Hà Nội - 'Đất vàng' showbiz

28/01/2014 07:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu V-biz 2012 là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của sân khấu ca nhạc trước sự khủng hoảng của nền kinh tế thì cán cân V-biz 2013 được xem là nghiêng hẳn về thị trường phía Bắc, cụ thể là Hà Nội.

Chưa năm nào các live show lại đua nhau ngược ra Bắc như vậy, trong khi chiều ngược lại chỉ có... “từ chết đến bị thương”. Thế nhưng, hãy vén thử lớp màn nhung hào nhoáng của V-biz để xem thực tế có như lời đồn...

Trong 36 live show được tổ chức vừa qua tại Hà Nội có thể thấy mức độ nội dung được khai thác rất kỹ. Chủ để 4 mùa liên tục luân phiên. Hết Xuân lại đến Valentine, xong đến Cầm tay mùa hè, Những giấc mộng đêm hè, Vào Hạ rồi lại những tình khúc mùa Thu rồi chốt cuối năm bằng những câu chuyện mùa Đông. Xen kẽ đó là chương trình của những ca sĩ riêng lẻ, từ Nam ra, từ hải ngoại về, từ những giọng ca xa xứ đã lâu... Những chương trình âm nhạc chuyên đề đã “lặn” nhưng không thiếu những live show khác “trồi” lên cho dân Hà thành thưởng thức. Trong khi đó, xu hướng live show ở TP.HCM gần như đứng lặng (hoặc đã quá nhàm chán). Không kể những chương trình giao lưu văn hóa, chỉ xét đơn thuần là một cú làm ăn thì gần như chẳng có một live show nào mang concept cụ thể.

Lý giải cho sự dịch chuyển này, các nhà tổ chức biểu diễn đều cho rằng, chủ yếu do “gu”. Mô hình live show đến giờ này vẫn là món ăn mới lạ với người Hà Nội. Nếu TP.HCM có quá nhiều chương trình truyền hình thực tế, đời sống âm nhạc đã có sự phục vụ đầy đủ thành quán tính, từ đó hình thành thói quen là công chúng ở đây chỉ đi xem đúng show mà họ thích và đến sát ngày diễn mới  mua vé, thì ở Hà Nội công chúng sẵn sàng bỏ tiền mua vé trước cả tháng để xem chương trình mà họ chưa bao giờ được xem. Đó là sự khác biệt lớn.


Sự xuất hiện của Phương Mỹ Chi tại Hà Nội đã làm cháy vé. Sau 3 đêm không còn chiếc vé nào tại Nhà hát Lớn, nhà tổ chức quyết định "nối" thêm 2 đêm tại Nhà hát Tuổi Trẻ mà vẫn không đủ vé

Cao Trung Hiếu, Giám đốc sáng tạo Tầm nhìn Việt (Viet Vision), công ty tổ chức nhiều show đình đám như Super Junior, Bằng Kiều, Thu Phương, Hồng Nhung... công nhận điều này. Tầm nhìn Việt đã thắng đậm với “thương vụ” Bằng Kiều tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ở thời điểm sát giờ diễn, vé chợ đen lên đến 30 triệu vẫn có người “hốt”. Nhưng Bằng Kiều không phải là duy nhất, tại trung tâm này từng chứng kiến sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Chế Linh và Quang Lê, kể cả Nguyễn Hưng. Cần biết rằng để phủ đầy trung tâm này phải cần đến hơn 3.300 khán giả. Nếu khán phòng kín, nhà tổ chức thu về hơn 10 tỷ đồng trong khi vốn bỏ ra để thuê sân bãi, ánh sáng, ca sĩ tối đa là 3 tỷ.

Với lợi nhuận như thế, thị trường Hà Nội nhanh chóng trở thành miếng bánh bọc vàng của các nhà tổ chức sản xuất cho dù nhiều người nhận xét rằng nếu là một chương trình thành công ở cả 2 miền thì diễn cho khán giả phía Nam vẫn sướng hơn bởi sự tiếp nhận của họ nồng nhiệt hơn nhưng Hà Nội thì lại luôn nóng chuyện vé.

“Còn một điều ít ai biết rằng, văn hóa thưởng thức âm nhạc ở Hà Nội cũng khá khác với miền Nam”, ông Hiếu phân tích, “đó là văn hóa biếu xén. Có nghĩa là nhiều người mua vé không phải để đi xem. Họ mua cặp vé hay cả chục vé, thậm chí hơn thế, để tặng sếp, người thân, gia đình và đó là lượng tiêu thụ cực kỳ đặc biệt”.

Bầu Kiên, Công ty Tổ chức biểu diễn Đông Đô, xác nhận thực tế này. “Chính xác là vậy. Ở miền Nam cũng có nhưng rất ít trong khi ở Hà Nội chuyện này là rất bình thường. Tôi đi giao vé thường xuyên nên thừa biết những địa chỉ giao vé “mạnh” cỡ nào mà lại giao rất nhiều. Họ chuyển tiền sang tài khoản và tôi phân ra đi giao theo địa chỉ họ hướng dẫn. Có những người kể tôi nghe là cấp trên của họ bảo rằng ông ấy muốn đi xem show của cô ca sĩ miền Nam chuẩn bị ra diễn và thế là thuộc cấp phải chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ ngon mời sếp. Phải chạy thôi vì nếu không nhanh sẽ có những trường hợp tương tự khác lấy mất. Ở Hà Nội vé bán được nhanh là vì thế, một phần rất quan trọng”.

Sự giàu lên của một bộ phận lớn công chúng Hà Nội trong nhiều năm qua đã nâng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật lên cao hơn và đã thúc “chiếc xe” live show ngược từ Nam ra Bắc nhanh hơn và càng thúc đẩy các nhà tổ chức địa phương vừa tìm cách chiếm giữ thị trường và cũng cạnh tranh gay gắt với nhiều bên từ phía ngoài vào. Nhưng đó là khi “cơm no rượu say” còn giờ đây khi mà kinh tế chững hẳn, việc một loạt các live show ở Hà Nội vẫn tiếp tục giăng đèn thì liệu công chúng có còn hứng thú với loại hình này?

Nếu có một cuộc đấu liveshow (những chương trình kinh doanh có bán vé) giữa hai thị trường Hà Nội và TP.HCM thì tỷ số năm 2013 là 5-1 nghiêng về Hà Nội. Cụ thể năm 2013 Hà Nội có khoảng 36 live show (chỉ tính tại 3 nhà hát: Nhà hát Lớn, Cung văn hóa Việt - Xô, Trung tâm Hội nghị Quốc gia), TP.HCM có 12 live show (tập trung tại Nhà hát TP và Nhà hát Hòa Bình), nhưng có 5 live show tổ chức cả 2 miền. Đây có lẽ là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay để thấy cán cân chuyển dịch của thị trường biểu diễn từ Nam ra Bắc lớn đến thế nào. Đó là chưa tính những chương trình ở Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh hay Hải Phòng...

-----------------------------------------

 Hà Nội đang có ưu thế về các địa điểm tổ chức biểu diễn đủ chất lượng với nhiều số lượng ghế khác nhau trong khi ở TP.HCM chỉ có duy nhất hai nơi đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng là Nhà hát TP và Nhà hát Hòa Bình nhưng hai nơi này lại quá chênh nhau về số lượng ghế. Nhà hát TP chỉ có hơn 400 ghế thì không đủ thu hồi vốn nhưng chuyển sang Hòa Bình 2.300 ghế thì lại quá rộng trong khi nhu cầu thị trường cho các live show hiện nay chỉ cỡ dưới 1.000 khán giả. Ngược lại, tùy quy mô chương trình, nhà tổ chức có thể lựa chọn Nhà hát Lớn Hà Nội (hơn 500 ghế), Cung văn hóa Việt-Xô (hơn 1.000 ghế) hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia (hơn 3.000 ghế).

Việt Cường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm