'Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh cần với tới các hình thức nhiếp ảnh khác'

05/12/2014 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/12 sẽ khai mạc Đại hội VIII Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN), Thể thao & Văn hóa có bài phỏng vấn ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội NSNAVN nhiệm kỳ VI, về một vài vấn đề của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay.

* Thưa ông trước thềm Đại hội VIII Hội NSNAVN, ông có nhận định gì về hoạt động thực tế của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay?

- Nhìn chung các hoạt động của Hội NSNAVN vẫn còn bó hẹp trong 8 cuộc Liên hoan ảnh khu vực, 2 cuộc thi và triển lãm ảnh toàn quốc và quốc tế 2 năm một lần, có trại sáng tác, có hội thảo lý luận phê bình như mọi nhiệm kỳ trước... nhưng xem ra vẫn trầm trầm, thiếu vắng những tác phẩm nổi trội. Nhờ công nghệ số, ảnh khá mượt mà, sắc màu rực rỡ, song ít đọng lại dấu ấn thời đại. Còn lý luận phê bình nhiếp ảnh rất ít kiến thức mới. Nếu ta cứ hài lòng như hiện nay, e rằng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt nam sẽ bị nghèo đi.

* Xin ông nói rõ: Tại sao nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam có thể nghèo đi, trong khi hội viên mỗi năm một tăng lên, và trong xã hội ai cũng có thể chụp ảnh được?

- Chúng ta đang đứng trước một thực tế là: Hội NSNAVN mới chỉ “ôm” được mảng ảnh triển lãm và một ít sách ảnh, mà ảnh triển lãm ảnh thường bó hẹp về số lượng ảnh, thời gian trưng bày ngắn ngủi, địa điểm ít thuận lợi cho dân chúng thưởng thức… Do đó sức lan tỏa không lớn lắm. Trong khi đó hội viên đông nhưng ít chuyên sâu, lực lượng nhiếp ảnh xã hội lớn, nhưng bị tản mạn. Hội chưa với tới các hình thức nhiếp ảnh khác để đưa vào guồng quay của mình nhằm làm giàu cho Hội, cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Ví dụ như các loại hình: nhiếp ảnh báo chí, nhiếp ảnh áp phích chính trị, quảng cáo hàng hóa, nhiếp ảnh kỹ xảo, giải trí v.v…


Ông Chu Chí Thành

* Thưa ông, có phải ông có ý để Hội NSNAVN “ôm” cả các loại hình nhiếp ảnh kia về Hội để quản lý và phát triển?

- Nếu hiểu như vậy là nhầm to. Vì ảnh báo chí đã có Hội Nhà báo Việt Nam quản lý, ảnh áp phích chính trị, quảng cáo hàng hóa đã có ngành văn hóa chăm lo… Cái mà Hội cần làm là biết quy tụ những tác phẩm xuất sắc, những tác giả gạo cội và tiếng tăm của các loại hình nhiếp ảnh ấy ngồi chung một chiếu, chơi chung một sân với Hội, nâng tầm nó lên làm tỏa sáng sức mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Chúng ta nên hiểu rằng, bất cứ loại hình nhiếp ảnh nào mà tác phẩm xuất sắc của nó phản ánh được cuộc sống của con người, xã hội, có tính nhân văn sâu sắc đều là những tác phẩm ảnh nghệ thuật. Điều này không được sáng tỏ sẽ dẫn đến tranh cãi triền miên, lúng túng trong quản lý và sáng tạo. Định vị không rõ ràng sẽ dẫn đến lệch hướng.

* Là một trong những người đề xuất với Chính phủ xây dựng Trung tâm Lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia, đến nay Trung tâm đã khai trương được hơn 3 năm, nhưng chưa hoạt động được như kế hoạch ban đầu. Theo ông, cần phải làm gì?

- Để khai thác, phát huy giá trị của Trung tâm, cần trưng cầu được ý kiến các chuyên gia lưu trữ và bảo tàng, các nhà quản lý, hoặc những người tâm huyết về đường đi, nước bước của cơ ngơi này; phải gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhiếp ảnh, truyền thông, hoặc các cơ quan đoàn thể mạnh để liên doanh, hợp tác; phải lập ra dự án nhiếp ảnh mang tầm cỡ quốc gia để Chính phủ phê duyệt hướng dẫn và hỗ trợ phát triển…

Vì vậy trong thời gian tới, cần nhanh chóng thành lập Hội đồng tư vấn về sử dụng và khai thác Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia. Trước hết xây dựng đề án nhiếp ảnh tầm cỡ quốc gia để Chính phủ phê duyệt. Khi có đề án, có kinh phí, có cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ cụ thể sẽ tuyển chọn người vào các vị trí công tác, có như vậy mới khởi động được trung tâm.

* Vậy thưa ông, với tư cách là người đi trước rất tâm huyết, ông có ý kiến đóng góp gì với Hội, trong dịp Đại hội này?

- Tôi chỉ nêu một vài ý kiến nhỏ. Muốn nâng tầm cao và ảnh hưởng tốt của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải mạnh dạn điều chỉnh quan điểm về nghệ thuật nhiếp ảnh, cần có nhận thức đúng về bản chất, khả năng và sức mạnh của nhiếp ảnh. Hội NSNAVN phải biết tổ chức và thu hút lực lượng nhiếp ảnh tinh hoa trong toàn quốc và tác phẩm xuất sắc của họ ở các lĩnh vực nhiếp ảnh khác nhau, làm cho nội dung hoạt động của Hội phong phú hơn, thiết thực hơn và trúng đích hơn.

Đặc biệt cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với giới nhiếp ảnh báo chí. Ngay cả việc kết nạp các nhà báo nhiếp ảnh chuyên nghiệp là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam vào Hội NSNAVN, cũng phải có quy định thích hợp hơn.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Quỳnh Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm