"Gangnam Style" - Cú ăn may thế kỷ?

29/09/2012 06:43 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Tính đến ngày 22/9, trên YouTube đã đo được con số gần 300 triệu lượt người xem. Guinness vừa chứng nhận Gangnam Style trở thành music video có lượng người xem “đỉnh của đỉnh” trong lịch sử YouTube. “Phong cách Gangnam” đang trở thành “phong cách (giải trí thời đại) hay đơn giản chỉ là cú ăn may thế kỷ?

Lịch sử đang lặp lại?

Gần 2 thập niên trước, tháng 8/1995, khi bộ đôi Los del Rio tung ra ca khúc Macarena, ca khúc nhạc dance vui nhộn, ngay lập tức nó trở thành bản hit toàn cầu. Ở đâu người ta cũng nói về Macarena, ca khúc vui nhộn đặt theo tên một cô gái này khiến người nghe lắc lư và hai tay lúc nào cũng đặt phía trước ngực, đánh tròn liên tục và sau đó trò này phổ biến hàng loạt trong các sàn nhảy. Ở Việt Nam ti-vi cũng phải mở liên tục ca khúc này trong các chương trình ca nhạc quốc tế, các tiệm băng đĩa bán chạy như tôm tươi nhờ Macarena, tất cả những đĩa nhạc dance Made in China đều gắn thêm Macarena để câu khách…

Ca khúc đến từ Tây Ban Nha thời điểm ấy leo lên vị trí quán quân ở hầu hết các quốc gia có bảng xếp hạng âm nhạc. Tại Mỹ, nó đứng đầu Billboard suốt một thời gian và trở thành một trong 5 ca khúc nước ngoài đầu tiên chiếm vị trí quán quân ở Mỹ trong suốt 5 thập niên lịch sử.

Psy với điệu nhảy ngựa chinh phục thế giới

Và giờ là đến Gangnam Style, ca khúc dance vui nhộn đến từ Hàn Quốc, phát hành hôm 15/7 và đang gây náo loạn khắp nơi. Khác với Macarena với hay tay để phía trước và đánh tròn, Gangnam Style “chất” hơn, hai tay nằm chặt phía trước như đang diễn tả cầm yên ngựa, lâu lâu lại đánh chéo tay, hai chân xếp bằng, gối nhô cao và nhảy tới. Nhìn vào chẳng cần thuật ngữ chuyên môn cũng gọi được thành hai tiếng: “Nhảy ngựa”.

Gangnam Style là đứa con tinh thần của Park Jae-sang mà giờ nên gọi bằng cái tên ngắn gọn hơn, Psy (rất dễ gõ nhầm thành Spy, điệp viên). Psy thổ lộ rằng anh chẳng có ước mơ nào lớn hơn là được yêu mến ở Hàn Quốc vậy mà giờ đây, sáng thức dậy thấy mình xuất hiện trên ti-vi với phần phỏng vấn đặc biệt của The Wall Street Journal, The Financial Times hay CNN “thì thật là hãi hùng”. Chưa kể Psy còn được mời đến show của The Ellen Degeneres và dạy nhảy cho Britney Spears “thì quả là cú đấm thẳng vào giấc mơ ngày xưa, tất cả tan như xà phòng và giờ thì tôi phải làm quen với một thế giới mới”.

Tuy vậy có nhiều người cho rằng Gangnam Style là một cú ăn may thế kỷ, giống như Macarena chỉ tồn tại được hai năm rồi biến mất và sau đó bộ đôi Los del Rio cũng chẳng ra lò được sản phẩm nào khá khẩm hơn. Giám đốc công ty YG nói rất thật rằng từ trước đến nay họ dùng mọi nỗ lực nhưng cũng chưa bao giờ có một bài hát của ca sĩ Hàn Quốc nào có thể vươn đến vị trí quán quân trên iTunes. Đây thực sự là một hiện tượng không thể giải thích bằng lời.

Có rất nhiều trường hợp nổi một lần và sau đó là nhạt dần rồi biến mất. Ngoài Macarena hẳn nhiều người vẫn còn nhớ bản euro dance khá nổi tiếng Shalala Lala của nhóm The Walkers đã được nhóm nhạc Hà Lan Vengaboys chơi lại và trở thành ca khúc được nghe nhiều nhất vào năm 2000. Ca khúc đã đưa nhóm Vengaboys vượt ra ngoài biên giới quốc gia và đi trình diễn ở rất nhiều nơi. Ca khúc này và ca khúc cũng rất được yêu mến Boom, Boom, Boom, Boom!! trở thành những bản hit ở châu Á và bất cứ tiệm đĩa nào cũng mở hai bài này đủ hút khách. Năm 2001 nhóm này trở thành nhóm nhạc dance bán nhiều đĩa nhất trong năm nhưng rồi Vengaboys chỉ được đến thế và sau đó họ lịm dần và biến mất.

Một bài hit khác cũng khá nổi tiếng, Aserejé của ba cô gái đến từ Tây Ban Nha, Las Ketchup, cũng đã trở thành bài hit toàn cầu vào năm 2002. Bản Anh ngữ của ca khúc này, The Ketchup Song, được nghe ở khắp mọi nơi và đứng hạng nhất ở 27 quốc gia, bán 12 triệu đĩa toàn cầu. Ca khúc có tiết tấu vui nhộn, thấm đẫm mùa Hè này được nghe đi nghe lại trên các đài phát thanh và MTV Latin và nó cũng đưa Les Ketchup đi diễn khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có mỗi ca khúc này là đưa Les Ketchup lên đỉnh cao còn sau đó họ trở về vạch xuất phát vì chẳng có gì mới hơn.

Cho nên nhiều người cũng đang nhìn vào Gangnam Style với một ý nghĩa như vậy cho dù ca khúc đang có một sự khởi đầu tuyệt đẹp nhưng đường bay của Psy sẽ kéo dài được bao lâu. Tuy nhiên ở Hàn Quốc người ta đang cho rằng giấc mơ của Psy là một cú hích khích lệ với tất cả những ai đang nuôi mộng thành danh ở K-pop vì sẽ chẳng có tấm gương nào đẹp hơn Psy khi suốt 10 năm qua đã đánh đổi tất cả để được ngày hái quả như hôm nay. Psy thành công một phần lớn là dám “đi ngược”, nuôi đam mê và theo đuổi đến cùng. Chưa kể chất nhạc của anh với phần nhiều là âm thanh điện tử rất dễ xuất khẩu được ra bên ngoài biên giới, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Và bài hát này cũng là một minh chứng rằng ngôn ngữ nhiều khi không phải là vấn đề trong việc xuất khẩu âm nhạc quan trọng là nó gây được ấn tượng ra sao.

Có thể Gangnam Style chỉ là một cú One-Hit Wonder (nổi một lần rồi thôi) nhưng ít ra nó cũng tạo được một cơn lốc khởi nguồn từ K-pop. Psy sẽ tạo một hành trình mới cho nhiều thế hệ K-pop nuôi giấc mơ vượt biển chinh phục thế giới.

Psy tập nhảy cho cả Britney Spears

Bắt đầu ở tuổi 35

Psy còn khá trẻ, chỉ mới… 35 tuổi, chuyên hát rap, tướng tá to lớn, tròn trịa, nhìn là đã thấy muốn cười. Psy hát rap đã 10 năm, đã ra 6 album vậy mà lúc anh trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu thì có tờ báo đã giới thiệu anh là… MC. Thật ra cũng chẳng có gì sai, trong 10 năm qua, Psy đã hết lòng phục vụ nghệ thuật nhưng nghệ thuật không xem anh là bạn thân nên anh phải làm nhiều nghề để nuôi nghệ thuật, từ giám khảo chương trình truyền hình đến cả dẫn chương trình event.

Psy ra mắt album đầu tay vào năm 2001, PSY... From The Psycho World! và nhanh chóng bị “phạt thẻ vàng” vì cố tình lắp ghép những ca từ thô lỗ, vũ đạo khiêu khích và ngoại hình thì “như một gã khùng”. Để khẳng định hướng đi của mình là đúng đắn, năm sau (2002), Psy ra album mới có tên SSA2 và chưa đầy tuần lễ sau đã nhận được quyết định cấm bán đĩa này cho thanh niên dưới 19 tuổi vì nhiều bậc phụ huynh đã gửi đơn cho chính quyền yêu cầu xem lại chàng ca sĩ “khùng điên ba trợn kia” toàn nói năng linh tinh trong album, chưa kể lời lẽ thì khiêu khích, gây shock…

Sau đó thì công ty của Psy lâm vào cảnh vỡ nợ, nghe lời vợ Psy xin vào đầu quân tại YG Entertainment của ông trùm Yang Hyun-suk và y như rằng, sau đó sự nghiệp âm nhạc Psy được cải thiện đáng kể. Và ca khúc Gangnam Style được xem là đỉnh cao thành công của Psy và YG Entertainment.

Cái tên Gangnam Style được lấy theo tên khu Gangnam, khu phố giàu có bậc nhất ở Seoul (Hàn Quốc) và được ví giống như khu nhà giàu Beverly Hills ở Mỹ. Hiện Psy, chỉ cần với một music video đã bỏ túi hơn 10 triệu USD, chưa kể nhiều hợp đồng quảng cáo đang chờ ký mà mỗi một hợp đồng có giá không dưới 400 nghìn USD. Tiền bán album nhạc số và album CD cũng đem về cho Psy gần 1 triệu USD, show diễn hôm 11/8 cũng giúp anh bỏ vào nhà băng gần 3 triệu USD…

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Gangnam Style là một tất yếu!

Tôi cho rằng đây không phải là một cú ăn may, càng không phải một kế hoạch được tính toán trước, mà là một sự tất yếu. Có nghĩa là, nếu không phải Psy thì cũng sẽ là một nghệ sĩ khác. Bất kỳ ai theo đuổi thể loại này cũng có thể là người tạo ra hiện tượng này. Thật sự Gangnam Style là một kiểu ca khúc rất sáng tạo, mới lạ. Tôi đã từng nghe Psy lâu rồi, rất khâm phục người nghệ sĩ này về sự sáng tạo và cách mà anh ta tránh khỏi sự nhàm chán, cách mà anh ta tạo ra sự thú vị cho người nghe khi nghe lần đầu.

Gangnam Style hay Psy cũng thế. Không có họ thì không sớm thì muộn chúng ta vẫn có một hiện tượng. Mặc dù tôi vẫn nghĩ hiện tượng này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, để thay vào đó là sự sáng tạo khác lên ngôi, tôi vẫn đánh giá cao cái thể loại âm nhạc này, chỉ đơn giản là vì nó cũng kích thích tôi sáng tạo.

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm