Họa sĩ Vương Văn Thạo: Hóa thạch... để bảo tồn di sản

28/10/2009 15:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong dự án nghệ thuật mang tên Những hóa thạch sống của họa sĩ Vương Văn Thạo (đã từng lọt vào top 10 tác phẩm của châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc thi APB Foundation Signature Art Prize 2008 tại Singapore) thì Hóa thạch cầu Long Biên vừa được trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2009.

Hóa thạch cầu Long Biên được làm bằng cách tạo ra một mô hình cầu Long Biên sau đó đổ trùm composite “trong suốt” lên để bao bọc lấy, tạo cảm giác như một khối hóa thạch về cây cầu này.

Đang gấp rút cùng với các nghệ sĩ khác chuẩn bị cho triển lãm Hội tụ ánh sáng sẽ diễn ra vào ngày 30/10 tới đây, họa sĩ Vương Văn Thạo trò chuyện với TT&VH.


Họa sĩ Vương Văn Thạo

* Thưa anh, tại sao anh lại chọn Hóa thạch cầu Long Biên nói riêng và “hóa thạch” phố cổ Hà Nội nói chung mà không phải một loại hình văn hóa nào khác của một địa phương khác?

- Ý tưởng về hóa thạch xuất hiện trong tôi từ năm 2004. Nhưng đến năm 2006 tôi mới có được hai ngôi nhà cổ hóa thạch. Sau khi thấy cách làm hóa thạch đã đáp ứng “nhu cầu nghệ thuật của chính mình” thì tôi bắt tay vào làm 36 phố cổ. Phố cổ Hà Nội hay cầu Long Biên là những hình ảnh rất đặc trưng của kiến trúc Hà Nội. Với thời gian, những công trình kiến trúc đó đã trở thành một phần trong mỗi con người nơi đây, với tôi cũng vậy.

     Họa sĩ Vương Văn Thạo sinh năm 1969 tại Hà Nội; tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật 1995. Các triển lãm: Triển lãm tranh tại New York, Mỹ (2006); Triển lãm sắp đặt tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace (2007); Triển lãm sắp đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore (2008); Triển lãm Điêu khắc tại Trung Quốc (2009).

* Anh thực hiện những hóa thạch sống, trong đó có Hóa thạch cầu Long Biên bắt đầu từ khi nào? Hình như tác phẩm này mới chỉ hoàn thiện một phần phải không? Nếu đúng vậy thì khi nào công chúng sẽ được chiêm ngưỡng tác phẩm hoàn thiện Hóa thạch cầu Long Biên, thưa anh?


- Khi kết thúc triển lãm 36 ngôi nhà phố cổ ở L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp) năm 2007, tôi bắt đầu làm tác phẩm Hóa thạch cầu Long Biên. Tác phẩm này gồm có 108 nhịp cầu bằng chất liệu tổng hợp sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay và tổ chức triểm lãm trong năm 2010, khi cầu Long Biên tròn 108 tuổi.

* Hóa thạch cầu Long Biên đã được trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2009. Điều đó như là một khẳng định tài năng của tác giả cũng như giá trị của tác phẩm. Thế nhưng có người lại cho rằng tác giả hơi “điên điên”. Khi nghe vậy anh có... “điên” không?

- Mọi người đều có những quan điểm đánh giá về nghệ thuật riêng. Các tác phẩm nghệ thuật của tôi là tiếng nói, là quan điểm của cá nhân tôi về những vấn đề di sản và bảo tồn hay nói cách khác là những vấn đề về văn hóa xã hội. Nếu như chỉ nhìn tác phẩm theo góc độ thị giác thì tôi không muốn nói. Điều quan trọng nhất tôi muốn là khi mọi người đứng trước tác phẩm của tôi buộc phải suy nghĩ, sự biến mất những dấu vết văn hóa vật chất - cái mà chúng ta gọi là di sản thì sẽ ra sao?! Không có sự hiện diện vật chất đó thì tương lai sẽ nhìn nhận quá khứ như thế nào? Và liệu chính chúng ta có thể làm tái sinh lại di sản?


Tác phẩm Hóa thạch cầu Long Biên

* Anh có tiết lộ, trong thời gian tới, anh dự định sẽ chọn trong 36 phố Hà Nội mỗi phố một ngôi nhà cổ để tiến hành đổ composite bọc lấy ngôi nhà đó. Thậm chí sẽ hóa thạch những công trình đã gắn với lịch sử - văn hóa Hà Nội như Ô Quan Chưởng, hồ Gươm, tháp Hàng Dầu... Anh có thể cho độc giả biết thêm về ý tưởng này được không? Anh định làm một bảo tàng hóa thạch ngoài trời về Hà Nội chăng, thưa anh?

- Đúng vậy! Tôi rất muốn dự án nghệ thuật của tôi được thực hiện. Theo đó, 36 ngôi nhà trong phố cổ sẽ được chọn đại diện cho 36 phố cổ được bọc bằng composite trong suốt. Đó là một tác phẩm điêu khắc rất lớn vì phố cổ sẽ trở thành một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời! Khi đến Mỹ, người ta sẽ nghĩ đến tượng Nữ thần Tự Do, đến Pháp người ta sẽ nghĩ đến tháp Eiffel, đến Trung Quốc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến Vạn Lý Trường Thành... Và khi nói đến Việt Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến “36 viên kim cương” trong lòng phố cổ Hà Nội. Đó chính là mục đích lớn nhất mà tôi luôn hướng đến!

* Sự kiện Hội tụ ánh sáng - Sắp đặt ánh sáng của 16 nghệ sĩ thị giác của Hà Nội, trong đó có anh và 2 nghệ sĩ quốc tế. Tham gia sự kiện này, anh có bao nhiêu tác phẩm “hóa thạch”? Ý nghĩa của sự kiện này nói chung và những tác phẩm mà anh tham gia sự kiện này là gì?

- Tham gia sự kiện Hội tụ ánh sáng sắp tới có 30 tác phẩm. Mỗi tác phẩm là những nét văn hóa nổi tiếng của Hà Nội. Tác phẩm được sắp đặt như một nghĩa trang và điều tôi muốn nói trong tác phẩm này là dù rằng các nét văn hóa này bị mất đi thì mỗi chúng ta sẽ nghĩ gì đây? Vâng! Một nghĩa trang với các linh hồn đang tỏa sáng!

* Xin cảm ơn anh!

Yên Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm