Hội vật cầu độc đáo ở Hà Nội: 'Khởi tranh' trái bóng nặng 20kg

07/02/2014 07:04 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi trên thế giới, trái bóng có trọng lượng tiêu chuẩn khoảng 450 gram (quả bóng chày còn bé hơn, khoảng 150gram) thì ở làng Thúy Lĩnh (Hà Nội), các thanh niên chơi trò vật cầu với trái bóng nặng tới… 20kg. Lễ hội mở màn từ mùng 4 Tết và kết thúc vào hôm qua (6/2).

Với một quả cầu nặng tới hơn 20kg được làm bằng gỗ, sơn đỏ, gọt tròn… không phải thanh niên nào cũng đủ sức bê và chạy trong sự cản phá, cướp cầu của đối thủ. Chính vì vậy, đây là cách hay nhất để vị tướng tìm ra không chỉ là lính khoẻ mà còn có sức bền, tư duy chiến thuật, nhanh nhẹn trong từng tình huống tranh chấp.

Luật chơi nghe qua thì đơn giản nhưng thực tế lại rất khó chơi bởi có 4 đội cùng tham gia trong một trận đấu. Sân đấu trước kia là các bãi đất lớn, nay được đưa về sân cạnh đình làng. Bốn góc sân là bốn hố của các đội chơi. Nhiệm vụ của các cầu thủ là tranh bóng và đưa bóng về lỗ cầu của mình. Ngược lại, họ cũng sẽ phải cản trở đối thủ cướp bóng để không cho đội bạn ghi điểm.


Hội vật cầu làng Thúy Lĩnh (Hà Nội) năm nay cho cả trẻ em tham dự. Ảnh: Vũ Minh Quân

Hay ở chỗ, các cầu thủ không được xô đẩy, ngáng, đánh đối thủ mà chỉ được chạm vào bóng, cản trở bóng, thậm chí ôm ghì lấy quả bóng cốt sao bóng không rơi vào lỗ. Trọng tài vốn là một cầu thủ, có tuổi và uy tín trong làng. Mọi vi phạm của cầu thủ sẽ lập tức bị thổi phạt và cho trận đấu bắt đầu lại. Tùy theo sức khoẻ, độ tuổi của cầu thủ, trọng tài sẽ quyết định trận đấu kéo dài bao nhiêu lâu.

Mặc dù hội vật cầu đã từng bị quên lãng trong một thời gian dài nhưng với sự ủng hộ của các cụ cao niên, lễ hội này đã được khôi phục và phát triển mạnh vài năm trở lại đây. Mỗi năm hội lại bổ sung thêm những quy định, thể lệ mới nhằm hoàn thiện cuộc thi với mục đích hướng tới một giải đấu mang tính thượng võ, tôn vinh những trai làng có sức vóc khoẻ mạnh.

Năm 2014, ngoài thanh niên 18 tuổi trở lên, các cháu nhi đồng 7 tuổi cũng được tham dự, thử sức với những quả bưởi. Dù là thi đấu đối kháng nhưng với những tình huống ghi bàn ngoài dự kiến, những cầu thủ nhí đã đem lại tiếng cười sảng khoái đầu Xuân cho du khách thập phương.

Mặc dù hội vật cầu từng có ở rất nhiều địa phương và hiện vẫn được tổ chức ở một số nơi nhưng xét về quy mô, hình thức thể hiện, luật lệ và nghi thức, vật cầu làng Thuý Lĩnh vẫn được coi là chuẩn mực và đáng xem nhất mỗi dịp Xuân về.

Một số lễ hội đặc sắc

- Lễ hội Yên Tử: Khai hội ngày 10 tháng Giêng (11/2/2014) tại Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh.

- Hội Xoan: Từ 7-10 tháng Giêng tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ.

Lễ hội Xoan (tỉnh Phú Thọ)

- Hội Lim: Ngày 13 tháng Giêng trên địa bàn huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

- Lễ hội Đền Trần: Ngày 15-16 tháng Giêng tại Nam Định.

- Lễ hội Nõ Nường: Đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng tại làng Trám (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ).

- Lễ hội Đền Và: Tổ chức lớn nhất là vào năm Ngọ nhằm ngày Rằm tháng Giêng tại thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thành phố Sơn Tây.

- Hội chợ Viềng: Tại Nam Giang, Trực Ninh, và Kim Thành thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định. Hội chỉ mở ngày mùng 8 tháng Giêng, có tế lễ rước thần. Nét nổi bật của Hội là người đi bán hàng và người đi mua hàng đều nhằm mục đích mua bán lấy may trong ngày đầu năm mới.

- Hội đua ngựa Gò Thì Thùng: Ngày 9 tháng Giêng tại xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên.

- Lễ hội chùa Bà (Thiên Hậu): Rằm tháng Giêng tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.

- Lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu: 15-18 tháng Giêng tại núi Bà Đen, xã Thạnh Tây, TP. Tây Ninh.

- Lễ hội chùa Ngọc Hoàng: Ngày 9 tháng Giêng tại đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP. HCM.

- Lễ hội Tầm Vu: Rằm tháng Giêng tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An.

- Hội Xuân núi Bà Đen, Tây Ninh: Từ ngày 15-18 tháng Giêng.

- Lễ giỗ đức nghệ nhân Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại), ông tổ của nhạc lễ và nhạc tài tử Nam Bộ, tại đình Vạn Phước, xã Mĩ Lệ, huyện Cần Đước, Long An ngày 19 tháng Giêng.

- Tháng Giêng Âm lịch tại Nam bộ có nhiều lễ hội nhất trong năm. Đặc biệt ngày Rằm tháng Giêng tất cả các chùa, hầu hết các miếu, đều có lễ hội. Một số đình cũng cúng kỳ yên (cầu an) dịp này.


Cao Mạnh Tuấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm