Góc nhìn 365: Di sản và... di dời

04/11/2021 08:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về Dinh Tỉnh trưởng tại Đà Lạt lại đang hâm nóng mặt báo, khi lãnh đạo địa phương tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về phương án di dời kiến trúc này lên cao 28 mét (so với vị trí cũ) để có không gian xây dựng hệ thống khách sạn 10 tầng bên dưới.

Góc nhìn 365: Sao phải bàn mãi về 'dinh tỉnh trưởng'?

Góc nhìn 365: Sao phải bàn mãi về 'dinh tỉnh trưởng'?

Câu chuyện về dinh tỉnh trưởng tại Đà Lạt bỗng nhiên nóng trở lại trên mặt báo, như cách mà nó đã từng diễn ra hơn một năm trước.

Ý tưởng “nhấc” nguyên một dinh thự từ thời Pháp có diện tích sàn trên 1500 m2 với toàn bộ tầng trệt xây bằng đá, 2 tầng lầu, tường dày hơn 1 m... lên vào mà vẫn giữ nguyên vẹn hình dạng và kết cấu có thể khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, về bản chất, đây là cách tiếp cận từng được triển khai tại một số kiến trúc có giá trị.

Cụ thể, những kiến trúc và di tích cần bảo tồn nguyên vẹn này sẽ được di dời “nguyên khối” bằng quá trình thao tác chuyên dụng của một số chuyên gia vẫn được gọi vui là “thần đèn”.

Trong số này, vụ di dời cổng chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) năm 2005 là sự kiện từng được dư luận đặc biệt quan tâm. Thời điểm ấy, khi con đường trước mặt vướng dự án mở rộng, phía nhà chùa quyết tâm giữ nguyên hiện trạng phần cổng cao 7 m, rộng 12 m, nặng 120 tấn. Và trong 15 ngày, phần công trình này đã được một nhóm “thần đèn” di dời nguyên trạng tới vị trí cách đó 4 mét qua việc đào sâu, cắt phần móng cũ, di chuyển bằng hệ thống pa lăng, cọc chống, con lăn...

Chú thích ảnh
Dinh Tỉnh trưởng tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Đình Thi/Báo Người Lao Động

Hoặc, cũng trong năm 2005, Di tích Quốc gia đình Long Hưng (Tiền Giang) được ngành văn hóa địa phương quyết định di dời tới vị trí cách đó 100 mét, khi Di tích này nằm quá gần đường giao thông và khuôn viên phía trước không đủ rộng để sinh hoạt. Trong vòng 45 ngày, một nhóm “thần đèn” được mời cũng hoàn thành công việc này.

Song song với sự kiện này, tại Sóc Trăng, Di tích chùa Ông Bổn hơn 200 tuổi với chiều dài 17 mét, rộng 25 mét, cũng được tổ chức di dời tới một vị trí khác có nền cao để chống ngập.

Tương tự, vào giữa năm 2011, chùa Vạn Linh trên núi Cấm (An Giang) có chiều dài 34 m, rộng 14 m, trọng lượng hơn 1.500 tấn cũng được tổ chức “kéo” lùi lại phía sau hơn 20 mét. Đáng nói, trong 2 tháng nhóm “thần đèn” thực hiện công việc này còn hoàn thành việc xoay chùa ngôi chùa trên đồi quay 90 độ, để quay mặt chính điện từ hướng Nam sang Đông.

Thậm chí, ít người biết, nằm trong lòng Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, tòa nhà từng là trụ sở Cục tác chiến với tuổi thọ 124 năm dự kiến cũng sẽ được di dời khi dự án phục dựng điện Kính Thiên triển khai. Theo đó, tòa nhà dài 54 mét, rộng 17m, cao 14m và xây hoàn toàn bằng gạch này sẽ di chuyển theo hình chữ Z, đến vị trí mới xoay hướng 90 độ. Được biết, phía Việt Nam đã phải mất khá nhiều công sức để được sự chấp thuận từ UNESCO, cũng như cam kết sẽ giữ nguyên toàn bộ kiến trúc kiểu Pháp của công trình này sau khi di dời.

***

Kể chuyện cũ, để thấy việc di dời “nguyên khối” một cụm kiến trúc khỏi vị trí ban đầu mà vẫn giữ nguyên hình dáng, kết cấu là điều khả thi trong bối cảnh hiện tại.

Nhưng, cũng phải nói thêm, trường hợp của Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt vẫn có sự khác biệt với những gì kể trên: Nếu các di sản kiến trúc kia phải di dời chủ yếu vì lý do bất khả kháng, hoặc để tạo dựng một không gian phù hợp hơn nhằm phát huy di sản, thì kiến trúc biểu tượng của Đà Lạt rõ ràng lại gắn với lý do... nhường chỗ cho một công trình hiện đại.

Thực tế, 3 năm qua, những phản biện từ các chuyên gia cũng liên tục được đưa ra quanh ý tưởng này. Theo đó, cách “nhấc” Dinh Tỉnh trưởng lên cao sẽ làm công trình này tách rời khỏi không gian đã gắn bó với lịch sử ra đời và tồn tại của mình. Ở hướng tiếp cận đó, một không gian công cộng với cây xanh, phong cảnh thiên nhiên và một kiến trúc trăm tuổi còn giữ lại nguyên bản sẽ mất đi để nhường chỗ cho sự chắp vá – khi công trình cũ được cấy ghép vào một kiến trúc cao tầng hiện đại và mang nặng tính thương mại.

Như thế, từ một giải pháp từng được ứng dụng để phần nào bảo vệ và phát huy giá trị của những kiến trúc giàu giá trị, chuyện “di dời” lại đang được đề xuất để phục vụ một tư duy từng gây nhiều phản ứng: Bỏ đi những kiến trúc gắn với lịch sử thành phố, để thay thế bằng những công trình hiện đại mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu.

Và, sự thận trọng, cân nhắc ở câu chuyện này vẫn là điều cần nhắc lại – khi mà Dinh Tỉnh trưởng có thể vẫn còn giữ được hình dáng, nhưng sẽ không bao giờ là chính nó với lựa chọn “di dời”.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm