HÌNH ẢNH: Nghệ sĩ bị hủy hoại, không thể sáng tạo trong môi trường sống đang 'chết' dần

30/03/2016 08:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù bộ ảnh mang hơi hướng viễn tưởng nhưng rất có thể đây sẽ là tương lai gần. Với thông điệp chính “Đừng để ô nhiễm hủy hoại cuộc sống của bạn”, 8 nghệ sĩ Việt Nam muốn đóng góp tiếng nói về môi trường.

Ngày 29/3, chiến dịch “Tôi không thể” (tên tiếng Anh: I can’t) khởi động bằng bộ ảnh cùng tên với sự tham gia của 8 nghệ sĩ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, vũ công,...

Bộ ảnh được xây dựng rất sát với nghề nghiệp của các nghệ sĩ. Hãy tưởng tượng một ngày Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul, nhạc sĩ Thanh Bùi và các học sinh vừa đeo mặt nạ phòng chống khí độc vừa học đàn...

Chiến dịch truyền thông xã hội "Tôi không thể" sẽ kéo dài từ ngày 29/3 đến ngày 2/5 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động giới trẻ ở các thành phố lớn cũng như ở các địa phương chịu nhiều tác động của ô nhiễm không khí từ than đá tham gia cuộc chiến với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn thế giới, qua đó hiểu hơn về vấn đề năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là việc phát triển các nhà nhiệt điện than, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm và BĐKH.


Nghệ sĩ Thanh Bùi - Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul: Hình tượng người thầy ngồi bên cây đàn piano với các phím đã vỡ không thể tiếp tục công việc truyền đạt kiến thức của mình đến với những học trò tại Soul đang phải khổ sở khi đeo mặt nạ.
Bộ ảnh “Tôi không thể” kêu gọi cộng đồng quan tâm hơn tới môi trường, cùng lên tiếng đề xuất những thay đổi trong chính sách năng lượng, nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm và BĐKH nhất là khi Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Theo báo cáo của đại học Harvard, mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết vì nhiệt điện than. Đến 2030, con số này sẽ tăng lên 25.000 người.

Nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ lý do hưởng ứng chiến dịch: “Tôi đang theo đuổi sứ mệnh định hướng, chắp cánh và truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò sau này. Tôi rất mong muốn nhìn thấy một viễn cảnh tươi đẹp khi các em có thể phát triển và tỏa sáng theo đúng đam mê. Nhưng với tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề do khói bụi từ than đá như thế này, cuộc sống, tương lai cũng như niềm đam mê của các em đang bị đe dọa nghiêm trọng. Là một người thầy, người nghệ sĩ, tôi có trách nhiệm cùng các nghệ sĩ khác phải lên tiếng, bây giờ hoặc không bao giờ".


Ca sĩ Trọng Hiếu - Quán quân Vietnam Idol 2015: Hình tượng một chàng ca sĩ khao khát tự do khi tiếng hát bị trói chặt trong chiếc mặt nạ và giam cầm trong một thế giới đầy hiểm họa.


Biên đạo múa quốc tế Alexander Tú - Giám đốc khoa Nghệ Thuật Biểu Diễn Soul: Hình tượng một vũ công không thể tiếp tục những bước nhảy điêu luyện, sống trong đau khổ như địa ngục trần gian khi tay chân bị trói chặt.


Ca sĩ Hoàng Quyên – Á quân Vietnam Idol 2012: Hình ảnh một nàng tiên cá bất lực khi không thể nào cất lên tiếng hát mê hoặc lòng người của mình, do đó nàng sống trong sự đau đớn và tuyệt vọng.


Diễn viên múa Đỗ Hải Anh - Quán quân So You Think You Can Dance 2015: Hình tượng một cô thiên nga gãy cánh bé nhỏ sụp đổ trước tình yêu nhảy múa đã chết chỉ bởi ô nhiễm và biến đổi khí hậu.


Diễn viên Diễm My: Hình tượng một người diễn viên không thể tiếp tục công việc diễn xuất của mình khi mọi thứ đã dần chai sạn và khô héo trước tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu.


Ca sĩ Bích Ngọc - Á quân Vietnam Idol 2015: Hình tượng của cô họa mi không chỉ mất đi giọng hát mà còn đứng trước sự đe dọa tính mạng do ô nhiễm và biến đổi khí hậu.


Ca sĩ/ Nhạc sĩ Tiên Tiên: Hình tượng một nhạc sĩ trẻ tài năng ôm cây đàn vỡ, bất lực khi không thể tiếp tục niềm đam mê sáng tác của mình trước một thế giới đang bị hủy hoại.

Linh Lan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm