đã lôi cuốn tôi. Tài năng của Streisand đã khiến tôi yêu cô ấy điên cuồng. Chúng tôi yêu nhau suốt 4 tháng, gói gọn trong thời gian quay phim” – Sharif kể.

Cuối năm đó, Sharif đóng cặp cùng nữ diễn viên Pháp Catherine Deneuve trong phim lịch sử Mayerling và một lần nữa giữa 2 người lại nảy sinh chuyện “phim giả, tình thật”.

Việc yêu quá nhiều người khiến Sharif có lúc thừa nhận ông đã chai sạn cảm xúc: "Tôi nhận ra rằng mình không thể yêu được nữa, bởi tôi không hề thấy bị tổn thương hay đau đớn khi mối quan hệ kết thúc.”


Omar Sharif và vợ Faten Hamama cùng con trai Tareq
Khánh kiệt và cô đơn

Thời điểm ở đỉnh cao, Sharif không chỉ đam mê tới phụ nữ. Ông luôn quan tâm tới tiền thù lao khi đóng phim để "nuôi" hai thú vui tốn kém khác của mình là chơi bạc và ngựa đua. “Tôi nghĩ mình không thể sống được nếu không chơi bạc” – Sharif từng tuyên bố như vậy trên đài phát thanh BBC.

Song những cuộc đỏ đen đã khiến Sharif khánh kiệt. Sau một lần thua bạc tới 1,1 triệu USD chỉ trong một đêm, Sharif đã buộc phải bán nhà ở Paris. Ông tuyên bố: “Giờ tôi không còn bất cứ thứ gì ngoài vài bộ quần áo. Tôi đang cô đơn và hoàn toàn khánh kiệt. Mọi việc có thể sẽ khác chỉ trừ khi tôi tìm được một người phụ nữ tâm đầu ý hợp”.

Được biết người đại diện của Sharif từng yêu cầu ông phải đóng phim để có thể trả được những món nợ cấp bách. Song Sharif đã từ chối làm việc vì... không thích các vai diễn người ta gửi tới cho mình.

Sharif từng thừa nhận rằng thói nghiện cờ bạc của ông thật "điên rồ", song ông lại không đủ nghị lực để cai. Cờ bạc biến ông trở thành một gã xấu tính.  Năm 2003, sau khi thua 30.000 USD tại sòng bạc Enghien-les-Bains ở Paris, Sharif đã đánh vào đầu một sĩ quan cảnh sát và bị án tù treo.

Song đây không phải là lần đầu tiên ông bị dọa bỏ tù bởi tính khí nóng nảy của mình. Sharif từng bị bắt ở Hy Lạp vì đập phá một nhà hàng. Chưa kể, cách đây 4 năm ông đã mắng nhiếc một fan nữ khi người này bám theo để chụp ảnh.

Không cai được cờ bạc nhưng Sharif đã từ bỏ thói tán tỉnh phụ nữ và cai được chứng nghiện thuốc lá (ông từng hút tới 100 điếu thuốc/ngày) sau khi bị một cơn đau tim hồi năm 1994. Điều trớ trêu là dù từng có vô số người phụ nữ vây quanh, trong lúc nguy kịch đó, ông lại chẳng thể nhờ được ai giúp đỡ mình. Bởi ông sống đời cô độc đã quá lâu.

Năm 2012, Sharif tròn 80 tuổi và có trở lại sản xuất vài bộ phim. Đáng chú ý nhất là Monsieur Ibrahim (2003), bộ phim mang về cho ông giải Cesar (được xem là giải Oscar của điện ảnh Pháp).

Có tin nói Sharif mới chỉ mắc bệnh suy giảm trí nhớ trong thời gian gần đây. Nhưng bệnh tình trở nên nặng hơn, khi Sharif hay tin vợ cũ Hamama, người phụ nữ ông yêu nhất, đã qua đời hồi tháng 1 năm nay.

Việt Lâm (theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm