Giới phê bình Việt nhớ về 'Thế kỷ Bạc' của văn chương Nga

04/09/2015 05:56 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Thế kỷ Bạc” không phải 100 năm mà là 30 năm rực rỡ về văn hóa, văn học của nước Nga từ năm 1890 đến 1920. Tọa đàm cuối tuần này tại Viện Văn học bàn về giai đoạn “phục hưng văn hóa Nga” này.

Tọa đàm “Văn học Nga – Thế kỷ bạc” diễn ra tại Viện Văn học ở Hà Nội cuối tuần qua với sự tham gia của các nhà phê bình Đào Tuấn Ảnh, Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Tố Mai, nhà thơ Anh Ngọc…

TS Hoàng Tố Mai bày tỏ: “Văn học Nga thế kỷ Bạc đối với tôi vô cùng quyến rũ”. Các nhà phê bình thống nhất rằng văn Nga thời này đã được dịch rất nhiều ở Việt Nam, trong đó có những bản dịch “lấp lánh thiên tài” nhưng vẫn cần được dịch thêm những tác giả mới, nhìn nhận dưới quan điểm của thời đại mới.

Sách của Anton Chekhov và Ivan Bunin, hai tác gia vĩ đại của “Thế kỷ Bạc”, đã được xuất bản tại Việt Nam

Khái niệm “Thế kỷ Bạc” còn xa lạ với độc giả đại chúng nhưng rất thân thuộc với những ai yêu và say mê văn học Nga, nền văn học từng có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Cái tên này được đặt ra để tiếp nối “Thế kỷ Vàng” vốn chỉ thời kỳ hoàng kim cổ điển của văn học Nga.

Các nhà thơ, nhà phê bình, nhà triết học Nga đương thời coi đây là giai đoạn “phục hưng văn hóa Nga”. Văn hóa Nga thời này phát triển rực rỡ với nhiều nhân vật tài năng có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Về văn học, có những nhà văn tiên phong như Anton Chekhov, Ivan Bunin (nhà văn Nga đầu tiên đoạt giải Nobel), Aleksey Tolstoy, Maksim Gorky, Vladimir Mayakovsky, Sergei Yesenin, Marina Tsvetaeva…

Nha Đam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm