Giải mã một thần đồng đứng đầu Quốc Tử Giám

16/07/2014 08:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 15/7, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc tử giám đã tổ chức Hội thảo khoa học "Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam". Qua hội thảo này, nhiều người sẽ biết thêm về thân thế, sự nghiệp của Trương Công Giai, một vị quan thanh liêm, người từng đảm trọng trách đào tạo nên nhiều học trò ưu tú cho đất nước.

Ông Trương Mạnh Tiến, đại diện cho dòng họ Trương ở miền Bắc, cho biết: "Trong tình hình biển Đông đang căng thẳng, lãnh thổ đang bị đe dọa, hội thảo này dù nói về một dòng họ khoa bảng nhưng cũng là để khơi dậy niềm tự hào của trăm họ. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, và quốc gia lúc nào cũng cần những con người như cụ Trương  Công Giai, một con người suốt đời vì nước, hết lòng lo cho dân".

Theo tài liệu của nhà văn hóa Trần Tuấn Đạt, Trương Công Giai được miêu tả: "Là người có phong thái đoan trang kỳ vĩ, thần thái ung dung, mặt tựa tô son, đứng ngồi đĩnh đạc, ôn hòa từ ái cần kiệm, thanh cao".


Các chuyên gia trình bày những nghiên cứu về dòng họ Trương ở cả trong và ngoài nước

Trương Công Giai (1665 - 1728) sinh ra tại trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay là tỉnh Hà Nam. Ông sinh ra trong một gia đình gia thế, từ nhỏ học hành giỏi giang, được coi là thần đồng. Đời Lê Hy Tông (1685), ông đỗ Tiến sĩ khi mới 20 tuổi. Ông từng giữ chức tới chức Công bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư, được phong tặng tước Lỵ Quận công, khi mất được tặng hàm Thiếu bảo. Đặc biệt ông có thời gian dài kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám (tức hiệu trưởng của trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam - PV) và có đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục.

Các nhà nghiên cứu đều khẳng định Trương Công Giai là một vị quan thanh liêm, cương trực, suốt đời vì nước vì dân, một người thầy đào tạo nên nhiều học trò ưu tú, là soạn giả của nhiều văn bia, thơ phú. Hiện nay ở nhà thờ quan Thượng Trương Công Giai có treo bức đại tự thờ 4 chữ: "Quan Tiết Bất Đáo" (có nghĩa là Quan thanh liêm và có khí tiết không nhận lễ vật gian phi).

Lật lại lịch sử, suốt 1.000 năm dòng họ Trương nổi lên là một dòng họ hiếu học, có nhiều đóng góp cho đất nước. Nhiều người dòng họ Trương đỗ đạt thành danh phục vụ cho các triều đại phong kiến. Đến thời cận đại phải kể đến Trương Vĩnh Ký – một nhà giáo dục, nhà ngôn ngữ, nhà sử học, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Thời hiện đại phải kể tới kỹ sư Trương Trọng Thi, cha đẻ của máy tính hệ vi sử lý (Intell 8008); bác sĩ Daniel Dũng Trương, nhà Thần kinh học quốc tế; Tiến sĩ Trương Đình Hiển người đặt nền móng cho kế hoạch khổng lồ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Tiến sĩ Trương Đình Tuyển, người đóng vai trò quan trọng để Việt Nam gia nhập WTO...

Hội thảo lần này để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 350 ngày sinh Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai sẽ được tổ chức vào năm 2015.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm