Giữ được hồn cốt phiên chợ Âm - Dương

19/03/2021 07:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tháng 3 vừa qua, UBND thành phố Bắc Ninh mở cuộc thảo luận với các chuyên gia xung quanh việc phục dựng phiên chợ Âm - Dương trong lễ hội ở khu Xuân Ổ A, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh (hay còn gọi là chợ Ó). Đây được xem là một nỗ lực mang tầm nhìn của địa phương trong việc giữ gìn một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, một sắc thái văn hóa riêng có ở vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Phục dựng phiên chợ Âm - Dương với ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc

Phục dựng phiên chợ Âm - Dương với ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc

Ngày 4/3, UBND thành phố Bắc Ninh tổ chức cuộc họp thảo luận về việc phục dựng "Phiên chợ Âm - Dương" trong lễ hội ở khu Xuân Ổ A, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Để tìm hiểu giá trị đặc sắc của phiên chợ Âm - Dương này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với GS-TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Phiên chợ tâm linh độc nhất xứ Kinh Bắc

* Phiên chợ Âm - Dương là một sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc xưa. Tuy nhiên, ngày nay phiên chợ này đã mai một, không phải ai cũng biết đến ngoài người dân địa phương có phiên chợ này. GS có thể cho biết phiên chợ này khởi phát từ đâu và có từ khi nào?

- Để xác định phiên chợ Âm - Dương ở làng Ó xưa có từ bao giờ thì hiện nay chưa có bất cứ một tài liệu nào ghi chép chính xác.

Theo thông tin truyền miệng dân gian của người dân vùng này thì phiên chợ có từ thời Hai Bà Trưng (những năm 40 sau Công nguyên). Chiến trận ác liệt giữa quân Hai Bà Trưng chống giặc Nam Hán đã có rất nhiều binh sĩ tử trận. Sau này, khi thân nhân tử sĩ đến khu vực bãi trận để cúng bái, chiêu sinh, cầu hồn cho các tử sĩ, lâu dần họp thành chợ trên bãi đất trống sau làng Ó.

Như vậy, có thể cho rằng phiên chợ Âm - Dương ở làng Ó xuất phát từ các điển tích chiến tranh, nơi họp chợ vốn là những bãi chiến trận khốc liệt năm xưa. Song thực chất, phiên chợ này lại mang nét tương đồng với niềm tin người cõi âm có thể tương thông với người trên dương thế, đã có trong tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời.

Chú thích ảnh
GS-TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ảnh: TTXVN

* Được đánh giá là 1 trong những phiên chợ mang đậm nét văn hóa dân gian của người dân xứ Kinh Bắc. Theo GS, sự xuất hiện của phiên chợ Âm - Dương chứa đựng ý nghĩa đặc biệt nào ngoài ngoài góc độ mua bán đơn thuần?

- Bản chất của phiên chợ Âm - Dương là vấn đề tâm linh trên bề nổi mua bán. Đến với phiên chợ Âm - Dương người Việt thường có tâm lý “mua may bán rủi” trong dịp đầu năm mới (chợ được tổ chức 1 năm 1 lần từ chập tối mùng 4 Tết đến rạng sáng mùng 5 Tết), với hy vọng mở đầu 1 năm mới, công cuộc làm ăn hanh thông, mùa vụ mới bội thu, thuận hòa. Ước mong này giống với mong muốn trong tín ngưỡng nông nghiệp của người Việt là cầu cho năm mới được an khang, vật thịnh.

Nếu đặt nặng vấn đề mua bán đơn thuần thì tại sao trong phiên chợ Âm - Dương ở làng Ó lại không có sự trả giá qua lại giữa người mua và người bán thường thấy ở những hình thức chợ dân gian khác? Những trao đổi trong phiên chợ Âm - Dương hoàn toàn tự nguyện, người mua không mặc cả, người bán không nói giá. Đến chợ Âm - Dương, mua bao nhiêu, trả bao nhiêu hoàn toàn tùy tâm. Vì thế mà bản chất sâu xa của phiên chợ này vẫn tập trung bám vào niềm tin tâm linh và tín ngưỡng nông nghiệp chiếm phần nhiều hơn cả chứ không đơn giản là chuyện mua bán.

* Ở vùng Kinh Bắc xưa tên gọi chợ Âm - Dương không chỉ dùng cho phiên chợ ở làng Ó mà còn ở một số nơi cũng lấy tên gọi này như: Chợ Chằm (Thuận Thành - Bắc Ninh), chợ âm dương Cao Thượng (Tân Yên - Bắc Giang)… Vậy theo GS, chợ Âm - Dương làng Ó liệu có sự khác biệt?

- Riêng phiên chợ Âm - Dương ở làng Ó là một phiên chợ đã có truyền thống từ lâu đời, được bảo lưu trong tâm thức dân gian nên vẫn được truyền miệng tồn tại cho đến ngày hôm nay. Trong khi đó các phiên chợ ở những nơi khác mặc dù lấy tên là Âm - Dương nhưng chưa nói rõ được tổ chức ra sao, có gì đặc sắc, bắt nguồn từ đâu… nên không thể có sự so sánh.

Tuy nhiên, có thể đem so sánh với chợ Viềng ở Nam Định. Đây cũng là một phiên chợ “mua may bán rủi” dịp đầu năm song mang hình thức hội chợ là phần nhiều. Hiểu về chợ Viềng hoàn toàn có thể đưa ra phỏng đoán: “Liệu rằng chợ Viềng có xuất phát từ lối tổ chức phiên chợ Âm - Dương hay không?”. Bởi lẽ, căn cứ theo lệ truyền thống, chợ Viềng cũng họp vào ban đêm đối với cả chợ Viềng Chùa gần chùa Bi và chợ Viềng Phủ gần phủ Dầy. Dẫu vậy thì chợ Viềng cũng mang tính thương mại nhiều hơn.

Một chi tiết hết sức đặc biệt cũng phải nhắc đến trong phiên chợ Âm - Dương ở làng Ó, đó là con gà đen. Như một số nơi ở tộc người Thái, vào một thời điểm nhất định, có tục thả con gà trên mộ người chết với ý nghĩa nó sẽ lên báo với trời, không rõ ở người Việt cũng giống như vậy, hay chỉ là cầu nối âm dương giữa người chết và người sống? Riêng con gà đen trong chợ Âm - Dương làng Ó, theo dân gian cho biết, thì tục lệ của làng lại dùng làm vật tế lễ Thành hoàng làng vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Do vậy, việc có hay không sự liên kết âm - dương với con gà này còn phải tiếp tục nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Gốc đa rìa làng Ó nơi diễn ra phiên chợ Âm - Dương. Ảnh: Tư liệu

* Người đi chợ Âm - Dương chắc hẳn ai cũng đều có niềm tin tâm linh mãnh liệt. Quan điểm của GS về thứ niềm tin đặc biệt này ra sao? Liệu có một hình thức sinh hoạt văn hóa nào cũng thể hiện niềm tin tâm linh tương tự như ở phiên chợ Âm - Dương hay không?

- Vấn đề niềm tin tùy từng con người qua sự trải nghiệm. Một mặt người đến phiên chợ Âm - Dương có niềm tin tâm linh, mặt khác giống như tất cả các hội hè khác ở Việt Nam từ xưa mục đích chính là đi lễ để cầu may. Chắc chắn một điều rằng, không phải tất cả người đến phiên chợ Âm - Dương đều chỉ để nói chuyện với người âm.

Trên thực tế tôichưa thấy một lễ hội nào tương tự như lễ hội làng Ó có phiên chợ Âm - Dương. Song vẫn có nhiều hình thức sinh hoạt tâm linh mang tính chất kết nối âm dương như: gọi hồn, lễ bái, hầu đồng,… Nhưng để gọi như lễ hội thì chỉ có ở làng Ó. Bởi thực tế phiên chợ Âm - Dương cũng chỉ là một phần trong hội làng Ó. Sau phiên chợ còn diễn ra nhiều các sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc khác như: hát canh quan họ, tế lễ, rước Thành hoàng, giã gạo làm xôi…

“Việc phục dựng phải giữ được hồn cốt của hiện tượng văn hóa”

* Sau nhiều năm mai một, mới đây UBND thành phố Bắc Ninh có mong muốn phục dựng phiên chợ Âm - Dương làng Ó trong đời sống hiện đại? Theo GS, việc phục dựng này có giá trị và ý nghĩa cụ thể như thế nào?

- Phiên chợ Âm - Dương giống như một dịp để tưởng nhớ người đã chết. Đó là một ý nghĩa nhân văn rất lớn của phiên chợ này. Đối với những người đã mất đi, sẽ còn có những câu chuyện áy náy khi còn sống chưa nói được thì phiên chợ Âm - Dương là dịp để họ thổ lộ. Tất nhiên sự thổ lộ hoàn toàn diễn ra bằng tâm tưởng, độc thoại của người còn sống. Sự hội ngộ âm dương bằng tâm tưởng đã giải tỏa được về mặt tâm lý cho những người đang sống với những giãi bày của người đã mất.

Ở góc độ văn hóa, chỉ riêng khía cạnh nhân văn của phiên chợ Âm - Dương đã đủ cớ để tiến hành phục dựng. Tính nhân văn khi phục dựng phiên chợ Âm - Dương càng rõ rệt hơn khi đặt trong bối cảnh hiện nay có ngày càng nhiều những cuộc cầu siêu quy mô lớn được tổ chức hàng năm. Một đất nước đã trải qua những năm tháng chiến tranh dằng dặc cũng như trải qua nhiều tai nạn từ thiên tai, địch họa, thì các hoạt động cầu siêu là hoàn toàn hợp lý và nhân văn. Dĩ nhiên, trong quá trình phục dựng và thực hiện chúng ta không đẩy những thực hành này lên thành mê tín dị đoan bởi xét về bản chất đây là một hành vi nhân văn làm an lòng người sống.

Bên cạnh ý nghĩa nhân văn rõ ràng thì việc phục dựng phiên chợ Âm - Dương còn mang giá trị văn hóa khác biệt. Lễ hội của người Việt thoạt nhìn ở đâu cũng giống nhau nhưng thực chất lại không phải. Vì vậy quá trình phục dựng phải khai thác những giá trị thuộc về đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Cần tạo ra sự riêng khác trong phục dựng, đó là sự khác về đa dạng văn hóa của từng vùng miền.

Phục dựng phiên chợ Âm - Dương nhìn rộng ra cũng đặt ra vấn đề giữ gìn bản sắc của từng địa phương đang rất cần trong giai đoạn hiện nay. Nét riêng trong sinh hoạt văn hóa tạo ra sự khác của cộng đồng, đồng thời cũng tạo sự hấp dẫn cho du lịch văn hóa, nhất là trước xu hướng khai thác các giá trị văn hóa trong hoạt động kinh tế-xã hội, chẳng hạn như du lịch.

Chú thích ảnh
Bối cảnh phiên chợ Âm - Dương trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh

* Dù mới đang trong kế hoạch dự tính song để có thể phục dựng nguyên gốc phiên chợ Âm - Dương làng Ó chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Theo GS, những khó khăn đó là gì?

- Khó khăn trước nhất là về mặt tư liệu. Hiện nay tất cả tài liệu đọc được về phiên chợ Âm - Dương được tổ chức ở làng Ó rất sơ xài. Tư liệu hạn chế dẫn dĩ nhiên để phục dựng nguyên gốc là vô cùng khó nhưng ít nhất những tư liệu ít ỏi đã mang đến ít nhiều sự hình dung để tổ chức lại phiên chợ. Thêm nữa, điều may mắn duy nhất chính là sự xuất hiện của phiên chợ Âm - Dương có sẵn trong tâm thức của người dân. Hầu như người làng Ó ai cũng đều biết đến sự tồn tại của chợ Âm - Dương.

Mặt khác, những người được chứng kiến, tham gia vào phiên chợ Âm - Dương hầu hết đã khuất. Những bậc cao niên nhất thì trí nhớ hạn chế hoặc không được trực tiếp chứng kiến mà đơn thuần hiểu biết về phiên chợ chỉ được nghe ảnh xạ lại qua các thế hệ bằng hình thức truyền miệng.

Ngoài ra về mặt không gian tổ chức cũng không thể như trước khi làng Ó xưa nay đã lên phố. Hơn thế, trong một chừng mực nào đó thì không phải ai cũng ủng hộ việc phục dựng, bởi họ cho rằng phục dựng phiên chợ Âm - Dương là việc làm mê tín dị đoan… Nhìn chung để thuận lợi phục dựng cần có cả sự đồng thuận của cả cộng đồng, của toàn xã hội.

*Từ dự định phục dựng phiên chợ Âm - Dương đặc sắc ở Bắc Ninh, đối sánh với những hoạt động phục dựng các sinh hoạt văn hóa dân gian đã mai một nói chung gồm cả đã phục dựng và chưa phục dựng, theo GS, vấn đề đặt ra đối với những hoạt động phục dựng này cụ thể như thế nào?

- Việc phục dựng các sinh hoạt văn hóa dân gian đã mai một thì ai cũng nhìn thấy được sự cần thiết bởi mục đích gìn giữ những sắc thái văn hóa riêng của từng địa phương. Tuy nhiên việc phục dựng cũng còn cần tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể riêng. Bởi mỗi một nơi sẽ có những phong tục, tập quán riêng của mình. Thế nhưng về căn bản, việc phục dựng đúng nguyên gốc thì chắc chắn không thể, chỉ còn cách cố gắng phục dựng để được gần giống nhất với nguyên gốc. Đó là chưa kể thế nào là nguyên gốc, nguyên gốc từ bao giờ, thời điểm nào?... là cả một câu chuyện dài cần phải bàn thảo.

Vả lại xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi nên rất khó để bắt buộc việc phục dựng phải hoàn toàn như cũ. Quan trọng nhất, việc phục dựng cốt yếu phải đảm bảo giữ được hồn cốt của hiện tượng văn hóa. Đó là tính nhân văn của thực hành văn hóa ấy.

Thực tế, không riêng phiên chợ Âm - Dương, việc phục dựng các sinh hoạt văn hóa dân gian hiện nay ở đâu cũng xảy ra vấn đề. Vì thế mà việc thực hiện phục dựng là cả một quá trình nhiều năm và liên tục rút kinh nghiệm.

* Có một thực tế rằng việc việc phục dựng các sinh hoạt văn hóa dân gian ngoài bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc còn hướng đến mục đích thương mại nhằm khai thác kinh tế. Nhìn vào dự định phục dựng phiên chợ Âm - Dương tại Bắc Ninh, theo GS, có hay không triển vọng khai thác kinh tế hiệu quả từ phục dựng văn hóa?

- Dĩ nhiên là có. Vấn đề quan trọng là trong sự thương mại đó nhìn ra được vấn đề văn hóa và giữ được văn hóa, mà không phải là thương mại hóa văn hóa. Cụ thể đối với phiên chợ Âm - Dương tại Bắc Ninh, nếu được phục dựng lại sẽ được tổ chức vào ban đêm. Khách tham quan muốn tham gia phiên chợ phải đến từ sớm, mà người ở xa đến sẽ phải lưu trú, khi cần lưu trú dĩ nhiên các dịch vụ kinh doanh ăn ở sẽ có cơ hội để phát triển. Bản thân việc khai thác văn hóa để làm kinh tế đã tồn tại trong nhiều năm gần đây do địa phương chủ quản nhìn ra được tiềm năng của các sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong cộng đồng có thể trở thành hiện tượng văn hóa nhằm mục đích khai thác du lịch.

Nhìn được tiềm năng khai thác kinh tế xã hội từ hiện tượng, sự kiện văn hóa là điều đương nhiên nhưng cần thực hiện nghiêm túc, khoa học và bài bản để giữ được hồn cốt của văn hóa. Hơn thế, việc tôn trọng nguyện vọng, ý nguyện và có sự đồng thuận tham gia của cộng đồng phải luôn được đặt lên hàng đầu. Đó là điều quan trọng và đặc biệt cần thiết.

*Cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!

Công Bắc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm