Họa sĩ Trần Văn Thức và bức tượng “như thật”

14/12/2010 14:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hầu như ai bước vào gian trưng bày của Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2006 - 2010 (đang diễn ra tại số 2 Hoa Lư, Hà Nội và sẽ kéo dài hết 15/12 tới) cũng đều phải “giật mình” trước cảnh một bà cụ già, áo nâu, khăn mỏ quạ đứng sau cánh cửa với đôi mắt buồn buồn, như đang ngóng trông hay mong đợi một điều gì đó. Bà cụ là ai mà lạc vào đây?

 Nhiều người đã nhầm. Đó chính là bức tượng Ngóng với phong cách “cực thực” hết sức ấn tượng của nhà điêu khắc Trần Văn Thức. Không phải ngẫu nhiên mà nó đã được trao HCĐ của triển lãm.

 Trần Văn Thức là một nhà điêu khắc có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ (sinh năm 1980, mới tốt nghiệp Trường Mỹ thuật được hơn 2 năm), nhưng tác phẩm của anh lại cho thấy sự điêu luyện. Với anh mỗi tác phẩm là một câu chuyện: “Nhà văn dùng ngòi bút viết lên những câu chuyện về hiện thực. Còn tôi, tôi dùng đôi tay nhào nặn làm ra những tác phẩm, để kể những câu chuyện đời thường của tôi” - anh chia sẻ.  

Trần Văn Thức cùng bộ sưu tập mang chủ đề Ngóng với những bức tượng người già như thật

* Vì sao anh lại làm bức tượng giống thật như vậy?  

- Trong điêu khắc mỗi người có một cách thể hiện tác phẩm riêng. Với tôi, tôi luôn đặt cảm xúc lên hàng đầu, tôi nghĩ những gì “thật” nó rất chân thành và có chỗ đứng. Tôi chỉ sợ mình không thể làm cho nó thật hơn nữa thôi.  

* Cố gắng cho giống thật ư? Anh muốn gửi gắm điều gì vào những bức tượng như thật này?  

- Tôi nghĩ người già chứa đựng sự từng trải và thời gian, giống như những gốc cây cổ thụ hay khu phố cổ vậy. Điều đó thật sự gây xúc động cho tôi. Hiện tôi đang làm thêm những tác phẩm về người già với chủ đề Ngóng xuyên suốt.  

Tôi đưa chữ “Ngóng” vào hình tượng cụ già ở nông thôn, vì trong cuộc sống tôi đã chứng kiến rất nhiều những người già, đặc biệt là những bà mẹ già, cố gắng cho con lên thành phố học hành, nhưng khi ra trường không ai muốn trở lại nông thôn cả. Họ đã không nhận ra bà mẹ đó mong đợi gì ở những đứa con. Hay cho dù họ được cùng chung sống trong một mái nhà với con cái, thì họ vẫn phải chờ đợi, vẫn phải ngóng trông sự trở về của những đứa con, bà cụ đó đang chờ đợi sự đoàn tụ, sự quan tâm sẻ chia của gia đình bà.  

Tôi thấy đây là vấn đề vẫn diễn ra trong xã hội và nó gây nhiều bức xúc. Đó là ý tưởng, là câu chuyện mà tôi muốn “kể” trong tác phẩm mình.  

* Anh đã dùng kỹ thuật gì để tạo được một bức tượng giống thật như vậy?  

- Ban đầu tôi dùng đất sét để tạo hình cho nó giống thật và khi chuyển khuôn, tôi kết hợp với các vật liệu khác như nhựa cứng để trợ lực, còn bề mặt tượng, tôi dùng silicon để tạo sự mềm mại.  


Bức tượng mang chủ đề Ngóng 

* Phong cách “cực thực” của anh liệu có làm nghệ thuật bị nghèo nàn về sáng tạo?  

- Tôi không nghĩ “cực thực” sẽ khiến sáng tạo nghệ thuật bị nghèo nàn. Tôi chỉ muốn đưa những gì chân thực và chân thành nhất vào tác phẩm của mình. Vì tôi nghĩ người làm được những tác phẩm thật phải là người được đào tạo rất chuyên nghiệp và nhuần nhuyễn về tạo hình. Tôi còn muốn làm ra được những tác phẩm thật hơn nữa. Với tôi “cực thực” không phải là cái phi nghệ thuật mà nó mang cái thật của đời thường.  

* Anh nghĩ gì về giải thưởng lần này của mình?  

- Tôi rất vui tác phẩm của tôi đã được những nhà chuyên môn đánh giá và công nhận. Điều đó giúp tôi có niềm tin để sáng tạo nghệ thuật. Tôi chỉ có mong muốn đưa tác phẩm của mình, đưa câu chuyện của mình đến với công chúng. Và thật may là nó đã được công chúng đón nhận ngay ở ngày đầu tiên trưng bày tại triển lãm.  

Cũng trong những ngày triển lãm, một họa sĩ (cũng có tác phẩm tham dự triển lãm) đã ôm lấy tôi và nói rằng, đã từ lâu lắm, ông chưa thấy một tác phẩm nào lại “thật” và ý nghĩa như vậy. Cũng có người nói giá như có thêm mấy bức thư thời chiến nữa thì sẽ ý nghĩa hơn. Tôi cười và trả lời: “Cũng có thể là như thế. Nhưng đó không phải là ý tưởng của tôi. Cái tôi muốn thể hiện là “cái thật” đang diễn ra”.  

* Cám ơn anh! Chúc anh thành công.  

Thu Hường (thực hiện)

 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm