Facebook, 'Em bé Napalm' và ảnh khỏa thân

12/09/2016 06:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tất cả chúng ta đều có thể nhất trí với nhau rằng, Facebook đã máy móc và “ngu dốt” khi chặn bức ảnh lịch sử “Em bé Napalm” vì tưởng rằng đó là ảnh có yếu tố khiêu dâm. Chắc không ai còn có ý kiến khác. Bởi chính Facebook cũng đã thừa nhận sai lầm này và đã cho hiển thị lại bức ảnh cũng như các status liên quan sau khi đã “đơn phương” xóa bỏ chúng.

Nhưng xét ở khía cạnh nào đó ta cũng nên thông cảm cho Facebook, bởi cỗ máy kiểm duyệt của họ dù thông minh đến đâu, cũng không thể thay thế cho con người.

Giờ đây, ngay lập tức, bạn có thể bảo ai đó là ngu dốt hay chà đạp lên lịch sử nếu cho rằng bức ảnhEm bé Napalm là “vi phạm quy tắc ảnh khỏa thân”. Nhưng cách đây hơn 40 năm, khi bức ảnh này ra đời, thì chính tác giả của nó, nhiếp ảnh gia Nick Út cũng phải đối mặt với những băn khoăn tương tự.

Nick Út kể lại: “Thú thực lúc đó tôi còn quá trẻ, chụp ảnh về thì để cho AP duyệt đăng. Một số người cũng tranh luận về bức ảnh vì cô bé Kim Phúc khi đó bị cháy hết quần áo, dang hai tay chạy ra. Có người còn tính đến phương án chỉnh sửa, che bớt đi...”.


Bức ảnh "Em bé Napalm"

Nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh báo chí nói riêng có những quy tắc nghề nghiệp của nó. Có những điều cấm kỵ, bất thành văn. Chẳng hạn, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận bức ảnh các bé trai cởi truồng tắm mưa, nhưng với ảnh các bé gái thì không thể.

Rõ ràng khi đó, một số biên tập viên cũng nghĩ tới yếu tố nhạy cảm này, cho nên, có người còn muốn “che đi” như lời kể của Nick Út. Và nếu họ máy móc làm như thế thì Em bé Napalm bị chỉnh sửa sẽ không đi vào huyền thoại.

“Nhưng may mắn là trưởng đại diện AP tại Sài Gòn khi đó là Horst Faas quyết định chọn dùng bức ảnh trọn vẹn và không can thiệp gì. Một năm sau, khi nghe tin bức ảnh giành được giải thưởng Pulitzer, tôi còn không biết giải thưởng đó là gì. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì bức ảnh đó lột tả được bộ mặt chiến tranh ở Việt Nam” - Nick Út kể tiếp.

Horst Faas, người đã đưa ra quyết định đúng đắn kể trên, chính là người sau này cùng với Tim Page biên soạn cuốn Requiem (Hồi niệm) nổi tiếng về các nhiếp ảnh gia đã hy sinh trên chiến trường Đông Dương.

***

Dài dòng về lịch sử ra đời của bức ảnh Em bé Napalm để chúng ta cùng chia sẻ thêm một giá trị nữa của bức ảnh. Nó đã phá vỡ những “quy ước” mang tính máy móc thông thường về ảnh báo chí, để trở thành một trong những bức ảnh ám ảnh nhất về tội ác chiến tranh trong thế kỷ 20.

Cả thế giới phải thừa nhận giá trị vô song của nó, và đương nhiên, không có bất kỳ một băn khoăn nào về cái gọi là “vi phạm quy tắc ảnh khỏa thân” như cáo buộc của Facebook vừa qua.

Câu chuyện Em bé Napalm và Facebook cũng khiến tôi suy nghĩ về một vấn đề thời sự bây giờ. Đó là việc ứng xử với ảnh khỏa thân. Đúng là không thể máy móc. Thông tư 01 của Bộ VH,TT&DL từng đưa ra quy định cấm người đẹp chụp ảnh không có trang phục phát tán lên mạng internet.

'Em bé napalm' Kim Phúc: 'Thiên đường của tôi giờ ở ngay trên mặt đất'

'Em bé napalm' Kim Phúc: 'Thiên đường của tôi giờ ở ngay trên mặt đất'

"Em bé napalm" Kim Phúc đã trở thành biểu tượng sống về sự thảm khốc trong chiến tranh Việt Nam khi bức ảnh phóng viên Nick Út chụp bà vừa khóc vừa chạy vì bỏng bom napalm hồi 9 tuổi được lan truyền trên thế giới.


Quy định này đã gặp bão dư luận, và sau đó Bộ đã phải sửa chữa theo hướng loại bỏ quy định này trong dự thảo thông tư mới. Không những thế, cả những quy định khác bị cho là không rõ ràng cũng bị loại bỏ luôn, như quy định cấm người đẹp sử dụng trang phục phản cảm; có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục VN…

Những sự thay đổi này, và cả những lùm xùm xung quanh các vụ cho phép hay không cho phép triển lãm ảnh khỏa thân cho thấy, chúng ta chưa có một cái nhìn bình tĩnh và khoa học về thể loại ảnh này. Sự thái quá (cởi mở hết cỡ) hay bất cập (cấm đoán) đều không phải là một thái độ đúng.

Tranh hay ảnh khỏa thân cũng như các thể loại khác, có tác phẩm tốt, có tác phẩm xấu. Và xấu hay tốt không thể cân đo bằng máy móc, kể cả bằng cỗ máy tuyệt đỉnh thông minh như Facebook, mà phải bằng sự thẩm định của con người.

Và như thế, người sáng tác, phổ biến hay cấp phép phổ biến nó phải chịu trách nhiệm về chất lượng và giá trị của ảnh khỏa thân. Trong quản lý, có khác chăng so với các thể loại khác là cần phân loại đối tượng tiếp nhận thể loại này.

Hy vọng rằng câu chuyện cười ra nước mắt về Facebook chặn Em bé Napalm sẽ cung cấp thêm một bài học trong việc ứng xử với những bức ảnh có yếu tố khỏa thân.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm